TQ tạo gánh nặng cho nước nghèo với các khoản nợ không bền vững?
- Kai Wang
- BBC Reality Check
5 giờ trước
Trung Quốc đối mặt với chỉ trích về hoạt động cho vay với các nước nghèo, bị cáo buộc bỏ rơi họ phải vật lộn để trả nợ và do đó dễ bị ảnh hưởng áp lực từ Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc phủ nhận, và cáo buộc một số quốc gia phương Tây quảng bá chuyện này để làm hoen ố hình ảnh của họ.
Trung Quốc nói: \”Không có bất kỳ nước nào rơi vào cái gọi là \’bẫy nợ\’ từ việc vay nợ của Trung Quốc.\”
Chúng ta biết gì về hoạt động cho vay của TQ?
Trung Quốc là một trong những quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới.
Các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho những nước có thu nhập thấp và trung bình đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, đạt 170 tỷ đôla vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, các cam kết cho vay tổng thể của Trung Quốc có vẻ lớn hơn đáng kể so với những con số này.
Nghiên cứu của AidData, một cơ quan phát triển quốc tế tại William & Mary University ở Mỹ, phát hiện ra rằng một nửa khoản cho vay của Trung Quốc với các nước đang phát triển không được báo cáo trong thống kê nợ chính thức.
Nó thường được giữ ngoài bảng cân đối kế toán của chính phủ, được chuyển đến các công ty nhà nước và ngân hàng, các liên doanh hoặc tổ chức tư nhân, hơn là từ chính phủ đến chính phủ.
Theo AidData, hiện có hơn 40 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chịu mức nợ từ các nhà cho vay Trung Quốc chiếm hơn 10% quy mô sản lượng kinh tế hàng năm (GDP) của họ như là hệ quả của \”khoản nợ ẩn\” này.
Djibouti, Lào, Zambia và Kyrgyzstan có các khoản nợ Trung Quốc tương đương ít nhất 20% GDP hàng năm của họ.
Phần lớn các khoản nợ do Trung Quốc sở hữu liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường xá, đường sắt và cảng, cũng như ngành công nghiệp khai khoáng và năng lượng, được cung cấp theo \’Sáng kiến Vành đai và Con đường\’ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
\’Bẫy nợ\’ là gì và đâu là bằng chứng?
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Richard Moore, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh, cho biết Trung Quốc sử dụng cái mà ông gọi là \”bẫy nợ\” để đạt được đòn bẩy với các nước khác.
Tuyên bố cho rằng Trung Quốc cho các quốc gia khác vay tiền và kết thúc bằng việc các quốc gia này sẽ phải nhượng quyền kiểm soát các tài sản quan trọng nếu họ không thể trả nợ – Bắc Kinh từ lâu đã bác bỏ cáo buộc này.
Một ví dụ thường được trích dẫn để chỉ trích Trung Quốc là Sri Lanka, nước cách đây nhiều năm đã bắt tay vào một dự án cảng lớn ở Hambantota với vốn đầu tư của TQ.
Nhưng dự án tỷ đô sử dụng vốn vay và các nhà thầu từ Trung Quốc này đã sa lầy vào tranh cãi, và phải vật lộn để chứng minh khả năng hoạt động, khiến Sri Lanka phải gánh những khoản nợ ngày càng lớn.
Cuối cùng, năm 2017, Sri Lanka đồng ý để cho công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc China Merchants kiểm soát 70% cổ phần tại cảng theo một hợp đồng cho thuê có thời hạn 99 năm để đổi lấy các khoản đầu tư thêm từ Trung Quốc.
Phân tích về dự án cảng của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) ở London, đã đặt câu hỏi liệu câu chuyện \”bẫy nợ\” có hoàn toàn được áp dụng hay không, vì thỏa thuận được thúc đẩy bởi động cơ chính trị địa phương và Trung Quốc chưa bao giờ nắm quyền sở hữu chính thức cảng.
Nó chỉ ra rằng một phần lớn trong tổng nợ của Sri Lanka thuộc sử hữu của những người cho vay không phải là người Trung Quốc, và không có bằng chứng rằng Trung Quốc đã lợi dụng vị trí của mình để giành ưu thế quân sự chiến lược từ cảng này.
Mặc dù vậy, có rất ít nghi ngờ rằng sự can dự kinh tế của Trung Quốc vào Sri Lanka đã tăng lên trong thập kỷ qua, và những lo ngại vẫn tồn tại rằng điều này có thể được sử dụng để thúc đẩy tham vọng chính trị của nước này trong khu vực.
Có những nơi khác trên thế giới mà các khoản cho vay của Trung Quốc cũng gây tranh cãi, với các hợp đồng cung cấp điều khoản có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc với các tài sản quan trọng của nước đi vay.
Nhưng không có trường hợp nào, trong số hàng trăm thỏa thuận cho vay được nghiên cứu bởi AidData và một số nhà nghiên cứu khác, về việc các công ty cho vay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc thực sự thu giữ một tài sản lớn trong trường hợp vỡ nợ.
Làm thế nào để so sánh khoản vay của Trung Quốc với những nước khác?
Trung Quốc không công bố hồ sơ về các khoản cho vay nước ngoài của mình và phần lớn các hợp đồng của họ đều có điều khoản không tiết lộ nhằm ngăn nước đi vay tiết lộ nội dung của họ.
Trung Quốc lập luận rằng tính bảo mật như vậy là thông lệ đối với các hợp đồng vay nợ quốc tế.
Giáo sư Lee Jones thuộc Queen Mary University of London cho biết: \”Việc bảo mật các thỏa thuận rất phổ biến trong các khoản vay thương mại quốc tế.\”
\”Và phần lớn hoạt động tài chính dành cho phát triển của Trung Quốc về cơ bản là hoạt động thương mại.\”
Hầu hết các cường quốc công nghiệp đều chia sẻ thông tin về hoạt động cho vay của họ thông qua tư cách thành viên của Paris Club (Câu lạc bộ Paris).
Trung Quốc đã chọn không tham gia nhóm này, nhưng khi sử dụng dữ liệu có sẵn của Ngân hàng Thế giới, chúng ta có thể thấy rõ sự tăng trưởng nhanh chóng trong hoạt động cho vay được báo cáo của Trung Quốc so với các nước khác.
Các khoản vay của Trung Quốc khó trả hơn?
Trung Quốc có xu hướng cho vay với lãi suất cao hơn các chính phủ phương Tây.
Lãi suất khoảng 4%, những khoản cho vay này gần với lãi suất trên thị trường thương mại và cao hơn khoảng bốn lần so với một khoản vay thông thường từ Ngân hàng Thế giới hay từ một quốc gia riêng lẻ như Pháp hoặc Đức.
Thời hạn trả nợ bắt buộc đối với khoản vay của Trung Quốc nhìn chung cũng ngắn hơn – dưới 10 năm, so với khoảng 28 năm đối với các khoản vay ưu đãi của các bên cho vay khác dành cho các nước đang phát triển.
Các tổ chức cho vay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng thường yêu cầu nước đi vay phải duy trì một số dư tiền mặt tối thiểu trong một tài khoản nước ngoài mà họ có quyền truy cập.
\”Nếu nước đi vay không trả được nợ\”, Brad Parks, Giám đốc Điều hành của AidData nói rằng \”Trung Quốc có thể chỉ cần ghi nợ từ tài khoản [này] mà không cần phải thu nợ khó đòi thông qua quy trình xét xử.\”
Cách làm này hiếm khi thấy với các khoản vay do các tổ chức cho vay của phương Tây cung cấp.
Hiện có Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ của G20 – những nước có nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất – đề xuất giãn hoặc giảm nợ cho các nước nghèo để giúp họ đối phó với tác động của đại dịch.
Trung Quốc cũng tham gia sáng kiến này và nói rằng họ đã đóng góp \”số tiền trả nợ cao nhất\” so với bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch.
Ngân hàng Thế giới cho biết từ tháng 5/2020, tổng số hơn 10,3 tỷ đôla đã được các nước G20 chuyển giao để giãn hoặc giảm nợ theo sáng kiến này.
Nhưng khi chúng tôi hỏi Ngân hàng Thế giới về trường hợp không thể trả nợ của một quốc gia, họ cho biết họ không thể chia sẻ thông tin.