Tokyo nghĩ sao về Trung Quốc?

Tokyo nghĩ sao về Trung Quốc?

January 6, 2022

\"\"

Bản ghi chép đáng tin cậy về Phái đoàn ngoại giao Nhật Bản đầu tiên đến Trung Quốc là vào năm 238 sau Công Nguyên, khi nữ hoàng Nhật Bản, Himiko, phái một đoàn đến nước Ngụy ở Trung Quốc, dâng 10 nô lệ và 2 tấm vải dài 6 m. Vào thế kỷ thứ 7, Yamato, gia tộc thống trị phần lớn Nhật Bản vào thời điểm đó thường xuyên cử sứ thần đến triều đình nhà Tùy và Nhà Đường. Nhật Bản tiếp nhận hệ thống chữ viết của Trung Quốc; các nhà sư và học giả Nhật Bản đã tiếp thu các tôn giáo của Trung Quốc.

Nhật Bản vẫn quan sát kỹ lưỡng, có thể là cảnh giác, nước láng giềng lớn hơn hàng trăm năm qua. Vào cuối những năm 1970 và 1980, một phần với mặc cảm tội lỗi về những hành động tàn bạo trong Thế Chiến thứ II, Nhật Bản đã giúp Trung Quốc hiện đại hóa. Các công ty Nhật Bản là những công ty đầu tiên thâm nhập vào thị trường đang phát triển của Trung Quốc. Lãnh đạo Nhật Bản cũng đã sớm cảnh báo về chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, đặc biệt là sau khi xảy ra xung đột từ năm 2010 đến 2012 vì một số bãi đá không có dân cư ở biển Hoa Đông, mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sasae Kenichiro, cựu đại sứ Nhật tại Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo rằng: đây không phải là một vấn đề nhỏ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, mà là một dấu hiệu cho thấy một cường quốc đang trỗi dậy trong khu vực”.

Những quan điểm đó không thuyết phục được các lãnh đạo Hoa Kỳ và Âu đang tập trung vào lợi ích của việc giúp Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, những năm gần đây, việc Bắc Kinh gây hấn ở Hồng Kông, đàn áp ở Tân Cương và diễu võ dương oai trước Đài Loan đã khiến nhiều chính phủ Tây phương nghi ngờ hơn. Bước vào kỷ nguyên cạnh tranh với Trung Quốc, họ bắt đầu lắng nghe quan điểm của Nhật Bản. Một số quan chức Mỹ và Anh hàng đầu đã bắt đầu nói tới việc mời Nhật Bản, Hàn Quốc (và một số nước khác trong vùng) vào nhóm Five Eyes – Ngũ Nhãn – một mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo của một số quốc gia nói tiếng Anh, với hy vọng tìm hiểu hơn về Trung Quốc. Matsuda Yasuhiro, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Tokyo, cho biết: “Mười lăm năm trước, nếu tôi nói với [các đồng nghiệp phương Tây] về những khía cạnh tiêu cực của Trung Quốc, họ coi tôi như một học giả cánh hữu, ghét Trung Quốc. Bây giờ họ lắng nghe chúng tôi.”

Các nhà quan sát Nhật Bản về Trung Quốc hiện nói đến ba xu hướng đáng lo ngại. Đầu tiên là sự tự tin thái quá của Trung Quốc. Kanehara Nobukatsu, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản cho biết: “Trung Quốc thực sự tin rằng phương Tây đang suy tàn. Các học giả Nhật Bản cho rằng lãnh đạo Trung Quốc không hề nói dối khi họ tuyên bố hệ thống chính trị Trung Quốc vượt trội hơn nền dân chủ lộn xộn của Mỹ. Một số người nhận thấy rằng sự tương đồng đáng lo ngại với lập trường cứng rắn của Nhật Bản trong giai đoạn chuẩn bị đến chiến tranh Thế giới thứ Hai. Một cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở họ về những sai lầm trong quá khứ của chúng tôi trước chiến tranh. Họ nói, ‘Anh có đùa không, chúng ta hoàn toàn khác nhau.’ Nhưng trong mắt chúng tôi ngày càng có nhiều điểm giống nhau.”

Thứ hai là sự thay đổi từ sự lãnh đạo tập thể sang cá nhân dưới thời Tập Cận Bình. Quan chức Nhật Bản lo ngại rằng khi phụ thuộc vào quyết định của một người, Trung Quốc đang trở nên giống Triều Tiên hơn. Trên thực tế theo quan điểm này, Tập Cận Bình có thể còn bị cô lập hơn cả lãnh đạo độc tài Triều Tiên Kim Jong Un vốn được giáo dục ở Thụy Sĩ. Ông Kanehara nói: “Tập Cận Bình hoàn toàn không hiểu về thế giới tự do — tôi chắc rằng Kim Jong Un hiểu thế giới của chúng ta hơn”.

Cuối cùn là tình trạng kinh tế của Trung Quốc. Cuộc đàn áp các công ty tư nhân lớn gần đây của Tập Cận Bình trong bối cảnh thúc đẩy “thịnh vượng chung” khiến nhiều người ở Tokyo lo lắng về tương lai tăng trưởng của Trung Quốc. “Người Trung Quốc đến với chúng tôi và khuyến khích chúng tôi đầu tư nhiều hơn, họ nói rằng đừng bỏ lỡ cơ hội,” cố vấn của một ngân hàng lớn của Nhật Bản nói. “Nhưng khi người Trung Quốc nói điều này, điều đó có nghĩa là họ có vấn đề.” Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã giảm đáng kể trong những năm gần đây – một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với “những vấn đề nghiêm trọng” trong nước, Maeda Tadashi, thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, cơ quan tài chính – phát triển ở nước ngoài thuộc sở hữu nhà nước cho biết.

Suy thoái ở Trung Quốc sẽ có những tác động mạnh mẽ đến kinh tế Nhật Bản: Trung Quốc nhập hàng xuất khẩu của Nhật nhiều nhất, 22% kim ngạch xuất khẩu. Những người Nhật theo dõi Trung Quốc lo ngại rằng điều đó cũng có thể khiến Tập Cận Bình chuyển sự chú ý đến nền kinh tế đang suy thoái bằng cách khuấy động khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa xung quanh vấn đề Đài Loan hoặc quần đảo Senkaku / Điếu Ngư. Tuy nhiên, nhiều học giả Nhật Bản vẫn hoài nghi hơn những học giả ở Mỹ rằng cuộc chiến tranh giành Đài Loan sắp xảy ra, Aoyama Rumi thuộc Đại học Waseda ở Tokyo cho biết. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng Tập Cận Bình sẽ không mạo hiểm quyền lực của mình bằng cách mạo hiểm xâm lược toàn hòn đảo chính của Đài Loan trong tương lai gần.

Như ở những nơi khác, quan chức quân sự và an ninh có xu hướng lo lắng hơn các nhà phân tích chính trị về việc Tập Cận Bình có thể sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, họ không rõ ràng hơn những người Mỹ. Tướng Yoshida Yoshihide, tham mưu trưởng lực lượng mặt đất Nhật Bản cho biết: “Khung thời gian có thể dao động đáng kể. Khó mà biết chắc được điều gì, chẳng hạn như ‘trong vòng sáu năm’,” như một đô đốc Mỹ nói với Quốc hội vào năm 2021. Các nhà quan sát Nhật Bản lo lắng nhiều hơn về các hoạt động trong “vùng xám” chứ không phải một cuộc xâm lược toàn diện, từ các cuộc tấn công mạng đến các cuộc xâm nhập vào vùng biển của Đài Loan của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc hoặc cuộc tấn công chiếm các đảo vùng xa của Đài Loan.

Những lo lắng đó đã thúc đẩy Nhật thay đổi chính sách về Trung Quốc. Trước đại dịch, Nhật Bản và Trung Quốc đã trải qua một thời kỳ tương đối thoải mái. Abe Shinzo, thủ tướng Nhật Bản vào thời điểm đó, đã tìm cách ổn định quan hệ sau các cuộc đụng độ ở Senkaku / Điếu Ngư, và mời Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước vào tháng 4 năm 2020. Covid-19 đã tạm dừng các kế hoạch đó. Kishida Fumio, thủ tướng mới của Nhật Bản, đã cố thận trọng, nhưng vẫn thực hiện một số bước diều hâu ban đầu. Nội các của Fumio gồm một bộ trưởng mới về “an ninh kinh tế“, chịu trách nhiệm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguồn cung cấp thiết yếu. Ông cũng bổ nhiệm Nakatani Gen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng được được xem là diều hâu của Trung Quốc, phụ trách về nhân quyền, với mục tiêu đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với các vụ lạm dụng của Trung Quốc ở Tân Cương và Hồng Kông. Một gói kích cầu được thông qua vào tháng 11 gồm một khoản bất thường 774 tỷ Yên (6,8 tỷ USD) dành bổ sung cho chi tiêu quốc phòng để đẩy nhanh việc mua tên lửa và máy bay mới.

Năm 2022 Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ thời hậu chiến. Không có lễ kỷ niệm gì. Năm 2021, khoảng 71% người Nhật cho rằng Trung Quốc là một “mối đe dọa”, tăng từ 63% vào năm 2020. Tương tự như vậy, 66% người Trung Quốc có quan điểm tiêu cực về Nhật Bản, tăng từ 53%.

Tuần này, quân đội bên đồng ý cải thiện các kênh liên lạc — một bước đi đáng hoan nghênh, nhưng cũng là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã trở nên đáng lo ngại như thế nào. Ông Kishida vẫn im lặng về chuyến công du của Tập Cận Bình, nhưng không chính thức hủy bỏ lời mời. Ông cũng quyết định rằng Nhật Bản sẽ không cử bất kỳ bộ trưởng nội các nào tới Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng Hai, mà chỉ một vài quan chức thể thao. Nhật Bản sẽ không gọi đây là “tẩy chay ngoại giao” như Mỹ và các đồng minh khác. Nhưng không ai ở Trung Quốc có thể nhầm phái đoàn ít người hơn so với các phái đoàn triều cống trước đây. Giai đoạn tiếp theo của lịch sử lâu dài của Nhật Bản và Trung Quốc có thể sẽ nhiều thăng trầm.

Nguồn: The Economist

Bài Liên Quan

Leave a Comment