Vì sao Đức tìm cách « bóp nghẹt » ngành công nghiệp hạt nhân Pháp ?
Đăng ngày: 17/01/2022
Minh Anh
Liệu người dân Pháp có sẵn sàng từ bỏ chủ quyền năng lượng mà họ có được nhờ hạt nhân để lệ thuộc vào Nga, Đức hay nhiều cường quốc khác ? Câu hỏi này được nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, Margot de Kerpoisson, đặt ra vào thời điểm Berlin và giới vận động cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Đức bị nghi ngờ tìm cách làm suy yếu công nghiệp hạt nhân Pháp.
Nếu như việc đóng cửa nhà máy điện nguyên tử Fessenheim hồi năm 2020 là một thắng lợi của nước Đức, thì đối với nhiều nhà nghiên cứu Pháp, đây là một bằng chứng rõ nét cho thấy có sự can dự từ nước ngoài vào một vấn đề chủ quyền của Pháp. Một quyết định được đưa ra « dưới áp lực của chính quyền Đức » theo như lời cáo buộc của các tác giả một báo cáo cho Quốc Hội đề ngày 06/10/2021.
Nước Đức tìm mọi cách gạt ngành hạt nhân của Pháp ra khỏi bảng phân loại năng lượng xanh (taxonomie) – một công cụ tài chính nhằm định hướng các đầu tư nhà nước và tư nhân hướng đến các hoạt động sản xuất « xanh » và « bền vững ». Nhưng đồng thời, Berlin lại muốn bảng phân loại này phải bao gồm cả khí đốt, một nguồn năng lượng phát thải khí CO2 cao hơn hạt nhân đến hơn 40 lần theo như GIEC – Nhóm Chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Nếu như bảng phân loại năng lượng xanh vừa được Bruxelles công bố hôm 31/12/2021, bao gồm có cả hạt nhân và khí đốt, cho thấy có một sự thỏa hiệp giữa Pháp và Đức, thì cuộc đối đầu giữa hai nước về mô hình chuyển đổi năng lượng vẫn chưa đến hồi kết. Bởi vì, trước đó vài ngày, khi trình bày một cơ chế mới về « hỗ trợ Nhà nước cho khí hậu, bảo vệ môi trường và năng lượng », Bruxelles lại gạt hạt nhân.
Văn bản này được Tổng cục Cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu soạn thảo mà không có sự tham vấn với bất kỳ chính phủ nước thành viên nào. Những cải cách về « đường hướng chỉ đạo », xác định những nguyên tắc theo đó chính phủ các nước thành viên có thể cấp vốn (tài trợ của Nhà nước) cho các doanh nghiệp, cho đến lúc này chỉ bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, vốn dĩ là một thế mạnh của Đức. Điều này sẽ gây bất lợi cho các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, như làm tăng chi phí chuyển nhượng, đầu tư và giá sản xuất điện…, theo như chỉ trích của nhà nghiên cứu Dominique Finon, Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, trên trang mạng Boulevard Exxtérieur.
Những quyết định đầy mâu thuẫn này của Bruxelles một lần nữa cho thấy có « bàn tay của Đức » theo như cáo buộc của nhiều nhà nghiên cứu năng lượng ở Pháp. Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử, nhà nghiên cứu Margot de Kerpoisson, trường Ecole de Guerre Economique cho rằng Berlin đang tiến hành một cuộc « thập tự chinh » nhằm làm suy yếu nền công nghiệp hạt nhân Pháp.
**********
RFI Tiếng Việt : Trước hết, bà có thể giải thích vì sao Đức có thái độ bài hạt nhân mạnh mẽ đến như thế ?
Margot de Kerpoisson : Người dân Đức không thích hạt nhân bởi vì họ có một quá khứ lịch sử đặc biệt với nguyên tử. Họ có nhiều tổn thương do nhiều sự kiện khác nhau : Thế Chiến lần thứ hai, Chiến Tranh Lạnh – đừng quên rằng trong suốt giai đoạn này, nước Đức là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu (Euromissile), hay thời thảm họa Tchernobyl. Rồi khi tai nạn hạt nhân Fukushima xảy ra năm 2011, sự kiện này là chủ đề của một làn sóng truyền thông mạnh mẽ thật sự, làm củng cố thêm cảm giác bài hạt nhân của Đức. Đúng hơn, chính câu chuyện của họ với nguyên tử giải thích phần nào nỗi sợ phi lý của người Đức.
Theo các số liệu được công bố, 64% thiết bị công nghệ điện gió lắp đặt tại Pháp là do các doanh nghiệp Đức cung cấp. Cùng với việc ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vừa hoàn thành, Đức trở thành một đầu mối cung cấp khí đốt tại châu Âu. Khi tìm cách phá hoại nền công nghiệp hạt nhân Pháp, theo như cáo buộc của nhiều nhà nghiên cứu, phải chăng mục đích sau cùng của Berlin là khiến cho Paris trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào ngành công nghiệp tái tạo và khí đốt của Đức ?
Margot de Kerpoisson : Đức đã đổi hướng chiến lược sang năng lượng tái tạo. Nhưng hạt nhân là một nguồn năng lượng có tính cạnh tranh cao. Chính vì thế là, khi làm suy yếu ngành hạt nhân và mô hình cạnh tranh của Pháp, người Đức có thể củng cố thế mạnh ngành năng lượng của mình. Hơn nữa, Đức thực sự có được một nền công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đây chính là những gì mà Pháp chưa có.
Tôi không nghĩ rằng Đức tìm cách làm cho Pháp bị lệ thuộc nhưng không nên bỏ qua những lợi ích và các thách thức kinh tế. Tuy nhiên, khí đốt và năng lượng tái tạo rất có thể sẽ còn củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Đức trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu. Trong mọi trường hợp, những gì nên hiểu chính là Đức đã lựa chọn chuyển hướng một cách triệt để sang các nguồn năng lượng tái tạo. Và giờ đây, do vấp phải những khó khăn, Berlin không còn giải pháp nào khác là phải khẳng định mô hình của mình ở cấp độ châu Âu.
Tôi không tin rằng mục tiêu ban đầu của Đức là nhằm làm suy yếu nước Pháp. Cá nhân tôi, tôi nghĩ là họ tin vào mô hình của họ khi dựa vào năng lượng tái tạo nhưng mô hình này đã cho thấy kém hiệu quả hơn như dự kiến và do vậy tính cạnh tranh của họ bị đe dọa. Đây chính là lý do vì sao Đức ra sức thúc đẩy năng lượng tái tạo trong mô hình năng lượng của châu Âu. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của họ là nguồn cung cấp cho hàng trăm ngàn việc làm.
Đức đúng là một đồng minh trong nhiều lĩnh vực nhưng trong khía cạnh năng lượng, các chiến lược của họ khác biệt đến mức điều đó đã dẫn đến một sự đối đầu công khai giữa Paris và Berlin.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Conflit, bà còn cáo buộc Berlin một mặt sử dụng ưu thế đại diện tại định chế Liên Hiệp Châu Âu để áp đặt mô hình chuyển đổi năng lượng, mặt khác, là cùng với giới vận động ngành năng lượng tái tạo tiến hành một chiến dịch thông tin nhằm làm suy yếu công nghiệp hạt nhân của Pháp. Bà có thể giải thích rõ hơn chiến dịch đó được thực hiện như thế nào ? Bằng những phương tiện gì ?
Margot de Kerpoisson : Các tổ chức phi chính phủ là những vũ khí rất hữu ích trong trường hợp chiến tranh thông tin. Chẳng hạn như vào năm 2011, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã đệ đơn kiện nhắm vào Gazprom. Nhưng sau khi được cung cấp tài chính, họ đã rút đơn kiện. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn hết là phải hiểu được vai trò mà các tổ chức dân sự này có thể nắm giữ. Những tổ chức này đã có được những hình ảnh tích cực trong lòng xã hội dân sự. Họ sở hữu rất nhiều phương tiện để hành động như đi vận động, ký thư kiến nghị…
Tuy nhiên, mức độ minh bạch tài chính thì hầu như không có và như chúng ta có thể nhận thấy, một số tổ chức có quan hệ tài chính và chính trị chặt chẽ với giới vận động cho năng lượng tái tạo. Giống như đăng ký minh bạch cho giới vận động, các tổ chức phi chính phủ này (vốn cũng hiện diện trong các ủy ban ở Bruxelles) có lẽ cũng nên liệt kê các pháp nhân tài trợ cho họ.
Trong cuộc chiến « kinh tế » này với Đức, một đối tác quan trọng, nước Pháp bị chỉ trích là đã quá ngây thơ. Tại sao như vậy ? Giờ đây Pháp phải phản ứng như thế nào ? Bằng cách nào ?
Margot de Kerpoisson : Tôi nghĩ rằng vấn đề thật sự nằm ở chỗ thông tin sai lệch cho người dân Pháp. Rất nhiều người không biết rằng hạt nhân là một nguồn năng lượng phát thải ít khí CO2. Trong vòng nhiều năm, ngành năng lượng này hứng chịu các cuộc tấn công bài hạt nhân mà không biết cách tự vệ. Chẳng hạn như EDF – Tập đoàn Điện lực Quốc gia – đã không dám nói rằng đây là một công cụ hạt nhân giúp giảm thiểu phát thải khí ga gây hiệu ứng nhà kính. Ngày nay, điều đó đang có chút thay đổi vì một số tác nhân như Orano đã quyết định đánh động công luận về những vấn đề năng lượng này.
Ở cấp độ quốc gia, ngành công nghiệp này đang trải qua một giai đoạn suy thoái lớn do những hình ảnh xấu để lại trong dân chúng. Những người chống hạt nhân từ lâu đã có thể truyền đạt những ý tưởng của họ mà không vấp phải một sự kháng cự nào.
Trên bình diện châu Âu, nước Pháp đang tìm cách đấu tranh nhưng thật sự là rất phức tạp. Tất cả các nước láng giềng đều đã từ bỏ hạt nhân (Thụy Sĩ, Đức, Áo, …) Đây chính là một chủ đề đang gây chia rẽ và dẫn đến các liên minh ở cả hai phía. Nước Pháp đã thành công trong việc đưa hạt nhân vào bảng phân loại năng lượng xanh nhưng vẫn còn một số điểm cần phải làm sáng tỏ. Điều đó có nghĩa là cuộc chiến vẫn chưa phân thắng bại đối với Pháp.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Margot de Kerpoisson.