Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức Miến Điện để \”làm dịu căng thẳng\”
Đăng ngày: 07/01/2022
Thanh Phương
Hôm nay, 07/01/2022, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Naypyidaw, mở đầu chuyến viếng thăm chính thức hai ngày tại Miến Điện, để « làm dịu căng thẳng » tại quốc gia này. Ông sẽ hội đàm với các lãnh đạo tập đoàn quân sự. Đây là chuyến thăm Miến Điện đầu tiên của một lãnh đạo ngoại quốc kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Theo hãng tin AFP, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà hoạt động chống tập đoàn quân sự ở Miến Điện đã kêu gọi lãnh đạo chính phủ Cam Bốt từ bỏ chuyến viếng thăm này. Nhưng ông Hun Sen lại tuyên bố là ông sẵn sàng kéo dài chuyến đi thêm một ngày nếu cần.
Hôm qua, một cuộc biểu tình phản đối chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt đã diễn ra ở vùng Saigang, miền tây bắc của nước này.
Từ Phom Penh, thông tín viên Juliette Buchez tường trình:
“Hun Sen, hãy ở nhà ông đi, đừng ủng hộ những cánh đồng chết nữa”. Đó là khẩu hiệu của những người biểu tình đã xuống đường hôm qua bất chấp sự đàn áp. Nội dung khẩu hiệu rất có ý nghĩa: Cam Bốt đã từng sống dưới chế độ Khmer Đỏ, tiếp theo là nhiều năm nội chiến.
Thế mà, ông Hun Sen, vốn tự xem mình là một người bảo đảm cho hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế cho Cam Bốt, hôm nay đã đặt chân đến Naypyidaw, thủ đô vắng lặng của Miến Điện, và như vậy ông trở thành lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm nước này kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021.
Năm 2022, Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, mà Miến Điện là một trong những thành viên. Vào tháng 4/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được bản Đồng Thuận 5 điểm, chủ yếu yêu cầu phải chấm dứt bạo lực ở Miến Điện. Con số hơn 1.400 thường dân bị sát hại cho thấy là bản Đồng Thuận ấy đã không có tác dụng gì.
Mục tiêu mà thủ tướng Hun Sen đề ra là tái lập đối thoại, thuyết phục chính quyền quân sự thi hành bản Đồng Thuận 5 điểm, đưa Miến Điện trở lại bàn hội nghị của ASEAN. Thủ tướng Cam Bốt sẽ gặp tướng Min Aung Hlaing, cầm đầu phe đảo chính và gặp các đại diện khác của tập đoàn quân sự. Nhưng chính quyền Naypyidaw không chấp nhận cho ông Hun Sen tiếp xúc với lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và cũng như với đại diện các lực lượng phiến quân.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà quan sát tỏ vẻ nghi ngờ về sự hữu ích của chuyến thăm chính thức này. Trong khi ASEAN vẫn xem cuộc đảo chính là không chính đáng, một số nhà quan sát sợ rằng chuyến đi của ông Hun Sen là khởi đầu của việc công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.