Lễ Tang “Nghèo Nàn” Của Một Người Vĩ Đại

Lễ Tang “Nghèo Nàn” Của Một Người Vĩ Đại

\"May

Phương Tôn

Không dát vàng lóng lánh, không thảm hoa, không những lời điếu tang dài dòng tán tụng, áo thụng vái nhau, lễ tang của Đức Tổng Giám Mục Tutu ở Nam Phi vừa xảy ra vào ngày 01.01.2022 trong một nhà thờ tại Cape Town, nơi được trang hoàng với bức hình của ông và chỉ với một vòng hoa cẩm chướng từ gia đình, như ông mong muốn.

Bạn bè, gia đình và các Linh Mục đã tập trung tại Nhà thờ Anh giáo ở Cape Town để chia tay Desmond Tutu, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình, cố Tổng Giám Mục và chiến binh không mệt mỏi, kiên trì chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tutu, cái tên thân thương gần gũi mà người da đen đầu tiên đứng đầu Giáo hội Anh giáo ở miền Nam Châu Phi muốn được giáo dân và những người đồng hành dùng đến khi nói về ông. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1984 vì ôn hòa phản đối chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng cũng được coi là người ủng hộ các phong trào bài Do Thái gây tranh cãi.

tutu 3

Chính phủ Nam Phi đã để dành một tuần lễ tưởng niệm vị Tổng Giám Mục nổi danh, được toàn thế giới yêu mến vì sự nghiệp hiến thân cho quyền lợi người dân. Là một người được xem là đồng hành với Nelson Mandela trong cuộc tranh đấu chống chế độ phân biệt dân tộc của người da trắng nhưng thật ra có một sự khác biệt căn bản giữa hai con người nổi danh này.

Cả hai cách biệt nhau về mặt ý thức hệ. Mandela đã từng là một thành viên của đảng Cộng sản, thành lập cánh vũ trang trong hiệp hội ANC. Ngược lại, Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu cả đời vẫn là người theo chủ nghĩa hòa bình, không bạo động, không thuộc về bất kỳ đảng phái nào và tin rằng ông chỉ phải trả lời, chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời của mình. Nền tảng đạo đức duy nhất của Tutu là phẩm giá con người.

Là một người không thích làm chính trị, nhưng chính trị lại theo sát suốc cuộc đời của ông. Tutu không ngần ngại nhiều lần lên tiếng chỉ trích tham nhũng của đảng ANC hiện đang cầm quyền.

Sau khi nghỉ hưu với tư cách là Tổng Giám Mục Tutu trở thành chủ tịch của Ủy ban Sự thật và Hòa giải được thành lập để xử lý các tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc.

Có thể nói, quan điểm về cuộc sống của con người, về thế giới của Tổng Giám Mục Desmond Tutu lại rất “tâm đầu ý hiệp” với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cả hai đều là những người thông thái, là hai trong số những nhân vật quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Dù cuộc đời của cả hai trải qua nhiều chông gai và hiểm nguy nhưng họ vẫn tỏa ra một niềm lạc quan không gì có thể lay chuyển được. Cả hai vị đều quan niệm rằng, chỉ có niềm vui được cảm nhận sâu sắc mới có thể thay đổi đáng kể cuộc sống của cá nhân và các sự kiện toàn cầu mới có thể được thay đổi tốt hơn. Bất kể tất cả những thách thức và khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, chỉ có niềm vui mới trở thành động lực giải quyết, mang lại cho sự tồn tại của chúng ta, giúp chúng ta có thêm tình yêu và ý nghĩa cuộc sống- đồng thời mang lại hy vọng và hòa bình cho thế giới đầy bất trắc của chúng ta.

Trước khi qua đời, ông đã lên kế hoạch cho buổi lễ tang đến từng chi tiết cuối cùng. Như con người khi còn sống, Tutu đã để lại những mong muốn cụ thể cho đám tang của mình và qua đó không muốn một lễ tang tốn kém.

Quan tài của ông chỉ là một chiếc quan tài bằng gỗ thông rẻ tiền với những đoạn dây thừng đơn giản thay vì tay cầm dát bằng vàng như thường lệ của giới thượng lưu và bên trên chỉ có một bó hoa bé nhỏ. Mọi tốn kém thay vì dành cho lễ tang, Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, thọ 90 tuổi, chỉ muốn dành cho những người nghèo khổ tại đây.

Khi còn sống, cái áo không làm nên ông thầy tu thì đến khi chết, cái áo quan cũng sẽ không làm không làm cho người ta hèn kém đi. Suốt cuộc đời sống và chiến đấu cho đất nước, cho người dân Nam Phi cộng thêm nhân cách, đạo đức đã làm cho một Tổng giám mục Tutu vụt sáng vượt qua khỏi mọi không gian và thời gian, nay ông lại càng vĩ đại hơn nữa, ngay đến lúc chết.

Phương Tôn

Bài Liên Quan

Leave a Comment