2022: Mỹ sẽ củng cố vế kinh tế của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

2022: Mỹ sẽ củng cố vế kinh tế của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

Đăng ngày: 07/01/2022

Trọng Nghĩa

Trong năm 2021 vừa kết thúc, chính quyền Joe Biden đã từng bước cụ thể hóa chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà mục tiêu là nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, để đạt hiệu quả, chiến lược này phải bao gồm cả thành tố quốc phòng lẫn kinh tế, thế nhưng cho đến nay, vế kinh tế chưa được Washington quan tâm đúng mức, điều mà theo giới quan sát sẽ được bổ khuyết trong năm 2022.

Vế quốc phòng của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương dĩ nhiên vẫn là nhân tố tối quan trọng. Ngày 27/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo Luật Ủy Nhiệm Quốc Phòng NDDA 2022 (National Defense Authorization Act) tức là ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022.

Ngân sách cho Sáng Kiến Răn Đe Thái Bình Dương tăng gấp ba

Trong ngân sách này, đó có hơn 7 tỷ đô la được dành cho “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương – Pacific Deterrence Initiative”. – tăng hơn gấp ba lần so với năm 2021.

Sáng kiến này chính là thành tố quốc phòng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm ứng phó với Trung Quốc. Theo ghi nhận của hãng tin Nhật Bản Kyodo, Đạo Luật được Quốc Hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo trước đó đã yêu cầu tổng thống Mỹ đưa ra một “chiến lược lớn” về Trung Quốc để đối phó với những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra cho trật tự quốc tế.

Có hai điều được nêu lên một cách cụ thể. Trước hết là cấm Bộ Quốc Phòng Mỹ mua sắm các sản phẩm đến từ lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương (Trung Quốc), kế đến là duy trì khả năng chống lại việc áp đặt “sự đã rồi” tại Đài Loan, ám chỉ việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đảo này.

Đạo luật đặc biệt yêu cầu mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2022, một sự kiện mà Trung Quốc đã bị loại ra ngoài từ năm 2018 vì những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng Trường Sa ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ loan báo \”Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”

Nếu vế quốc phòng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ càng lúc càng rõ nét, thì vế kinh tế vẫn còn mơ hồ trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình ở châu Á và trên toàn thế giới. Chính quyền Biden như đã nhận thức rõ điểm yếu này và sẽ tìm cách bổ khuyết ngay năm 2022 này với việc khởi động kế hoạch mang tên “Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương – Indo-Pacific Economic Framework”.

Ý tưởng phát triển khuôn khổ kinh tế này đã được được tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo lần đầu tiên trong các hội nghị thượng đỉnh khu vực trực tuyến vào mùa thu vừa qua, và có thể được hình thành ngay vào đầu năm nay nhân các cuộc đàm phán với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Một kế hoạch cần tăng tốc vì Trung Quốc đi trước rất xa

Cho đến lúc này, Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn còn mang định nghĩa mơ hồ là một thỏa thuận về “các mục tiêu chung”, như tạo điều kiện phát triển thương mại, kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng…

Đối với ông Matthew Goodman, chuyên gia về chính sách kinh tế quốc tế tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, “chính quyền Biden phải biến khuôn khổ kinh tế này thành một cái gì đó có thực chất hơn, có nghĩa là phải bổ sung một phần chi tiết”.

Hoa Kỳ cần phải tăng tốc vì lẽ trong thời gian qua, Trung Quốc đã ngày càng chiếm lĩnh khu vực về mặt kinh tế.

Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà Trung Quốc được cho là đầu tàu vào lúc Hoa Kỳ không tham gia, bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm.

Đe dọa các thành viên CPTPP chống việc kết nạp Trung Quốc ?

Bên cạnh đó, vào tháng 9 năm 2021, Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương CPTPP bao gồm 11 thành viên với Nhật Bản làm đầu tầu sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Cho dù hiện có nhiều thành viên của CPTPP như Nhật Bản hay là Úc, còn dè dặt trong vấn đề kết nạp Trung Quốc, theo chuyên gia Goodman được hãng tin Kyodo trích dẫn, Bắc Kinh đang liên tục thúc ép các nước thành viên hiệp định này mở cửa cho Trung Quốc, bằng cách hạ thấp các tiêu chí kết nạp. Thậm chí Bắc Kinh còn ngầm đe dọa trả đũa các nước nào chống lại việc thu nhận Trung Quốc.

Đối với giới chuyên gia, Bắc Kinh rất có thể sẽ thành công trong việc xin gia nhập Hiệp Định CPTPP, nhất là trong bối cảnh chính quyền Biden vẫn tránh gia nhập các khối tự do thương mại quan trọng trong khu vực, kể cả CPTPP, vì đây là một vấn đề nhạy cảm và bị chống đối đặc biệt là tại Quốc Hội Mỹ.

Nội tình nước Mỹ khiến việc củng cố vế kinh tế của chiến lược gặp khó khăn

Chính bối cảnh phức tạp tại Hoa Kỳ kể trên là một trong những nguyên nhân khiến cho chính quyền Joe Biden cho đến nay vẫn im lặng trước những lời kêu gọi từ một số đồng minh và đối tác châu Á muốn Mỹ trở lại tham gia Hiệp Định CPTTP, mà chủ trương thúc đẩy Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo bà Mireya Solis, chuyên gia về thương mại tại Viện Brookings, một tổ chức tham vấn khác ở Washington, chính quyền Biden rõ ràng coi khuôn khổ mới là là một kế hoạch “dễ triển khai hơn” vì có khả năng không cần Quốc Hội phê chuẩn.

Washington dường như mong muốn gắn kết các quốc gia cùng chí hướng bằng cách nêu bật các quy tắc và chuẩn mực mà Mỹ muốn thúc đẩy, trước những lo ngại về chính sách trợ cấp của Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số, chế độ kiểm duyệt internet và hạn chế luồng dữ liệu, cũng như sự xói mòn một số giá trị dân chủ.

Tuy nhiên, theo bà Solis, nỗ lực của Mỹ sẽ bị coi là “nửa vời” nếu không đề cập gì đến “một hiệp định thương mại thực thụ, với các cam kết có thể thực hiện được và mang tính ràng buộc nhằm tiến tới hội nhập kinh tế”.

Khuôn khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương phải đáp ứng lợi ích của đối tác

Còn theo ông Goodman, các “chuẩn mực cao” mà Hoa Kỳ đòi hỏi cho từng lãnh vực cần phải được cân bằng với những “lợi ích cụ thể” mà các đối tác của Mỹ có thể thu hoạch.

Chuyên gia này cho rằng một Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương có ý nghĩa sẽ không chỉ tập hợp các đồng minh và các nền kinh tế tiên tiến đã có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, mà cả các nền kinh tế kém phát triển hơn, nhưng quan trọng về mặt chiến lược, như Việt Nam, vốn có chung lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Goodman nêu bật ví dụ trước đây của Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, tiền thân của CPTPP. Vào khi ấy, Washington đã sẵn sành mở cửa thị trường Mỹ cho Việt Nam, đáp ứng mong muốn của Việt Nam là xuất khẩu được nhiều quần áo và giày dép hơn qua nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có điều là trong tình hình hiện nay, việc hạ thấp hàng rào thuế quan cho các đối tác châu Á khó có thể được Quốc Hội Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên, theo ông Goodman, “những ràng buộc chính trị” đối với chính quyền Biden về thương mại sẽ giảm bớt, ít nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 và Washington sẽ có thể chủ động hơn về vấn đề này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment