Xuất khẩu sang Anh và bài học cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Xuất khẩu sang Anh và bài học cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

4 giờ trước

\"Hàng
Chụp lại hình ảnh,Một số nông sản, trái cây từ VN nhập sang Anh

Thời gian vừa qua, dư luận Việt Nam lại rộ lên chuyện hàng xuất khẩu \”tiểu ngạch\” sang Trung Quốc bị chặn ở cửa khẩu biên giới, gây khó khăn cho hàng nghìn công ty.

Từ 2018, các báo chuyên ngành ở VN đã nói đến \”rủi ro\” của việc xuất khẩu hành \”tiểu ngạch\”, thiếu tính chuyên nghiệp, chính quy (theo Tạp chí Tài chính-2018).

Cùng lúc, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do mậu dịch với các quốc gia trên thế giới, cả ở châu Á, ở châu Âu – như với EU và Anh Quốc nhưng từ ký kết đến hiện thực là một khoảng cách còn xa.

Ví dụ, thị phần của hàng Việt Nam tại thị trường Anh hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Vương quốc Anh, quốc gia chỉ trong 9 tháng đầu 2021 đã nhập 448 tỷ bảng, theo thông tin từ hội thảo \’Triển vọng thương mại VN – Vương quốc Anh\’ tháng 12/2021

Bài học làm hàng xuất khẩu sao cho bền vững, có hiệu quả tốt với các nền kinh tế yêu cầu chất lượng cao như Anh, EU có thể giúp thay đổi tư duy của các doanh nghiệp Việt Nam bỏ dần việc xuất hàng \”tiểu ngạch\” sang Trung Quốc và các nước láng giềng mà hiện ngày càng tỏ ra bất cập.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn doanh nhân Thái Trần từ London về vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Đầu tiên, ông Thái Trần cho biết về tình hình doanh nghiệp của mình trong thời gian đại dịch Covid.

Thái Trần: Công ty xuất nhập khẩu của chúng tôi làm việc giữa Việt Nam và Anh từ 2017 đến nay và tập trung vào các nhóm hàng có thế mạnh của hai nước. Với Việt Nam đó là các sản phẩm nông sản, đồ nội thất, đồ thủ công, vật liệu xây dựng, da giày, và dệt may. Với Anh Quốc, đó là các sản phẩm hàng tiêu dùng, đồ gia dụng tinh xảo, và sản phẩm hoá sinh đòi hỏi trình độ khoa học cao.

Ngoài ra, tôi còn một công ty thành lập năm 2021 là Unilo Global làm việc nhiều với các hãng bay và hãng tàu Việt Nam. Mặc dù dịch Covid diễn ra khá phức tạp trong năm 2020 và 2021, tình hình kinh doanh của hai công ty tôi vẫn khả quan và có nhiều bước tiến. Một phần, chúng tôi may mắn ở trong ngành nghề không bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách hạn chế đi lại của chính phủ các nước. Khách hàng truyền thống của công ty vẫn có nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm dịch vụ của chúng tôi và chúng tôi vẫn đáp ứng được nhu cầu đó. Tất nhiên chúng tôi phải thích ứng với tình hình mới như ứng dụng công nghệ trong quản lý, giao tiếp nội bộ, cho phép nhân viên làm việc từ xa, phát triển quan hệ với các đối tác mới để tận dụng nguồn lực kho bãi và giải pháp của họ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không gặp trở ngại nào. Dịch Covid khiến các hãng bay và hãng tàu cắt giảm số chuyến trong khi nhu cầu vận tải hàng hoá vẫn rất nhiều. Điều này khiến cung thấp hơn cầu và giá vận tải bị đẩy lên cao dẫn đến giá bán cũng phải tăng.

Phải rất vất vả chúng tôi mới có thể thuyết phục một số đối tác chấp nhận mức giá mới. Việc tiếp cận khách hàng và đối tác cũng khó khăn hơn, nhất là khách hàng/đối tác Việt Nam vì họ quen \”mục sở thị\” – tức là phải gặp mặt, ngồi họp (hoặc thậm chí ngồi trên bàn tiệc), trao đổi trực tiếp, đến tận nơi thăm cơ sở thì mới tin tưởng để bàn thảo chi tiết kế hoạch kinh doanh. Các hạn chế đi lại của chính phủ Việt Nam trong hai năm qua đã khiến chúng tôi không thể về Việt Nam hoặc mời đối tác qua \”mục sở thị\”.

BBC:Bài học lớn nhất ông rút ra trong năm qua khi nhập hàng từ Việt Nam sang Anh Quốc là gì?

Bài học lớn nhất có lẽ là việc tuân thủ pháp luật khi muốn nhập hàng từ Việt Nam sang Anh Quốc. Từ xưa đến nay, người Anh tự hào và cũng nổi tiếng ở tinh thần thượng tôn pháp luật và các quy định công (law and order) nên để nhập khẩu được hàng vào Anh, ngoài chất lượng, giá bán, điều khoản thanh toán, bảo hành… thì tất cả các bên và các bước đều phải tuân thủ pháp luật. Sẽ không có chuyện lót tay hay bẻ cong vấn đề dựa trên quan hệ hay tình cảm khi làm việc với công chức, đối tác người Anh.

Đơn cử như một số lô hàng hoa quả như vải thiều, nhãn, thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh công ty TT Meridian chúng tôi nhập vào Anh trong năm 2021, chúng tôi luôn phải đảm bảo các lô hàng được kiểm dịch đầy đủ, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Quản lý Động Thực Vật Anh Quốc (Animal and Plant Health Agency – APHA). Không phải lô nào của công ty chúng tôi trong năm qua cũng bị kiểm tra khi hàng đến sân bay hoặc cảng biển (có thể đại dịch Covid dẫn tới việc thiếu nhân lực).

Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng nếu chỉ có một lô hàng không đạt chỉ tiêu, toàn bộ các lô khác của công ty tôi hoặc có xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, cảnh cáo, thậm chí bị cấm nhập trong một khoảng thời gian nếu còn tái phạm. Vì vậy, chúng tôi và đối tác luôn làm việc với tinh thần bất kỳ lô nào cũng có thể bị kiểm tra và tốt nhất là lô nào cũng phải cẩn thận, tuân thủ quy định.

Về các thủ tục nhập khẩu khác như mở tờ khai, đóng thuế, kiểm tra hàng hoá trước khi chủ hàng được lấy hàng, vấn đề tuân thủ pháp luật cũng được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều làm việc trên hệ thống của chính phủ xây dựng hoặc nếu có phát sinh thì có thể trao đổi thêm qua email.

Ở Anh Quốc không có chuyện công ty nhập khẩu đi lên tận sân bay gặp người nọ người kia để trao đổi. Tất cả đều làm việc từ xa, dùng các công cụ để có thể lưu giữ được thông tin văn bản (chứ không nói miệng trực tiếp hay qua điện thoại). Cách làm này vừa đảm bảo tính tuân thủ pháp luật vì đã có bằng chứng bằng văn bản trao đổi qua email hay trên hệ thống, vừa đảm bảo tiết kiệm thời gian cho tất cả các bên liên quan qua đó tăng năng suất lao động và hiệu quả cho cả cơ quan công quyền và các doanh nghiệp.

BBC: Tính thượng tôn pháp luật trong kinh doanh ở Anh cụ thể là gì?

Thái Trần: Có thể tôi nói thế thì mọi người sẽ nghĩ rằng người Anh như vậy thì thật cứng nhắc, cứ phải đòi hỏi đúng 100% theo quy định. Thực ra, đó có thể là ấn tượng ban đầu nhưng theo kinh nghiệm riêng làm việc qua khá nhiều lần nhập khẩu, tôi thấy cơ quan công quyền của Anh vẫn có sự linh hoạt, đặc biệt là cán bộ xử lý trực tiếp hồ sơ và các cấp quản lý của họ.

Có những điểm không được phép làm sai nhưng nếu doanh nghiệp có nhầm lẫn hoặc sai sót ở một điểm nhỏ nào họ vẫn cho phép doanh nghiệp sửa lỗi và sau đó phê duyệt. Thậm chí nhân viên Anh còn hướng dẫn cần phải làm như thế nào cho đúng, qua đó giúp chúng tôi sửa lỗi rất nhanh để nhanh chóng lấy hàng. Tôi có thể lấy luôn một so sánh gần đây nhất khi công ty của chúng tôi có thuê trọn gói một chuyến may bay chở hàng từ Việt Nam qua và từ Anh Quốc về. Lô hàng của chúng tôi có một vài kiện hàng không đủ điều kiện bay do lúc soi chiếu cơ quan chức năng không xác thực được.

Đó là ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Giáng Sinh của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và chúng tôi xác định khả năng cao là lô hàng sẽ bị cắt lại hoàn toàn. Nhưng kho hàng sân bay và hải quan vẫn chủ động linh hoạt duyệt cho phần còn lại của lô hàng được bay và chỉ cắt lại những kiện không xác định được có đủ điều kiện bay hay không. Thậm chí họ còn hướng dẫn chúng tôi sửa đổi vận đơn, chứng từ như thế nào để toàn bộ thông tin tờ khai và thực tế được khớp với nhau.

Khi kể lại câu chuyện này với các đồng nghiệp ở Việt Nam, họ rất ngạc nhiên và công nhận rằng hải quan Anh và kho hàng sân bay thực sự phải rất thiện chí và hỗ trợ thì lô hàng của chúng tôi mới may mắn được bay như vậy.

\"East
Chụp lại hình ảnh,Vận chuyển hàng (air cargo) tại sân bay East Midlands Airport của Anh – hình minh họa. Anh Quốc nhập vào số hàng hóa trị giá 448 tỷ bảng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, và là thị trường tiềm năng lớn cho các nước châu Á

BBC: Theo quan sát của chúng tôi thì tại các cửa hàng, siêu thị Anh Quốc luôn đầy ắp hàng sản xuất tại châu Á, nhất là từ Trung Quốc, Bangladesh, và có ít hơn hàng may mặc, giày từ Việt Nam, Campuchia, nhưng đó là hàng do các công ty nước ngoài, có thương hiệu nổi tiếng, đầu tư vào gia công ở VN, và kiểm soát chất lượng để bán được sang Anh, sang EU, còn theo quan sát của ông, có hàng mang thương hiệu Việt Nam vào được các siêu thị Anh chưa?

Thái Trần: Tôi đồng ý với quan sát là hàng có thương hiệu Việt Nam hiện chưa có mặt nhiều ở các siêu thị Anh Quốc như các nước đang phát triển khác cùng khu vực châu Á. Hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam thì rất nhiều vì Việt Nam đang là nơi gia công cho rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của thế giới trong ngành dệt may, gia dày, thuỷ sản… Tiếc rằng, các thương hiệu Việt Nam hiện chưa có nhiều ở Anh.

Các sản phẩm đã vào được các siêu thị Anh thường là của các thương hiệu lớn của Việt Nam, có dây chuyền máy móc hiện đại và quy trình đạt chuẩn quốc tế để kiểm soát chất lượng như Masan, Trung Nguyên, Acecook…

BBC:Nhìn từ góc độ người tiêu dùng và các công ty phân phối tại Anh thì vấn đề của hàng Việt Nam nói chung là gì, và vấn đề của nông sản, trái cây, thực phẩm từ VN là gì?

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng và các công ty phân phối tại Anh, tôi xin phép dùng hai từ hơi lạ tai và sẽ giải thích thêm. Hai vấn đề nổi cộm của hàng Việt Nam theo quan điểm cá nhân của tôi có lẽ là tính \”hấp dẫn\” và tính \”giá trị\” của sản phẩm (tôi tạm dịch từ value for money).

Tính \”hấp dẫn\” của sản phẩm được thể hiện ở nhiều yếu tố như vị trí trên kệ hàng có thuận tay người tiêu dùng không, bao bì có bắt mắt và cung cấp đầy đủ nội dung thông tin người tiêu dùng quan tâm không, có đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị (environmental, social and governance – ESG) hay không, sản phẩm có dễ sử dụng không, khi sử dụng thì sản phẩm có đúng chất lượng như đề cập trên bao bì không. Để vào được thị trường Anh thì sản phẩm cần đạt được những tiêu chí quan trọng này và tiếc rằng các sản phẩm tiêu dùng, hàng gia dụng và nông sản, trái cây, thực phẩm của Việt Nam đều mới chỉ đáp ứng được cùng lắm là một hay hai tiêu chí như kể trên trong khi thị trường Anh yêu cầu năm điểm như kể trên.

Tính \”giá trị\” (value for money) theo góc nhìn của người tiêu dùng và nhà phân phối là tôi bỏ từng đó tiền thì có xứng đáng hay không. Người Anh không cần sản phẩm rẻ nhất mà họ cần sản phẩm \”tiền nào của ấy\”. Họ sẵn sàng chi nhiều hơn cho một loại trái cây hay thực phẩm vì những lợi ích vật chất và tinh thần sản phẩm đó mang lại. So với các nước đối thủ cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… thì các sản phẩm của Việt Nam không cạnh tranh được về giá. Các sản phẩm nông sản Việt có \”tính hấp dẫn\” tương đương thì giá lại cao hơn. Lẽ dĩ nhiên, các nhà phân phối Anh sẽ lựa chọn hàng của các nước khác thay vì Việt Nam.

BBC: Trái cây, nông sản từ Nam Âu, từ Israel, Brazilxuất hiện đầy tại Anh, và hàng châu Á thì có Thái Lan, Indonesia…còn hàng VN muốn muốn vươn lên được, nâng cấp thành hành xuất khẩu \”bền vững\” thì cần làm gì?

Thái Trần: Nói ngắn gọn thì để xuất khẩu \”bền vững\” theo tôi một mặt các doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần giải quyết được hai vấn đề nổi cộm ở trên – tính hấp dẫn và tính giá trị. Sản phẩm tốt, giá tốt có thể tạo tiền đề cho việc marketing, chào hàng, xuất khẩu, ký hợp đồng dài hạn và lặp đi lặp lại trong tương lai.

\"mangoes
Chụp lại hình ảnh,Trong đại dịch Covid, nhiều công ty của Anh tìm thấy cơ hội cung cấp trái cây nhiệt đới như xoài cho các hộ gia đình qua chương trình bán hàng qua mạng vốn đã tồn tại từ trước nhưng chưa phát triển

Mặc khác tôi thấy doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa chú trọng đến tính toán lâu dài và xây dựng mối quan hệ bền vững với đối tác. Cách tiếp cận các hợp đồng mua bán thường có tính \”lần này\”, \”lần sau\”. Có thể đây là do sự manh mún trong sản xuất hoặc do nguồn lực bị hạn chế nên các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam mới chỉ tính được đến như vậy. Nếu xây dựng được một lộ trình cung cấp sản phẩm dịch vụ dài hạn với đối tác và tập trung vào lợi ích tổng thể thì có thể đi được xa.

Tôi suy nghĩ nhiều về vấn đề này và thấy một ý tưởng nữa có thể tính đến là xây dựng mô hình kim tự tháp cho chiến lược xuất khẩu bền vững trong giai đoạn đầu.

Sẽ cần có một số \”cánh chim đầu đàn\” ở phần chóp của kim tự tháp đi ra thế giới vì những doanh nghiệp này có đầy đủ các nguồn lực để quản lý chất lượng, gây dựng thương hiệu, có lợi thế kinh tế do quy mô nên có giá đầu vào tốt…Đây sẽ là nhóm doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện hợp đồng với các đối tác nước ngoài, là đại diện đáng tin cậy cho thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Các chân đế của kim tự tháp chính là nhà cung cấp sản phẩm cho nhóm ở đỉnh kim tự tháp, dưới sự quản lý chặt chẽ và giám sát chất lượng của họ để đảm bảo hàng xuất đi đạt chất lượng, quy chuẩn. Dần dần thương hiệu nông sản Việt có chỗ đứng ở thị trường Anh và qua đó sẽ tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp khác tận dụng được tính thương hiệu quốc gia này.

BBC: Chính phủ, các bộ ngành tại Việt Nam có vai trò gì trong việc này, và nên làm gì, không nên làm gì?

Cũng không thể không nhắc đến vai trò của chính phủ và cơ quan chức năng Việt Nam trong chiến lược xuất khẩu bền vững này. Tôi thấy rằng một mặt thì các cấp bộ ngành Việt Nam đã rất tích cực và hiệu quả trong việc ký kết hiệp định tự do thương mại Anh – Việt (UKVFTA) hay gia nhập các khối kinh tế như ASEM và CTPPP mà cả Anh và Việt Nam đều là thành viên. Đây là bước đệm vĩ mô khá tốt cho việc giao thương.

Thế nhưng ở tầm vi mô, doanh nghiệp Việt hiện vẫn phải dùng quá nhiều nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu thủ tục, hồ sơ giấy tờ chứng nhận xuất xứ, khai báo hải quan, kiểm hoá, cấp chứng nhận kiểm dịch động thực vật… theo quy định. Để xuất được một lô hàng từ Anh Quốc đi các nước khác, các doanh nghiệp bản địa bên này không phải vất vả như vậy và đa số làm việc với cơ quan chức năng từ xa qua email hay khai trên hệ thống. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt vẫn phải cử người đến tận nơi để nộp hồ sơ hay lấy chứng nhận hay làm thủ tục gì đó. Điều này gây lãng phí rất nhiều về thời gian và nhân lực.https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/business-59964738/p0914v2g/viChụp lại video,

Việt Nam – Vương quốc Anh kết thúc đàm phán hiệp định thương mại song phương

Tôi không muốn dùng từ đơn giản hoá thủ tục ở Việt Nam vì thủ tục thì cần chặt chẽ, chi tiết để đáp ứng yêu cầu của chính phủ Anh, tôi nghĩ \”thuận tiện hoá\” các thủ tục sẽ giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung. Khi quy định rõ ràng, minh bạch và thủ tục thuận tiện, doanh nghiệp sẽ có động lực làm đúng theo quy định hơn, qua đó ngày càng nâng cao năng lực để làm việc với đối tác Anh – những người như tôi nói rất coi trọng việc làm đúng và tuân thủ quy định, pháp luật.

BBC: Ông có lời khuyên gì cho các nhà xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc nhân câu chuyện năm nào cũng có lời kêu gọi \’giải cứu\’ nông sản Việt Nam vì Trung Quốc ách hàng?

Thái Trần: Qua những gì chúng tôi biết thì một số lớn hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đang chủ yếu làm qua đường tiểu ngạch mà tôi hiểu nôm na là giấy tờ không đảm bảo hợp lệ và đầy đủ. Bản thân các đối tác Trung Quốc này cũng chỉ là những thương lái, mua rẻ bán đắt, nằm vùng gom hàng, cạnh tranh bằng giá chứ cũng không hẳn là những đối tác làm việc chuyên nghiệp, bài bản. Do đó, khi có tranh chấp thương mại thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có lợi thế trong kiện tụng.

Trong khi doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với đối tác Anh thì thường sẽ có xu hướng làm theo quy định, ký kết hợp đồng chặt chẽ, cẩn trọng trong giao tiếp cũng như tác phong chuyên nghiệp… Điều này có bất cập là có thể khiến các nhà xuất khẩu nông sản lúng túng ở những lần đầu tiên hoặc sẽ phải mất thời gian công sức mới có được những hợp đồng đầu tiên. Tuy nhiên, lại có điểm hay là họ học hỏi được thế nào là làm chính tắc, chính ngạch, bài bản, chuyên nghiệp và qua đó nâng cao năng lực nội tại. Khi năng lực nội tại được nâng cao thì họ có thể đi được đường dài.

Tôi cũng muốn liên hệ điều này với việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Thiết nghĩ doanh nghiệp Việt cần chủ động yêu cầu đối tác Trung Quốc làm đúng luật, chuẩn chỉnh ngay từ đầu để nếu có phát sinh gì thì đã có pháp luật làm cơ sở để giải quyết tranh chấp. Có thể nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ không vui khi nhận được lời khuyên này vì nó đồng nghĩa với việc \”Làm chặt quá như vậy thì sao chúng tôi bán được hàng hay bán được với giá cao?\”.

Như đã nói ở trên, nếu cứ tiếp tục làm theo cách này thì rủi ro pháp lý, đóng biên như đang thấy sẽ là rất lớn và khi đó hậu quả là khôn lường. Cũng có một thực tế là việc Trung Quốc đóng biên xảy ra là rất thường xuyên chứ không phải chỉ thời điểm này. Hậu quả kinh tế nặng nề trong khi tần suất rủi ro xảy ra lại cao, tại sao ta lại phải chọn phương án này trong khi còn rất nhiều phương án khác?

Khoảng 20-30 năm sau Đổi Mới, các nông trường và trang trại Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn do năng lực nội tại còn ít và cơ hội thị trường chưa nhiều, với những gì đang có hiện nay, tôi nghĩ đã đến lúc người bán Việt Nam chủ động \”chọn bạn tốt mà chơi\”, làm việc cùng đối tác tạo điều kiện cho mình phát triển, tự nâng cao năng lực hơn là với đối tác chỉ cho mình cái lợi vật chất ngắn hạn và thậm chí phải đánh đổi bằng rất nhiều rủi ro tiềm ần.

Ông Thái Trần, cử nhân ĐH Ngoại thương HN ( 2008), thạc sĩ Tài chính Quốc tế ĐH St Andrews, Scotland (2009) hiện làm doanh nghiệp tại London, Anh Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment