Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc

Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc

07/01/2022


\"Hình
Hình ảnh từ cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Nhật

Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm 7/12 nêu lên quan ngại mạnh mẽ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc một cách không giấu diếm và cam kết hợp tác chống lại những nỗ lực gây bất ổn trong khu vực.

Những lời lẽ của hai nước đồng minh trong tuyên bố chung sau cuộc họp qua video giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước nhấn mạnh sự cảnh giác về Trung Quốc – và căng thẳng ngày càng tăng về Đài Loan – đã đưa vai trò an ninh của Nhật Bản trở lại trung tâm như thế nào.

Các vị bộ trưởng bày tỏ lo ngại những nỗ lực của Trung Quốc ‘nhằm phá hoại trật tự dựa trên luật lệ’ đã đặt ra ‘những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ cho khu vực và thế giới’, tuyên bố chung cho biết.

“Họ quyết tâm làm việc cùng nhau để răn đe và, nếu cần thiết, phản ứng với các hoạt động gây bất ổn trong khu vực,” tuyên bố viết.

Các bộ trưởng cũng cho biết họ ‘đang có những lo ngại nghiêm trọng’ về nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong của Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khác trước đó một ngày, Nhật và Úc đã ký thỏa thuận hợp tác quốcphòng.

Trung Quốc đã có những tuyên bố cứng rắn với cả ba nước.

“Chúng tôi lên án và kiên quyết phản đối Mỹ, Nhật và Úc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và việc bịa đặt thông tin sai lệch để bôi nhọ Trung Quốc và làm suy yếu sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

Nhật, vốn có Hiến pháp hòa bình, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nhưng ngày càng lo ngại Bắc Kinh có thể có hành động nhắm vào Đài Loan mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần của Trung Quốc.

“Đây rõ ràng là thông điệp kết hợp phản ánh quan tâm chung, không phải là Mỹ ép buộc Nhật ký vào những uyển ngữ mơ hồ,” ông Daniel Russel, từng là nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và hiện đang làm việc cho Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận định.

“Đặc biệt, việc thể hiện quyết tâm chung để đáp trả những hành động gây bất ổn nếu cần là biểu hiện mạnh mẽ của tình đoàn kết và quyết tâm của mối quan hệ đồng minh.”

Trước cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và Tokyo đã lên kế hoạch một thỏa thuận quốc phòng mới để chống lại các đe dọa mới nổi, bao gồm năng lực vũ khí siêu thanh và không gian.

Ông cho rằng liên minh Mỹ-Nhật ‘không chỉ cần phải tăng cường các công cụ đã có, mà còn phát triển những công cụ mới’, và dẫn ra sự điều quân của Nga nhằm vào Ukraine, các hành động ‘khiêu khích’ của Bắc Kinh đối với Đài Loan và vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

“Chúng ta cần vận dụng tất cả các phương tiện sẵn có bao gồm hợp tác với Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện,” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với báo giới.

Tokyo cũng giải thích kế hoạch sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia để củng cố cơ bản khả năng quốc phòng, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cho biết sau cuộc họp.

Thủ tướng Fumio Kishida hồi tháng 10 hứa sẽ sửa đổi chiến lược an ninh của Nhật Bản để xem xét ‘tất cả lựa chọn bao gồm sở hữu cái gọi là năng lực tấn công kẻ thù’.

Chính phủ của ông Kishida đã phê duyệt gói chi tiêu quốc phòng kỷ lục, tiếp tục năm thứ 10 tăng liên tiếp cho năm 2022.

Jeffrey Hornung, chuyên gia về chính sách an ninh Nhật tại Rand Corporation, cơ quan nghiên cứu chiến lược của Mỹ, nhận định rằng trong khi các lựa chọn của Nhật về sử dụng vũ lực bị hạn chế, họ có thể coi tình hình nguy khốn của Đài Loan là đe dọa sự sống còn của chính nước Nhật.

Bài Liên Quan

Leave a Comment