Tiêu chuẩn kép ‘hạng sao’ của ĐCS Trung Quốc

Tiêu chuẩn kép ‘hạng sao’ của ĐCS Trung Quốc

January 6, 2022

\"\"

Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thói đạo đức giả hiển nhiên tựa như nước chảy mây trôi.

Quân đội Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ (People’s Liberation Army – PLA) đã xây dựng nhiều căn cứ tên lửa phòng không hải quân ở Biển Đông, đe dọa các tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Song lực lượng này lại tuyên bố rằng, các cuộc tập trận tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ đang “đe dọa hòa bình” của khu vực.

Chế độ Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để chuẩn bị xâm lược và tiêu diệt quốc đảo Đài Loan dân chủ, vốn chỉ mong muốn được chung sống trong hòa bình với ĐCSTQ. Vào ngày 30/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã úp mở một lời đe dọa hạt nhân chống lại Mỹ vì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Ông Vương khẳng định, nước Mỹ “sẽ phải trả một cái giá không thể gánh nổi”.

Nhưng thói đạo đức giả của ĐCSTQ đã đạt tầm “cao” mới vào ngày 28/12, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên giải thích rằng vào ngày 3/12, Trung Quốc đã đưa ra một bản ghi chú cho Văn phòng các vấn đề ngoài vũ trụ của Liên Hợp Quốc. Văn bản này phàn nàn về hai sự cố trong đó hai vệ tinh thuộc nhóm vệ tinh Internet Starlink của Tập đoàn SpaceX Hoa Kỳ đã tiến gần đến trạm vũ trụ Thiên Cung mới của Trung Quốc.

Các vệ tinh này đã bay gần đến Thiên Cung vào các ngày 1/7 và 31/10. Ngày 1/7, khoảng cách của vệ tinh với Thiên Cung là khoảng 2,5 dặm (4km). Ngày 31/10, trạm vũ trụ của Trung Quốc đã có hành động né tránh khi sự cố tái diễn.

Sau đó xuất hiện một bài báo trên hãng thông tấn Tân Hoa xã của ĐCSTQ vào ngày 30/12 với tiêu đề “Quyền lực không gian càng lớn, trách nhiệm càng cao” (With great space power comes great responsibility). Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã vi phạm Hiệp ước Không gian bên ngoài của Liên Hợp Quốc vào năm 1967, vì đã không ngăn được Starlink đe dọa trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Báo Tân Hoa Xã nhấn mạnh: “Hôm 4/1, khi được đề nghị bình luận về sự việc, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định, Hoa Kỳ nên tôn trọng trật tự quốc tế trong không gian dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Triệu nói, Hoa Kỳ vẫn luôn ủng hộ mạnh mẽ ‘hành vi có trách nhiệm trong không gian vũ trụ’ nhưng lại ‘bỏ qua các nghĩa vụ hiệp ước của mình’, do đó tạo thành một ‘tiêu chuẩn kép điển hình’”.

Nếu có bất kỳ tiêu chuẩn kép nào về hành vi nguy hiểm hoặc tạo ra mối nguy hiểm trong không gian thì đó là của chế độ Trung Quốc. Nhưng đừng mong đợi Bắc Kinh thừa nhận hành vi đó hay sẽ tránh để xảy ra các sự cố trong không gian trong tương lai.

ĐCSTQ đã tạo ra mối nguy hiểm nhân tạo lớn nhất trong du hành vũ trụ vào ngày 11/1/2007, khi vụ thử nghiệm đánh chặn chống vệ tinh trên mặt đất lần thứ năm của họ đánh chặn thành công một vệ tinh thời tiết đang hoạt động của Trung Quốc. Cuộc thử nghiệm đã tạo ra một đám mây gồm hơn 3.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được.

Mỗi mảnh vỡ này có kích thước bằng một quả bóng gôn hoặc lớn hơn, di chuyển với tốc độ 17.000 dặm/ giờ (tương đương 27.358,8km/ giờ). Một “quả bóng gôn” có thể gây ra một lỗ hổng lớn trong Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) của 15 quốc gia đối tác, dẫn đến tình huống phải sơ tán hoặc tệ hơn. Trạm ISS này trị giá 150 tỷ USD.

Vào ngày 10/11/2021, ISS đã phải điều động để tránh các mảnh vỡ không gian của Trung Quốc từ cuộc tập trận chống vệ tinh năm 2007. Và vào ngày 15/11, phi hành đoàn của trạm vũ trụ gồm 7 phi hành gia đến từ Hoa Kỳ, Nga và Đức đã phải trú ẩn trong hai khoang vũ trụ vì nguy cơ va chạm với các mảnh vỡ không gian của Trung Quốc là rất lớn.

Ngoài ra, vào ngày 5/4/2011, một mảnh vỡ vệ tinh của Trung Quốc từ cuộc tập trận chống vệ tinh năm 2007 đã bay qua ISS ở khoảng cách 3,7 dặm (khoảng 5,95km).

Không có hành động thù địch nào của Hoa Kỳ hoặc Nga trong không gian vượt quá sự cố ý “đi gần” của Trung Quốc đối với ISS bằng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-7 của chế độ này, xảy ra vào ngày 27/9/2008.

Mặc dù nổi tiếng nhất với việc thực hiện “chuyến đi trong không gian” của phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, ngay sau đó Thần Châu-7 đã phóng vệ tinh siêu nhỏ BX-1 nặng 40 kg khi bay qua ISS ở khoảng cách 27,9 dặm (44,9km).

Sự cố này lần đầu tiên được báo cáo bởi những người đam mê vũ trụ Nga và sau đó được Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ xác nhận trong một thông báo gửi tới Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), và sau đó được chia sẻ với nhà phân tích này.

Phóng một quả đạn vệ tinh với vận tốc quỹ đạo, trong khi bay rất gần ISS, không phải là một cử chỉ “thân thiện”. Có hai người Nga và một người Mỹ trên ISS vào thời điểm đó.

Một dấu hiệu cho thấy cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ trước là một con tàu kiểm soát và theo dõi không gian lớn của Cục Trang bị vũ khí của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đang đóng quân ngay phía bắc New Zealand, ngay dưới đợt “đánh chặn vào ISS”.

Theo những gì có thể được xác định, cả Hoa Kỳ và Nga đều không phàn nàn về những sự cố này với tổ chức bất lực Liên Hợp Quốc. Về vấn đề đó, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush không đưa ra lời giải thích nào về vụ Thần Châu-7 bay sát ISS, và NASA cũng không đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Về phần mình, có thể tiên liệu rằng chế độ Trung Quốc sẽ sử dụng cái cớ từ những chuyến bay gần của các vệ tinh Starlink – vốn chỉ tình cờ không được lên kế hoạch – để biện minh cho việc vũ trang trên trạm vũ trụ của họ. Chương trình không gian có người lái do PLA kiểm soát của Trung Quốc từ lâu đã tạo ra những lợi ích quân sự “sử dụng kép”. Cấu hình mô-đun có thể sao chép của Thiên Cung, được sao chép từ các trạm vũ trụ của Nga, vốn lý tưởng để cung cấp các mô-đun mới với vũ khí tên lửa hoặc laze để chiến đấu trong không gian hoặc đầu đạn để ném bom các mục tiêu trên Trái đất.

Năm tới, có khả năng Nga cuối cùng sẽ hành động theo những gì mà họ đã cân nhắc trong khoảng 15 năm – thực sự ly hôn với ISS. NASA cũng đang lựa chọn các ứng cử viên để Mỹ trợ cấp cho các công ty không gian tư nhân để xây dựng các trạm vũ trụ mới.

Khi Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị để ngăn chặn hoặc chiến đấu trong không gian, có lẽ đã đến lúc để Lực lượng Không gian mới của Hoa Kỳ phát triển các mô-đun phòng thủ có thể được triển khai rất nhanh chóng, để bảo vệ các trạm vũ trụ của Hoa Kỳ trong tương lai.

Đối với ĐCSTQ, thói đạo đức giả của họ trong không gian càng làm suy giảm uy tín của chế độ này.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Tác giả Rick Fisher là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế (International Assessment and Strategy Center) của Hoa Kỳ.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment