Biên giới Việt-Trung tắc nghẽn, hàng Campuchia tìm ngả khác
một giờ trước
Tình hình tắc nghẽn hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới Việt-Trung những ngày qua khiến Campuchia quan ngại, tìm biện pháp giảm thiểu thiệt hại.
Phnom Penh nay yêu cầu các nhà xuất khẩu tăng cường dùng hình thức vận tải đường biển và đường không để tránh rơi vào thế kẹt.
Bộ Thương mại nước này đã \”thông báo tới các nhà buôn, Hiệp hội Vận tải, các nhà nhập khẩu và công chúng rằng tại thời điểm này, việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua đường biên giới Việt – Trung có thể có vấn đề, do tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng\”, tờ Khmer Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Thương Mại Campuchia nói hôm 4/1.
Trên thực tế, hầu hết trao đổi thương mại giữa Campuchia với Trung Quốc đều được thực hiện qua đường biển, trong lúc vận tải đường bộ chỉ chiếm một phần nhỏ, ông Pen Sovicheat nói với tờ Phnom Penh Post.
Hàng hoá sang Trung Quốc thường xuất phát từ các cảng Phnom Penh và cảng Sihanoukville.
Vật liệu xây dựng và nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp may mặc chiếm phần quan trọng trong danh mục những mặt hàng nước này nhập từ Trung Quốc.
Do Campuchia không có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc, vận tải đường bộ được thực hiện một phần \’nhờ\’ qua đường Việt Nam.
Tính đến ngày 4/1, Bộ Ngoại thương Campuchia cho hay xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng gì từ tình trạng bế tắc ở biên giới Việt – Trung.
Tuy nhiên, Phnom Penh tỏ ra thận trọng với việc ra thông báo tới các bộ ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nhân, và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình để có giải pháp kịp thời.
Chính sách nỗ lực khống chế dịch bệnh \’Không Covid\’ của Bắc Kinh, với việc kiểm soát người, hàng vào nước này qua đường bộ đang tác động trực tiếp tới một số quốc gia giáp biên.
Hôm 23/12, phía Trung Quốc thông báo cho Việt Nam việc cấm tài xế nước ngoài lái xe sang bên kia biên giới kể từ 24/12 theo yêu cầu của giới chức y tế.
Các biện pháp tương tự cũng được Trung Quốc áp dụng tại các khu vực biên giới trên bộ với Myanmar và Lào, theo tường thuật của tờ Khmer Times.
Hàng nông sản Việt Nam \’dưới chuẩn\’?
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và là một thị trường lớn cho các sản phẩm hoa quả, rau củ của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2021 tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, theo các số liệu được giới chức Việt Nam công bố.
Việc bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía bắc dài ngày trong mấy tuần qua đã khiến rất nhiều hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam trên các xe hàng bị hư thối, phải bán tháo hoặc vứt bỏ, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một quan chức của Hiệp hội Vận tải Campuchia nói rằng việc hàng nông sản Việt Nam mắc kẹt ở biên giới không hoàn toàn chỉ vì lý do Trung Quốc phòng chống Covid.
Chủ tịch Hiệp hội, ông Sin Chanthy được tờ Phnom Penh Post dẫn lời, nói một phần đáng kể hàng hoá Việt Nam là các sản phẩm \”dưới chuẩn\” và \”không được kiểm tra chất lượng đầy đủ\” trước khi được đưa lên biên giới phía bắc.
Các nhà xuất khẩu Campuchia đã trở nên cẩn thận hơn trong việc chọn lựa các hình thức đóng gói, và đã có những biện pháp thận trọng nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc đặt ra, ông Chanthy nói.
Ông cho biết thêm rằng các thành viên Hiệp hội và các nhà vận tải Campuchia đã được cảnh báo tương đối sớm về tình hình tắc nghẽn hàng hoá ở biên giới Việt – Trung, và nhờ đó đã tránh được những tổn thất lớn.
Việt Nam trong những tuần qua liên tục trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc, cả cấp trung ương và địa phương, nhằm hối thúc thông quan.
Bộ Công thương, Cục Xuất Nhập khẩu Việt Nam dự báo sớm và thường xuyên có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, hộ nông dân, theo nhà nghiên cứu Trung Quốc, thạc sĩ Ngô Tuyết Lan, nhưng thương lái vẫn ùn ùn đưa xe lên biên giới đường bộ.
\”Điều đó cho thấy thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương với địa phương,\” bà Ngô Tuyết Lan nói với BBC Tiếng Việt. \”Còn tồn tại khoảng cách giữa hoạch định chính sách và tính hiệu quả của quyết sách khi đưa vào thực tiễn.\”