Vì sao Trung Quốc gia tăng kho vũ khí nguyên tử ?
Đăng ngày: 05/01/2022
Thụy My
« Tại sao Trung Quốc tăng cường kho vũ khí nguyên tử ? », đó là vấn đề được Le Figaro hôm nay phân tích. Những công trình đào bới thấy được qua ảnh vệ tình tại vùng hoang mạc tây bắc Trung Quốc khiến Lầu Năm Góc phải cảnh giác. Đô đốc Charles Richard, lãnh đạo các lực lượng chiến lược Mỹ báo động trước một « đột phá chiến lược » đáng kinh ngạc.
Trước hết, Trung Quốc gia tăng kho vũ khí nguyên tử bằng cách nào ?
Hiện nay Bắc Kinh đang xây dựng trên 250 xi-lô phục vụ cho việc phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), chủ yếu ở Cam Túc và Tân Cương. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc muốn tăng gấp ba số đầu đạn nguyên tử, từ 350 lên 1.000 vào năm 2030, nại cớ còn thua kém Hoa Kỳ (5.500), Nga (6.500), cho dù đã vượt qua Pháp (290).
Chế độ cộng sản Trung Quốc luôn giữ bí mật, nhưng không còn che giấu quyết tâm tăng cường sức mạnh nguyên tử. Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) nói rằng nhất quyết phải đối phó với Mỹ, gia tăng năng lực phóng hỏa tiễn không chỉ trên mặt đất mà cả dưới biển.
Hải quân Trung Quốc vốn có số lượng chiến hạm nhiều hơn Mỹ, vừa công bố phiên bản tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn (SNLE) Jin 094 có khả năng tàng hình cao hơn, có thể tấn công vùng duyên hải Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi thế hệ mới hơn là Jin 096. Trên không, Bắc Kinh cho oanh tạc cơ chiến lược H-6 có thể mang hỏa tiễn đạn đạo bay đến tận vùng nhận diện phòng không Đài Loan, thậm chí cả loại hỏa tiễn siêu thanh – theo báo chí nhà nước, trong khi các chuyên gia chờ đợi oanh tạc cơ tàng hình H-20 xuất đầu lộ diện trong tương lai. Đây là sự gia tăng chưa từng thấy kể từ thời chiến tranh lạnh, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Câu hỏi thứ hai : Việc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh liệu có làm thay đổi cán cân chiến lược ?
Tháng 7/2021, Financial Times tiết lộ Trung Quốc âm thầm cho hỏa tiễn bắn đi một tàu lượn siêu thanh có vận tốc cao hơn Mach 5 (6.100 km/h) mang theo một đầu đạn nguyên tử. Thiết bị này đã bay vòng quanh thế giới, sau khi thả một hỏa tiễn xuống Biển Đông, cách mục tiêu « vài chục kilomet ». Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói rằng thử nghiệm này không ảnh hưởng đến thăng bằng chiến lược, vì ICBM vẫn hiệu quả hơn trong việc tấn công quy mô. Tuy nhiên khi kết hợp một hệ thống vũ khí trên quỹ đạo tầng thấp (FOBS) với khả năng cơ động của tàu lượn, Trung Quốc đã đa dạng hóa kho vũ khí chiến lược để gây bất ngờ. Cũng theo ông Triệu, lợi ích chính là tính cơ động, giúp thiết bị siêu thanh khó bị phát hiện hơn ở tầm thấp, cho thấy Bắc Kinh quyết tâm tạo tâm lý bất ổn cho lực lượng phòng không Mỹ.
Câu hỏi thứ ba : Có phải Trung Quốc đang thay đổi quan điểm về nguyên tử ?
Về mặt chính thức, Trung Quốc nói rằng vẫn trung thành với nguyên tắc răn đe tối thiểu, chủ yếu là phòng vệ. Nhưng việc tăng cường, đa dạng hóa kho vũ khí cho thấy Bắc Kinh tỏ ra nhập nhằng, thiên về công hơn thủ. Chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện Montaigne chỉ ra nguy cơ leo thang, với việc Trung Quốc có xu hướng đáp trả lập tức nếu bị tấn công. Bắc Kinh vẫn lo sợ bị bao vây, với nỗi ám ảnh vào cuối nhiệm kỳ Donald Trump là Mỹ sẽ bất ngờ giáng đòn. Việc triển khai hệ thống chống hỏa tiễn THAAD ở Hàn Quốc năm 2016, các mạng lưới liên minh AUKUS và Quad cũng làm Trung Quốc lo ngại.
Trong cuộc đối đầu lâu dài với Washington, đất nước của Binh pháp Tôn Tử muốn cạnh tranh trên trường quốc tế, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương. Chuyên gia Triệu Thông cho rằng cũng như Liên Xô cũ, Trung Quốc gia tăng vũ khí chiến lược để được coi như ngang hàng với Hoa Kỳ.
Việc tăng năng lực tấn công nguyên tử có nhằm xâm lược Đài Loan ?
Tuy Tập Cận Bình miệng nói hòa bình, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho việc đổ bộ lên hòn đảo, mà cản ngại duy nhất là khả năng Mỹ can thiệp. Theo ông Duchâtel, việc sử dụng vũ khí nguyên tử không nằm trong kế hoạch tác chiến, nhưng đóng vai trò gián tiếp răn đe để Washington không đến giải cứu Đài Loan. Một tình trạng thăng bằng chiến lược giúp Bắc Kinh có thể chọn giải pháp tấn công ở eo biển, hỏa tiễn Trung Quốc đe dọa lãnh thổ Mỹ khiến Nhà Trắng phải cân nhắc trước khi lao vào cuộc xung đột để bảo vệ Đài Bắc.
Washington và Bắc Kinh có thể tránh được một cuộc chạy đua vũ trang?
Ông Triệu Thông cảnh báo, thái độ cương quyết của Bắc Kinh cùng với sự mập mờ trong ý định tạo ra những nghi ngờ, nuôi dưỡng bóng ma chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc. Trước nguy cơ này, Joe Biden đã đề nghị Tập Cận Bình « thảo luận về ổn định chiến lược » trong cuộc họp trực tuyến hôm 15/11. Washington muốn kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán, nhưng bị từ chối như thường lệ. Tống Trung Bình nói rằng Mỹ và Nga cần phải thương lượng với nhau trước để cắt giảm vũ khí, sau đó Trung Quốc mới tham gia.
Trong khi chờ đợi, chính quyền Biden muốn lập các kênh thông tin để tránh trước rủi ro, vì không có « đường điện thoại đỏ chiến lược » nào giữa Nhà Trắng và Trung Nam Hải. Theo South China Morning Post, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin có thể có cuộc điện đàm đầu tiên với Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), phó chủ tịch Quân ủy trung ương trong tháng Giêng để đặt ra những cơ sở cho đối thoại.