Ukraina : Canh bạc bịp của tổng thống Nga Vladimir Putin ?
Đăng ngày: 10/01/2022
Trọng Nghĩa
Trước lúc mở ra một tuần lễ đàm phán ngoại giao được dự báo là rất gay go giữa Nga và phương Tây, Matxcơva không ngớt tung ra những tín hiệu cứng rắn để cho thấy là họ sẵn sàng xâm chiếm Ukraina nếu các đòi hỏi rất cao của họ không được đáp ứng. Thái độ kiên quyết trên bề mặt của Nga tuy nhiên đã bị nhiều nhà phân tích xem là một thủ đoạn để giành thắng lợi trong thương thuyết, chứ trong thực tế, Matxcơva rốt cuộc sẽ phải nhượng bộ.
Trong tuần lễ vừa bắt đầu, Matxcơva sẽ hiện diện tại 3 cuộc họp rất quan trọng đối với an ninh châu Âu, trong đó nổi bật nhất là nguy cơ nổ ra xung đột giữa Nga và phương Tây trong hồ sơ Ukraina. Mở đầu là cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Genève (Thụy Sĩ) trong hai ngày 09-10/01/2022, kế đến là cuộc họp Nga-NATO ngày 12/01 tại Bruxelles (Bỉ), và kết thúc bằng cuộc gặp đa phương tại Vienna (Áo) ngày 13/01 trong khuôn khổ Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE mà Nga là thành viên.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Matxcơva, ngay từ sáng 09/01, trước lúc mở ra cuộc đàm phán với Mỹ, Nga đã lên tiếng “loại trừ mọi khả năng nhượng bộ”, thậm chí còn hàm ý sẵn sàng rút ngắn các cuộc họp được dự trù với phương Tây nếu các yêu sách của họ không được đáp ứng.
Câu trả lời của Mỹ đã được đưa ra ít lâu sau đó: Washington đã cảnh báo Nga về một “nguy cơ đối đầu”, đồng thời đe dọa trở lại bằng cách nêu lên một loạt các biện pháp trừng phạt.
Theo nhà nghiên cứu chính trị Dimitry Oreschkine, cho dù Nga đã cố áp đặt chương trình nghị sự, các yêu sách của mình và thậm chí cả người đối thoại ưu tiên là Hoa Kỳ, phương Tây không nên lùi bước.
Theo chuyên gia Oreschkine: “Trên thực tế, ông Putin không có lựa chọn nào khác ngoài việc “làm căng”. Nước Nga đã mất đi sự cạnh tranh về kinh tế, tài chính, công nghệ, khoa học, văn hoá, mất đi mọi hình thức cạnh tranh trên thế giới. Mô hình xã hội mà ông Putin đề xuất không còn hấp dẫn. Vấn đề là Putin lại có rất nhiều vũ khí, và đó là tài sản duy nhất của ông. Trong tình hình đó, chỉ có một câu trả lời cho ông Putin : Đó là “chúng tôi không sợ”, bởi vì nếu không thì điều đó sẽ biện minh cho chiến thuật của ông. Nếu châu Âu sợ, nếu phương Tây sợ, thì ông Putin có lý khi đe dọa. Trong khi tất cả những điều này là lừa bịp”.
Còn theo thông tín viên RFI tại Matxcơva, trong một tình huống rất dễ biến động mà chỉ một sự cố vô ý nhỏ nhất cũng có thể làm tình hình bùng nổ, việc tìm cách để giảm leo thang đã có thể coi là một thành công.
Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Các Vấn Đề Quốc Tế của Nga (RIAC), tỏ ý \”lạc quan một cách thận trọng\” và giải thích: “Có thể có những thỏa hiệp giữa Washington và Matxcơva, chẳng hạn như đồng ý không triển khai thế hệ tiếp theo các loại tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu. Ngay cả khi Hiệp Ước INF không còn hiệu lực, hai bên vẫn có thể quyết định tuân theo các điều khoản của hiệp ước.
Một khả năng thỏa hiệp khác là vùng đệm giữa Nga và NATO, nơi mà các quy tắc đặc biệt sẽ được áp dụng cho hoạt động quân sự: Quy mô tập trận nhỏ hơn, minh bạch hơn, có thể là đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai quân đội. Họ cũng có thể quyết định khôi phục Hội Đồng Nga-NATO (COR).
Ngay cả về Ukraina, người ta có thể tìm thấy một thỏa hiệp: Một tín hiệu rõ ràng từ phương Tây cho biết không ủng hộ giải pháp quân sự cho Donbass, cam kết không cung cấp vũ khí tấn công như máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, và đổi lại Nga có thể linh hoạt hơn trong các cuộc thảo luận trong khuôn khổ nhóm Normandie về các phương thức áp dụng thỏa thuận Minsk.\”
Nhìn chung, theo Andrei Kortunov, cán cân lợi ích-rủi ro không nghiêng về sự can thiệp vũ trang của Nga, đặc biệt là vì các lệnh trừng phạt \”trên quy mô chưa từng có\” mà Hoa Kỳ đã hứa hẹn: \”Chúng ta có thể thấy rất rõ những gì Nga sẽ mất nếu Ukraina bị xâm lược, thiệt hại sẽ cực kỳ đáng kể. Tôi cũng không thấy Nga có thể thu được gì, và tôi không thấy làm cách nào mà Nga có thể chiếm đóng đất nước Ukraina và lặp lại những gì đã làm ở Crimée : Đó là một tình huống rất khác biệt. ”
Chuyên gia này kết luận: Nếu Vladimir Putin thực sự muốn xâm lược Ukraina, thì ông ấy sẽ làm khác chứ không phô trương rầm rộ như hiện nay. Các động thái hù đọa đang thấy chỉ là “để gửi đi một tín hiệu.”