Giáo dục VN: Giảng viên Czech nói sinh viên ở Sài Gòn \’thụ động, ít nói, ít hỏi\’
Sinh viên Việt Nam \’ít chịu tự nói hay tự hỏi thầy giáo\’
Thầy giáo Ondřej Slówik, trưởng bộ môn Ngôn ngữ Anh, Đại học Hồng Bàng ở TP HCM bình luận bằng tiếng Việt với BBC về thực trạng thụ động của sinh viên Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
\”Vấn đề lớn nhất là họ không chịu trả lời gì hết hay là không bao giờ tự nói hay là tự hỏi thầy giáo,\” Ondřej nhận xét.
Và điều này khiến anh, là một thầy giáo, thấy buồn. Anh nói:
\”Tôi cũng nói với họ là \’nếu không trả lời thầy hỏi cái gì thì sẽ làm cho thầy hơi buồn\’ thì họ cũng cố gắng.\’
Lý giải tính thụ động của sinh viên Việt Nam, thầy giáo Ondřej Slówik cho rằng điều này xuất phát từ văn hóa giáo dục ở Việt Nam.
\”Họ học như vậy 12 năm ở cấp 2, cấp 3 thì tất nhiên họ vẫn sẽ ngại nói chuyện tự do với giáo viên ở trường đại học.\”
Anh cho rằng tính thụ động của sinh viên Việt Nam giống với sinh viên Cộng hòa Czech. Lý giải điều này, Ondřej nói:
\”Vì ngày xưa ở bên Czech cũng có \’Cây tre đỏ Chủ nghĩa Xã hội\’ và văn hóa giáo dục ở bên đó cũng coi thầy giáo cô giáo như là \’Thương đế\’ và sinh viên phải nghe lời và theo ý kiến của thầy cô giáo.\”
Được thừa hưởng nền giáo dục của Cộng hòa Czech và có cơ hội tiếp xúc với sinh viên phương Tây, Ondřej cũng nhận thấy \”sinh viên Việt Nam rất khác với sinh viên Đông Âu, Tây Âu và Mỹ\” nhưng vẫn \”giống sinh viên Đông Âu hơn là Tây Âu và Mỹ\”.
\”Ở bên Tây Âu, đặc biệt là ở Mỹ thì sinh viên rất cởi mở, độc lập, tự do và hỏi rất nhiều thứ,\” Ondřej cho biết.
Do đó, anh hy vọng sinh viên Việt Nam sau này sẽ \”tây hóa một chút\” để những giảng viên như Ondřej sẽ không cảm thấy \”buồn\” khi dạy học.
Trong thời dịch Covid-19, việc dạy học ở Việt Nam cũng được chuyển sang hình thức online trong suốt nhiều tháng. Điều này làm cho cơ hội giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên đại học càng ít đi.
\”Bây giờ dạy online thì nhiều khi là tôi phải hỏi \’em có ở đây không?\’ và đầu buổi học thì họ nói \’có thầy ạ\’ và sau đó thì họ không nói gì nữa,\” thầy giáo Ondřej Slówik chia sẻ.
\”Nhưng sau đó họ tắt camera và biến mất nhưng vẫn giả vờ là ở đó nhưng thực tế chưa chắc họ ở đó,\” Ondřej nói thêm.
Cơ duyên với tiếng Việt
Sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Czech, Ondřej Slówik cho biết anh bắt đầu học tiếng Việt từ khoảng năm 2008 tại thủ đô Prague, nơi có trường Đại học Charles University và có ngành Việt Nam học ở đó.
Nói về lý do chọn học tiếng Việt, Ondřej chia sẻ:
\”Ngoài tiếng Anh, tôi quyết định chọn một ngoại ngữ khác để học là tiếng Việt dù lúc đó chưa biết gì nhiều về tiếng Việt nhưng ở bên Prague là nơi có rất nhiều người Việt Nam.
\”Từ bé tôi lớn lên với người Việt Nam và cứ thắc mắc họ nghĩ gì, nói gì nhưng mà chưa hiểu được. Sau đó, khi có cơ hội chọn tiếng Việt ở trường đại học thì tôi đã bắt đầu với cái đó.
\”Tiếng Anh thì ai cũng biết rồi nhưng tiếng Việt thì rất ít người biết, nên tôi đã nghĩ là nếu giỏi về tiếng Việt thì cạnh tranh sẽ không cao.\”
Sau 2-3 năm học tiếng Việt ở trường đại học bên Czech, Ondřej có cơ hội sang Hà Nội học một năm ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
Sau đó, anh trở về nước và làm việc với cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Czech. Trong thời gian đó, Ondřej có cơ hội đi lại nhiều giữa hai nước, nhưng cuối cùng anh đã quyết định làm việc ở Sài Gòn và lấy vợ người Việt Nam.
Bên cạnh công việc giảng dạy tại trường đại học, thầy giáo Ondřej Slówik còn là dịch giả. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Ondřej cho biết anh đã dịch tiểu thuyết Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Tiệp vì thấy tác phẩm này \”rất thú vị, hài hước hợp với gu của người Czech\”.