Hun Sen và tướng Min Aung Hlaing, hai đồng minh của Trung Quốc ở ASEAN

Hun Sen và tướng Min Aung Hlaing, hai đồng minh của Trung Quốc ở ASEAN

Phân tích của Nguyễn Quang Hưng
2022.01.09

\"HunThủ tướng Campuchia Hun Sen thăm Myanmar hôm 7/1/2022 Reuters

Chuyến đi “bão táp” của Hun Sen

Ngày 7/1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar trong chuyến thăm hai ngày để tổ chức các cuộc hội đàm với chính quyền quân sự. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng chuyến thăm của ông Hun Sen có thể gây phương hại cho những nỗ lực của ASEAN nhằm chấm dứt bạo lực ở Myanmar kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính ngày 1/2/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Hun Sen cho biết ông không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài đến Myanmar kể từ sau đảo chính. Ông cũng đã biện minh cho quyết định của ông đối thoại trực tiếp với lãnh đạo của phe đảo chính, khẳng định mục tiêu của ông hoàn toàn theo đúng tinh thần của bản “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN, được thông qua tại một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 4/2021. Văn bản này kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt bạo lực, chấp nhận đối thoại với tất cả các bên, đồng thời bổ nhiệm một đặc phái viên của ASEAN về Myanmar.

Mặc dù ASEAN đã không mời đại diện của chính quyền quân sự Myanmar đến dự thượng đỉnh của khối này hồi tháng 11 năm ngoái, do chính quyền Naypyidaw vẫn không hợp tác thi hành “Đồng thuận 5 điểm”, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố sẽ tiến hành một chính sách “thực dụng” đối với chính quyền quân sự trong thời gian Campuchia giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Khi chấp nhận đối thoại với chính quyền quân sự Myanmar trong khi họ không chứng tỏ một tiến bộ nào trong việc thực thi “Đồng thuận 5 điểm”, ông Hun Sen coi như phá hỏng mọi khả năng gây áp lực của ASEAN đối với những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính. Đồng ý gặp các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar, Thủ tướng Campuchia mặc nhiên chấp nhận những hạn chế mà họ áp đặt, cụ thể là ông không được phép gặp lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi cũng như các đại diện những lực lượng phiến quân chống chính quyền Naypyidaw.

Những lời chỉ trích

Cách tiếp cận của Campuchia đối với vấn đề Myanmar, vốn bị các nhà phân tích và giới xã hội dân sự lên án, khác hẳn với cách mà ASEAN đã thực hiện hồi năm 2021 dưới sự chủ trì của Brunei khi thực hiện bước đi chưa từng có là ngăn nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Myanmar, Thống tướng Ming Aung Hlaing, tham gia các cuộc họp.

Khi gọi điện cho ông Hun Sen ngày 5/1, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đã nhắc nhở Thủ tướng Campuchia: “Khi nào mà chính quyền quân sự chưa thực thi ‘Đồng thuận 5 điểm’ thì đại diện của họ sẽ chưa được mời đến dự các cuộc họp của ASEAN” (1).

Tổ chức các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền (APHR) đã so sánh chính sách “ngoại giao cao bồi” của ông Hun Sen về Myanmar với thời gian mà Campuchia nắm chức chủ tịch lần trước vào năm 2012 (2). Vào năm đó, do hành động ngăn chặn của Phnom Penh, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, ASEAN đã không thể ra một thông cáo chung. Lý do là vì Campuchia đã không chấp nhận cho ASEAN ra tuyên bố chỉ trích các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Chủ tịch APHR Charles Santiago cho biết ông Hun Sen đã hành động chống đối trực tiếp ASEAN bằng cách “đơn phương” đến thăm Myanmar, ngay cả sau khi chính quyền quân sự leo thang bạo lực ở quốc gia 54 triệu dân này. Ông Santiago chỉ ra rằng chỉ trong tháng 12 năm ngoái, hàng chục nghìn người đã phải di dời do các cuộc không kích quân sự gần biên giới với Thái Lan. Hơn 30 người, trong đó có hai nhân viên cứu trợ ở bang Kayah, đã thiệt mạng vào đêm Giáng sinh. Ông Santiago nói: “[Chuyến thăm của Hun Sen] chính xác là kiểu công nhận chính trị mà ASEAN đã đồng ý giữ lại cho đến khi chính quyền quân sự bắt đầu hợp tác. Không ai bị lừa bởi cái gọi là kế hoạch trở lại dân chủ của chính quyền quân sự. Tình hình khủng khiếp này không tốt cho khu vực hay thế giới”(3).

Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 6/1 cho rằng chuyến thăm này có thể có hại hơn là có lợi. Tổ chức này kêu gọi ông Hun Sen hủy bỏ chuyến thăm và ưu tiên hành động nhân quyền thay vì “những cử chỉ trống rỗng”. Phó giám đốc khu vực phụ trách nghiên cứu Emerlynne Gil cho biết: “Chính sách ngoại giao lừa đảo của Hun Sen” có thể là nhằm “gửi những thông điệp lộn xộn” tới nhà lãnh đạo cuộc đảo chính của Myanmar (4).

Trong khi đó, nhóm các nghị sỹ bị lật đổ ở Myanmar hay Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng chuyến thăm sẽ \”không mang lại lợi ích\” và người dân Myanmar sẽ rất \”phẫn nộ\” trước chuyến thăm này. Về phần mình, ông Phil Robertson, Phó giám đốc ban châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng: “Chuyến thăm của ông Hun Sen là một ‘vố đau’ đối với tám thành viên còn lại trong ASEAN, không có một tiếng nói nào trong vấn đề này” (5).https://www.youtube.com/embed/tznvVqdTCys

Hun Sen có thể đạt được gì?

Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết Hun Sen đã thảo luận và trao đổi quan điểm với nhà lãnh đạo chính quyền quân sự, Tướng Min Aung Hlaing, về hợp tác song phương và đa phương cũng như những diễn biến gần đây trong ASEAN.

Ông Hunter Marston, một người theo dõi tình hình ASEAN và là thành viên của Chương trình WSD-Handa tại Diễn đàn Thái Bình Dương, cho biết ông Hun Sen có thể đã giảm nhẹ những lời chỉ trích về chuyến đi của mình bằng cách đảm bảo các cuộc gặp với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) bao gồm cả các nhà lập pháp được bầu bị lật đổ trong cuộc đảo chính. “Tướng Min Aung Hlaing sẽ lắng nghe ông Hun Sen chừng nào ông tìm thấy một đối tác hữu ích cho chương trình nghị sự chính trị của mình”, ông Marston nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng trong khi ông Hun Sen có thể thúc giục quân đội Myanmar kiềm chế, thì đó “không phải là ưu tiên của ông ấy hoặc vì sự quan tâm chung của họ\”.(6)

Ông Bunna Vann, một thành viên nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, nói rằng với đòn bẩy hạn chế của Campuchia đối với Myanmar, chuyến thăm của ông Hun Sen sẽ không thay đổi đáng kể đường lối hành động của chính quyền quân sự Myanmar (7).

“Bàn tay vô hình” của Bắc Kinh

Với việc Trung Quốc là nhà đầu tư, đồng minh và người bảo trợ lớn nhất của Campuchia, các câu hỏi cũng được đặt ra là Bắc Kinh nhìn nhận chuyến thăm của Hun Sen như thế nào.

Trung Quốc, nước có chung đường biên giới dài 2.200 km với Myanmar, đã không công khai lên án cuộc đảo chính, không giống như Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đã tìm cách gây áp lực với chính quyền quân sự bằng các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp có liên quan đến quân đội và các sĩ quan quân đội. Thay vào đó, Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại và lên tiếng ủng hộ vai trò của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính quyền quân sự Myanmar đã coi đây là cơ hội để kêu gọi nối lại các dự án chung với Trung Quốc như đường sắt và cảng biển. Tháng 12 năm ngoái, chính quyền quân sự cho biết họ sẽ chấp nhận đồng Nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán chính thức cho giao dịch thương mại với Trung Quốc kể từ năm nay.

Nhà khoa học chính trị Sophal Ear, Phó hiệu trưởng Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thuộc Đại học Bang Arizona, nói rằng Trung Quốc rõ ràng muốn thấy Naypyidaw bình thường hóa quan hệ với ASEAN. Nhưng ông vẫn tỏ ra hoài nghi đối với chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen khi chỉ ra rằng nhà lãnh đạo này không phải là một \”nhà môi giới trung thực\” vì bản thân ông cũng đã đàn áp các đối thủ chính trị và sự phụ thuộc của Campuchia vào Bắc Kinh. Ông Sophal Ear nói: “Campuchia đã‘ kết hôn’ với Trung Quốc… và có thể [Hun Sen] muốn dành sự ưu ái khi Campuchia đối mặt với tình huống tương tự và các tướng lĩnh của Myanmar có thể ủng hộ Hun Sen và chế độ của ông ấy” (8).

Còn ông Bunna Vann cho biết Campuchia đã lên kế hoạch đưa Myanmar vào hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong năm nay để đảm bảo định dạng 10 thành viên vẫn còn nguyên vẹn, nhằm đạt được sự đồng thuận về Quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông (COC). Nhưng điều này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc tẩy chay các cuộc họp của ASEAN với Mỹ và các đồng minh.

Ông Marston thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt hơn giữa Trung Quốc và Myanmar đã xuất hiện do sự cô lập quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Naypyidaw, đặc biệt là kể từ sau cuộc đảo chính. Ông Marston nói: “Tất cả [những điều này] đã buộc chủ nghĩa thực dụng từ phía chính quyền quân sự phải chấp nhận mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc mà họ đã chống lại từ năm 2010. Mặc dù chính sách đối ngoại không phải là ưu tiên của chính quyền quân sự, nhưng họ cần đảm bảo sự kiểm soát bằng cách ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế. Nếu chính quyền tiếp tục đẩy nền kinh tế lao xuống dốc, dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc đào tẩu và có thể là sự rạn nứt trong giới lãnh đạo của chính quyền quân sự”.

\"000_9C392F.jpg\"
Người biểu tình chuẩn bị đốt cờ ASEAN tại một cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon hôm 14/6/2021. AFP

ASEAN cần có tiếng nói chung

Indonesia và Philippines đã nhấn mạnh rằng ASEAN cần thể hiện một lập trường vững chắc và thống nhất về vấn đề Myanmar. Năm 2021, Indonesia đã dẫn đầu các nỗ lực trong khu vực nhằm thúc đẩy chính quyền Myanmar hướng tới việc khôi phục một chính quyền dân chủ. Philippines cũng nhấn mạnh ASEAN cần “tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm”, đồng thời chỉ trích việc chính quyền quân sự Myanmar “từ chối cho đặc phái viên của chủ tịch ASEAN tiếp cận tất cả các bên liên quan theo bản Đồng thuận” là “đáng thất vọng”.

Chính vì vậy, lúc này cũng cần các quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam, cần cất lên tiếng nói chung về vấn đề Myanmar. Vấn đề Myanmar có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề đoàn kết trong ASEAN, do đó sẽ tác động đến lập trường của Campuchia về vấn đề biển Đông. Nếu ASEAN thực sự thể hiện được sự đoàn kết thì khả năng thái độ của Campuchia như họ đã làm năm 2012 khó có thể lặp lại được.

______________

Tham khảo:

1. https://www.irrawaddy.com/news/burma/cambodian-leader-draws-peoples-fury-as-he-arrives-in-junta-ruled-myanmar.html

2. https://twitter.com/ASEANMP/status/1478073641141219330?s=20

3. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3162381/cambodias-hun-sen-accused-undermining-asean-cowboy-diplomacy

4. https://www.aljazeera.com/news/2022/1/7/protests-anger-as-hun-sen-visits-myanmars-military-leaders

5. https://www.irrawaddy.com/news/burma/cambodian-leader-draws-peoples-fury-as-he-arrives-in-junta-ruled-myanmar.html

6. https://asiatimes.com/2022/01/hun-sen-taking-myanmar-matters-into-his-own-hands/

7. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3162381/cambodias-hun-sen-accused-undermining-asean-cowboy-diplomacy

8. https://www.rfa.org/english/news/cambodia/myanmar-visit-01032022185003.html

Bài Liên Quan

Leave a Comment