“BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ BÊN NGỌN LỬA” : Điều đẹp đẽ là điều sống trong kí ức
Đăng ngày: 14/01/2022
Lệ Thu
Không ồn ào náo nhiệt và mạnh mẽ với những hình ảnh gợi dục tính hay bạo liệt tình ái, “Bức chân dung người phụ nữ bên ngọn lửa” cứ thế dịu dàng dành trọn cho mình tình yêu của rất nhiều nhà phê bình phim cũng như khán giả, đồng thời chinh phục cả Liên hoan phim Cannes 2019, giải BAFTA, Goya và César năm 2020 bằng nhiều đề cử cùng các giải thưởng danh giá.
Là một bộ phim chính kịch cổ trang đề cập tới tình yêu đồng giới của hai cô gái trong bối cảnh nước Pháp cuối thế kỉ 18, phim không mang trong nó những điểm bùng nổ, những mâu thuẫn gay gắt hay những nút thắt khó gỡ. Tất cả cứ nhẹ như gió, lặng như mây một cách “rất Pháp”. Nữ đạo diễn, đồng thời là biên kịch, Céline Sciamma đã vô cùng thành công với thủ pháp riêng của mình để vẽ ra một bức tranh đẹp, đầy sống động về những người phụ nữ luôn có khát khao mạnh mẽ được sống bình đẳng, tự do và hướng tới tương lai.
Truyện phim xảy ra vào cuối thế kỉ 18, khi mà địa vị của phụ nữ trong xã hội Pháp vẫn chưa được đề cao và tôn trọng, nên câu chuyện mang nặng trong nó sự bứt phá, ước vọng nữ quyền, đồng thời là tiếng nói làm chủ cuộc sống của mình của hai nhân vật chính là Héloise và Marianne.
Gia đình Héloise sống trên một hòn đảo ở vùng Bretagne, Pháp. Cha của cô là một bá tước, sau khi ông mất đi, ba mẹ con cô cần phải có một người rể để giữ gìn gia sản. Một người đàn ông ở Milan, Ý, ngỏ ý muốn cưới một trong hai cô con gái. Thay vì chấp nhận đám cưới không mong muốn, chị gái Héloise đã nhảy xuống vực tự vẫn, để “định mệnh” này lại cho em gái của mình. Bản thân Héloise được nuôi dạy trong tu viện nhiều năm, giờ đây, cô được mẹ đưa về để gánh vác trọng trách này.
Tất cả bắt đầu khi Marianne, cô họa sĩ ở Paris, được mời đến nhà vẽ bức chân dung của Héloise để gửi cho người chồng tương lai của cô xem mặt trước khi quyết định đám cưới. Những người đàn ông không hề xuất hiện trong phim, cả cha của Héloise lẫn người chồng chưa cưới ở Milan, tuy nhiên, áp lực của họ đè nặng lên những nhân vật chính, từ đó, tất cả bùng lên như một ngọn lửa nhỏ âm ỉ nhưng nồng ấm lan tỏa.
Bùng cháy đam mê
Cứ ngỡ chỉ là một công việc bình thường, thì hóa ra, Marianne đã tìm thấy ngọn lửa của nghệ thuật trong cô và khơi dậy lửa đam mê đã sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào của Héloise. Sự xuất hiện của cả hai cô gái đều để lại những dấu ấn tuyệt vời, một họa sĩ đầy mãnh mẽ quyết đoán và một cô tiểu thư luôn mong muốn bình đẳng tự do.
Marianne một mình trên chiếc thuyền đi tới đảo, bộ họa cụ của cô bị rơi xuống biển. Tất cả những người đàn ông ngồi trên thuyền đều nhìn cô thản nhiên, không một ý định giúp đỡ. Cô ngay lập tức cởi bỏ áo khoác, bất chấp giá lạnh, lao xuống để vớt chúng lên. Ngay cả khi người ta đưa cô tới bãi đá lởm chởm và chỉ cho cô đường đến lâu đài thì cũng vẫn là một mình cô, vác trên người những thùng gỗ đựng toan vẽ, bước đi mạnh mẽ không ngừng.
Còn Héloise, cô yêu cuộc sống ở tu viện hóa ra bởi vì với cô, “bình đẳng là một cuộc sống dễ chịu”. Ở đó, cô được đọc sách, được hát và được nghe nhạc, dù cho đó chỉ là những bản nhạc buồn và chưa từng được biết tới một buổi hòa nhạc đúng nghĩa. “Chúng ta giống nhau”, đã có lúc Héloise nói với Marianne như thế, khi mà cô họa sĩ cứ ngỡ cô có nhiều sự tự do hơn Héloise. Tất cả họ đều đang sống trong thời đại mà phụ nữ vẫn phải biết vâng lời, không cần Yêu, chỉ cần gật đầu.
Từ đầu phim, Marianne vô cùng tò mò về Héloise bởi cô tiểu thư chỉ được nhắc đến qua người hầu, qua bà bá tước. Lần đầu tiên họ gặp nhau, Marianne đứng sau lưng Héloise, vội vã và hoảng hốt chạy đuổi theo cô tới gờ đá bên miệng vực, lo sợ cô sẽ nhảy xuống như chị gái của cô. Nhưng không, Héloise đã dừng lại ngay đó, đôi mắt to hào hứng và đôi môi nhỏ khẽ mở ra, thở hổn hển. “Em mơ tới điều này lâu rồi”. Cô nói với Marianne. Cô họa sĩ cứ ngỡ ý của tiểu thư là nhảy xuống vực, nhưng Héloise đã trả lời hồn nhiên. Lần đầu tiên, cô được chạy.
Rồi cứ thế, tình yêu nảy nở trong họ như cái chồi nhỏ mọc lên giữa những mặn mòi của biển cả. Bộ phim không hề có âm nhạc nhưng ba phân đoạn âm nhạc vang lên chính là ba khúc tự tình len lỏi vào nhân vật và cả người xem, khiến cho tình yêu đó trở thành điều hiển nhiên khó cưỡng.
Khúc đầu tiên là khi Marianne lột tả một cách vụng về bản nhạc cô yêu thích trên cây phong cầm ở trong lâu đài cho Héloise nghe. Không phải là một nhạc sĩ, cũng không biết chơi đàn, nhưng cái cách mà cô họa sĩ miêu tả âm nhạc bằng vài nốt chủ đề cùng những lời lẽ đẹp đẽ đã thắp ngọn lửa nhỏ nhen nhóm trong Héloise. Âm nhạc là tiếng côn trùng, tiếng sấm chớp, tiếng mưa.
Khúc thứ hai, ấn tượng hơn, đậm đặc hơn, gợi tình hơn, là khi họ cùng nhau tham gia một buổi hội họp của nhóm phụ nữ nông dân trong lúc bà bá tước đi vắng. Tất cả cùng tập trung quanh ngọn lửa, vỗ tay và hát. Giọng của họ hòa vào nhau, như một bản Accapela chập trùng sóng, lên xuống vỗ về, khi ào ạt, khi dập dìu. Đó cũng là lúc tà váy của Héloise bắt lửa, bùng cháy.
Ngọn lửa được nhen nhóm đã đến lúc được tưới tắm. Nụ hôn họ trao nhau ngập ngừng trong hốc đá. Những chủ động yêu đương dưới ánh lửa bập bùng trong phòng khách. Những phút giây ân ái bằng sự êm dịu đẹp đẽ không khoa trương gợi dục. Đó là tình yêu không chỉ của hai người đàn bà, đó là khát vọng được Yêu rất Con Người.
Lần cuối, âm nhạc vang lên, chính là khúc nhạc dạo đầu mà Marianne đã từng chơi cho Héloise nghe nhưng lần này là trong nhà hát lớn với dàn nhạc giao hưởng. Họ ngồi hai bên hàng ghế đối diện nhau. Chỉ Marianne biết tới sự có mặt của Héloise. Cô lặng ngắm tình yêu của mình còn Héloise thì khóc. Phân đoạn cuối phim ấy tưởng như dài mãi và lưu giữ mãi không bao giờ kết thúc.
Kí ức là điều sống mãi
Có một chi tiết vô cùng hay và đắt giá mà đạo diễn kiêm biên kịch phim đã làm được, đó là việc Héloise không cho ai vẽ mình vì cô chưa đồng ý đám cưới này. Vì thế mà khi Marianne bắt đầu bức vẽ đầu tiên, cô phải giả làm người bạn đồng hành được thuê để đi dạo cùng Héloise. Cô phải ghi nhớ hình ảnh của tiểu thư trong tâm trí và vẽ nó lại. Vẽ bằng trí nhớ. Người ta nhận ra đây chính là sự gửi gắm của tác giả tới người xem, rằng dường như sống với nhau trong hoài niệm mới là thứ tình cảm trân quý nhất, là sống trong lòng nhau.
Chuyện tình buồn trong thần thoại Hy Lạp giữa Orpheus và Eurydice là chìa khóa của cái kết phim, lý giải tại sao hai cô gái đã không bỏ trốn để được sống bên nhau trọn vẹn mà phim vẫn có một Happy Ending đúng nghĩa. Khi họ đọc sách tới đoạn Orpheus quay người lại và Eurydice phải mãi mãi ở lại dưới địa ngục, mãi mãi chia cắt, ai cũng tỏ ra thương tiếc, thậm chí có phần trách cứ Orpheus thì Héloise đã nói có lẽ Eurydice là người đã nói “Hãy quay lại”. Phải chăng, đó là Eurydice khẳng định cái Nữ Quyền của mình, quyền được tự quyết số phận của mình? Nàng chỉ muốn sống trong kí ức với Orpheus mà thôi?
Người ta không lý giải nữa. Người ta chỉ để câu chuyện ở đó để quay lại với tình yêu giữa Marianne và Héloise. Vì yêu mà cô họa sĩ đã trở nên hằn học, không muốn trao Héloise cho người khác, không muốn hoàn thiện bức chân dung, không ủng hộ tiểu thư cưới người đàn ông ở Milan. Đây là lúc Héloise cảm thấy người tình đang muốn làm chủ cô chứ không cảm thông cho cô. Và cũng như Eurydice, cô là người lựa chọn cuộc sống cho mình là tiếp tục bước tiếp, làm trọn bổn phận của một người con với gia đình và lưu giữ những đẹp đẽ trong hoài niệm.
Marianne vẽ gương mặt Héloise trong miếng vòng cổ của mình và cô tự họa mình vào trong một cuốn sách của Héloise, trang 28. Họ lưu giữ trong nhau như thế, không ồn ào. Để rồi, vài năm sau đó, khi Marianne xuất hiện trong một buổi triển lãm tranh, cô đã bần thần đứng ngắm bức tranh một họa sĩ nào đó vẽ chân dung Héloise và con của cô, trên tay vẫn đang cầm cuốn sách và ngón tay lật giở trang sách số 28, trang sách có hình của Marianne.
“Bức chân dung người phụ nữ trong ngọn lửa” là bức vẽ xuất hiện ở đầu phim, để từ đó, câu chuyện tình được gợi nhớ lại trong tâm trí Marianne. Bức vẽ hoàn toàn không phải là một bức chân dung đúng nghĩa vì nó vẽ Héloise ở khoảng cách khá xa, không rõ gương mặt cô. Một người phụ nữ đứng giữa khung cảnh chiều tà, áng sáng chỉ còn le lói, bầu trời chuyển tối và điểm sáng nổi bật nhất chính là tà váy đang bốc cháy.
Đó, đích thực là một bức chân dung tuyệt mỹ bởi nó lột tả được cái nội dung bên trong con người, thể hiện được những khao khát mãnh liệt ở một người phụ nữ luôn muốn bứt phá, được sống với chính mình và có quyền tự quyết với cuộc đời mình. Dù biết rằng cuộc đời ấy có thể không hạnh phúc hay sung sướng như ý, như là cách Héloise đã chọn yêu Marianne và chọn vẫn lấy chồng để cứu vãn gia đình, nhưng, vẫn là một sự lựa chọn đầy mạnh mẽ và bùng cháy.