2022, Kinh tế Nhật mệt mỏi vì những thách thức quân sự và an ninh khu vực
Đăng ngày: 11/01/2022
Thanh Hà
Nhờ những nền tảng kinh tế vững chắc, tỷ lệ tăng trưởng của Nhật Bản sẽ cao hơn mong đợi trong năm 2022 nhưng do dịch Covid-19, nguy cơ khan hiếm linh kiện bán dẫn và mức nợ công hơn 250 % GDP vẫn rập rình đe dọa nền kinh tế thứ ba toàn cầu. Nguy hiểm hơn nữa là những căng thẳng địa chính trị khiến Tokyo liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng bảo đảm an ninh.
Chuyên gia Edouard Pflimlin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS trong bài viết « 2022, Le Japon à la croisée des Chemins – Nhật Bản trước khúc quanh quyết định» (ngày 04/01/2022) ghi nhận : ngân sách quốc phòng của Tokyo đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, chính phủ liên tiếp « bổ sung ngân sách phòng thủ » và Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu dành đến 2 % GDP cho các chương trình phòng thủ. Với một nền kinh tế kém năng động hơn do 126 triệu dân số bị lão hóa, với mức nợ công đầu người trên dưới 80.000 đô la, Nhật Bản có thể tiếp tục tăng chi tiêu quân sự đến khi nào và tới mức độ nào ?
Hai ẩn số kinh tế : Covid-19 và chip điện tử
Trước Giáng Sinh, chính quyền Tokyo nâng dự phóng tăng trưởng cho tài khóa 2022/2023 đang từ 2,2 % lên thành 3,2 %. Hãng tin Anh Reuters lưu ý nếu đạt được mục tiêu này, thì đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất tại Nhật Bản từ 2010. Cũng trước ngày Giáng Sinh, Nghị Viện đã bổ sung thêm 300 tỷ đô la cho ngân sách trong tài khóa 2021/2022 mà hơn 70 % nhằm tài trợ một kế hoạch mới hỗ trợ kinh tế khắc phục hậu quả Covid-19 : bơm thêm mãi lực cho người tiêu dùng, đài thọ các phí tổn về y tế, đài thọ các chiến dịch tiêm chủng … vào lúc một biến thể mới đe dọa toàn cầu.
Tuy nhiên việc nội các Fumio Kishida đã phải nhanh chóng bổ sung ngân sách cho thấy tăng trưởng của Nhật vẫn rất mong manh. Trong quý 3/2021 GDP Nhật Bản đã bị chựng lại. Tờ báo tài chính Forbes nói đến một năm 2022 đầy thách thức chờ đợi thủ tướng Nhật. Thuần túy về kinh tế, ẩn số lớn nhất vẫn là virus SARS-CoV-2 với những biến thể mới tiếp tục khủng bố cả thế giới. Nhật Bản tới nay vẫn đóng chặt cửa biên giới ít nhất cho đến cuối tháng 2/2022. Ngành hàng không, khách sạn, chưa biết đến khi nào mới lại có thể đón 31 triệu du khách quốc tế như trước khi Covid-19 bùng phát.
Mối đe dọa thứ nhì là nguy cơ cỗ máy công nghiệp bị tê liệt vì thiếu chip điện tử cho dù Tokyo đã có một sự chuẩn bị từ trước, qua việc hợp tác với tập đoàn Đài Loan TSMC hay với các đối tác Mỹ. Hiện tượng này đã bắt đầu ảnh hưởng đến một số lĩnh vực như ngành sản xuất xe hơi : gần như hàng ngày Nissan, Tokyota… đều phải giải quyết vấn đề tránh để nhà máy phải đóng cửa và cho nhân viên tạm nghỉ việc. Tháng 11/2021 Tokyo thông báo đầu tư thêm 6,5 tỷ đô la phát triển công nghiệp bán dẫn với mục tiêu chính là sản xuất chịp điện tử ngay trên lãnh thổ Nhật.
Bên cạnh hai khó khăn nói trên thì Nhật Bản đã bắt đầu thiếu nhân lực để cỗ máy kinh tế vận hành. Số thanh niên vừa mừng lễ Seijin Shiki đánh dấu 20 tuổi, tuổi trưởng thành, năm nay giảm mất 40 % so với hồi 2019. Vào lúc mà lực lượng lao động giảm sụt thì mức nợ công tính theo đầu người lại không ngừng tăng lên. Ngoại trừ Nhật Bản, không một nền công nghiệp phát triển nào trên thế giới có mức nợ công tương đương với 256 % tổng sản lượng quốc gia.
Thách thức an ninh
Dù vậy trước một năm mới vừa mở ra, giới quan sát đồng loạt cho rằng, vế an ninh mới là mối ưu tư hàng đầu của nội các Fumio Kishida. Amy Danise trên báo Forbes chú trọng vào mối đe dọa Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Pháp Edouard Pflimlin, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS có tầm nhìn rộng hơn khi đề cập đến « ba mối đe dọa » nhắm vào Nhật Bản. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Pflimlin trước hết phân tích về « hiểm họa quân sự » đặc biệt là Bắc Kinh và Nhật Bản cùng khẳng định chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, kế tới là hai hồ sơ nóng gồm Đài Loan và Biển Đông đều có nguy cơ « chận các cổng ra vào của Nhật Bản » :
Edouard Pflimlin : « Trước hết là mức độ phát triển của quân đội Trung Quốc. Hải quân nước này càng lúc càng mạnh, với những phương tiện hùng hậu, với tàu sân bay, tàu ngầm tối tân nhất. Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa ở tốc độ trên 6.000 cây số/giờ, và rất khó phát hiện hay chận bắt loại tên lửa siêu thanh này. Đó là chưa kể đến hàng loạt vũ khí khác Bắc Kinh có trong tay. Tôi muốn nói đến những loại vũ khí thuộc về một thế hệ công nghệ mới như là drone, vũ khí chống vệ tinh hay công cụ cho phép khai mào một cuộc chiến cyber. Tất cả những phương tiện đó nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên bộ và trên biển và do vậy liên tục tạo áp lực rất lớn đối với Nhật Bản ».
Sát cạnh với Trung Quốc, các chương trình phát triển quân sự và vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng là một rủi ro cao.
Edouard Pflimlin : « Mối đe dọa thứ nhì như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây, là Bắc Triều Tiên. Hôm 05 tháng Giêng vừa qua, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa về phía biển Nhật Bản. Bắc Triều Tiên xác nhận đó là tên lửa có tầm bắn rất xa. Chế độ nước này duy trì áp lực triền miên trong khu vực để bảo vệ cho sự tồn tại. Năm 2021 ngành công nghiệp vũ khí của Bắc Triều Tiên đã đạt được nhiều tiến bộ qua việc bắn tên lửa đạn đạo có mang theo đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm, thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh … cho dù nạn đói hoành hành tại quốc gia Bắc Á này ».
Nhìn về phía đông bắc Nhật Bản, xung khắc giữa Toyo và Matxcơva về chủ quyền quần đảo Kuril : dù không là một điểm nóng như ở phía sườn Tây, nhưng nước Nga chưa bao giờ lơ là với miền viễn Đông và Thái Bình Dương.
Edouard Pflimlin : « Đe dọa thứ ba có vẻ là ít nghiêm trọng hơn nhưng lại là một thực tế xuất phát từ Nga. Hiện tại Matxcơva đang đe dọa một quốc gia độc lập ở sát cạnh sườn tây của Nga là Ukraina. Còn về mặt trận viễn đông, Nga đã tăng cường đáng kể lực lượng Hải Quân trong vùng Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện trên quần đảo Kuril nơi có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, và tại đây quân đội Nga đã mở rộng các căn cứ và thậm chí đã triển khai cả tên lửa đến khu vực này. Sau cùng, Nhật Bản ý thức được rằng, Nga hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc cả về các hoạt động hải quân ».
Khả năng « trường kỳ kháng chiến » ?
Chính ba mối đe dọa về địa chiến lược vừa nêu đã bắt buộc Nhật Bản hai năm liên tiếp « tăng ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục ». Chưa bao giờ ngân sách phòng thủ của Nhật đạt gần 50 tỷ đô la cho cả năm – xấp xỉ với ngân sách quốc phòng của Pháp, nhưng chỉ bằng chưa đầy 20 % so với của Trung Quốc theo thẩm định của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI. Trong dự thảo ngân sách « bổ sung » đầu tiên của nhiệm kỳ, trình bày với nghị viện hôm 26/11/2021, thủ tướng Kishida đề xuất chi thêm 6,5 tỷ đô la để trang bị tên lửa, máy bay tuần tra, trực thăng và các trang thiết bị quân sự khác cho lực lượng an ninh quốc gia.
Edouard Pflimlin nhấn mạnh đây là lần đầu tiên từ 1976 ngân sách phòng thủ Nhật Bản vượt ngưỡng quy định 1 % GDP. Hơn nữa Tokyo cam kết sẽ dành hẳn đến 2 % tổng sảm phẩm nội địa để đài thọ các phí tổn về quốc phòng, trong đó có việc tăng ngân sách cho các hoạt động của căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa. Có điều các phương tiện tài chính của Nhật dù rất lớn những cũng có giới hạn.
Edouard Pflimlin: « Kinh Tế Nhật không hoàn toàn trong tình trạng thực sự thoải mái đặc biệt là với dịch Covid-19 và những tác động kèm theo. Ngoài ra, mức nợ của chính phủ thuộc vào hàng cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp phát triển. Đó là một áp lực với kinh tế nước này và sức ép lại càng mạnh hơn khi Tokyo phải tăng ngân sách quốc phòng. Câu hỏi đặt ra là liệu rằng về dài hạn, Nhật Bản có thể duy trì nỗ lực đó một cách liên tục hay không ? »
Chắc chắn một điều là những chi phí về quân sự của Nhật cũng đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế quốc gia
Edouard Pflimlin : « Ngân sách này chủ yếu tập trung vào các khoản chi tiêu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển – RD, vào những loại vũ khí sử dụng công nghệ mới, để trang bị chiến đấu cới đời mới như F35 của Mỹ. Ngoài ra Nhật Bản cũng có tham vọng trang bị tên lửa siêu thanh, đẩy mạnh các chiến dịch chống tấn công tin học… Tất cả nhằm mục đích tăng cường khả năng quân sự ».