Nga, Trung chặn HĐBA ra tuyên bố trừng phạt giới quân sự Mali
Đăng ngày: 12/01/2022
Trọng Thành
Hôm qua, 11/01/2021, Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn Hội Đồng Bảo An ra một dự thảo tuyên bố chung, ủng hộ các trừng phạt của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi nhắm vào tập đoàn quân sự cầm quyền tại Mali, được đưa ra cuối tuần qua. Dự thảo nghị quyết được đề xuất trong bối cảnh tập đoàn quân sự cầm quyền không thực hiện việc tổ chức bầu cử vào tháng 2/2022, như dự kiến.
Dự thảo tuyên bố chung, do Pháp soạn ra, có thể cho phép cộng đồng quốc tế gửi đến chính quyền quân sự ở Bamako một thông điệp rõ ràng. Hôm qua, tại New York, nhóm « A3 » tức ba thành viên châu Phi trong Hội Đồng Bảo An (Gabon, Ghana và Kenya), đã kêu gọi khẩn thiết Hội Đồng Bảo An thông qua tuyên bố chung nói trên.
Tại Hội Đồng Bảo An, đại sứ Gabon đã hối thúc các đồng nhiệm ủng hộ các trừng phạt bổ sung được Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (Cedeao) đưa ra trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, và cực lực phản đối giai đoạn chuyển tiếp, dự kiến kéo dài « 5 năm », trước khi yêu cầu Hội Đồng Bảo An tập trung vào hồ sơ Mali, và tiếp tục làm việc để hướng đến việc bảo đảm tốt hơn cơ sở hậu cần cho lực lượng G5 ở vùng Sahel.
Nga và Trung Quốc, hai quốc gia vốn rất thường xuyên cổ vũ cho « các giải pháp châu Phi cho các vấn đề châu Phi », đã không nghe theo khuyến nghị của nhóm ba thành viên châu Phi tại Hội Đồng Bảo An. Sau quyết định nói trên của Nga và Trung Quốc, nhóm ba thành viên châu Phi tại Hội Đồng Bảo An, đã quyết định ra một tuyên bố chung, khẳng định « thất vọng » trong bối cảnh tình hình nhân đạo và an ninh ngày càng trở nên tồi tệ hơn với người dân Mali.
Cùng với việc đề xuất dự thảo tuyên bố chung về Mali, chính quyền Pháp cũng ra thông báo khẳng định hiện đang có khoảng 300 đến 400 lính đánh thuê Nga, triển khai tại miền trung Mali. Thông báo bác bỏ khẳng định trước đó của chính quyền quân sự Mali, là đây chỉ là các cố vấn quân sự Nga.
Theo Reuters, một trong các lý do chính khiến Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ra đưa ra loạt trừng phạt hôm Chủ nhật 09/01 (đóng cửa biên giới, đình chỉ quan hệ ngoại giao và thương mại với Mali) là đáp trả việc lính đánh thuê của Nga có mặt tại Mali.