Cựu thủ tướng và người đương nhiệm đều không thể \’to hơn luật pháp nước Anh\’
- Hoàng Ngọc Anh
- Gửi đến BBC từ London, Anh Quốc
17 tháng 1 2022
Hàng năm, vào dịp năm mới Điện Buckingham lại công bố danh sách những người được phong tước hiệp sĩ và nhận huân huy chương.
Cuối 2021, danh sách Honour List của 2022 đã được phê chuẩn bởi Nữ hoàng Anh Elizabeth II, nêu tên cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, thuộc đảng Lao ̣động.
Không chỉ được phong hiệp sĩ – Sir Tony, ông còn được phong mời vào làm thành viên Thánh đoàn do Nữ hoàng là người lãnh đạo (The Order of the Garter – có từ thế kỷ 14). Đây là danh hiệu cao nhất trong sáu cấp bậc tước hiệu phong cho hiệp sĩ (knights).
Nhiều chính trị gia bày tỏ sự ủng hộ đối với cựu Thủ tướng Tony Blair, người làm thủ tướng Anh hai nhiệm kỳ, từ 1997 đến 2007.
Cụ thể người đứng đầu Đảng Lao động (Labour – hiện là đảng đối lập) hiện nay, Sir Keir Starmer cho rằng ông Blair là một \”thủ tướng rất thành công\” và \”đã tạo ra sự khác biệt to lớn cho cuộc sống của hàng triệu người dân ở đất nước này\”, theo các báo Anh.
Tương tự, một chính trị gia là thành viên của Đảng Bảo thủ (Conservative Party) của Southampton Itchen, cũng mô tả Tony Blair là \”Thủ tướng của Đảng Lao động thành công nhất trong lịch sử\”, và ủng hộ việc phong tước vị cho cựu thủ tướng, theo tờ Hampshirelive.
Tuy nhiên, sau khi cái tên Tony Blair được đề xướng, một làn sóng phản đối từ dư luận đã nổi lên mạnh mẽ, dẫn đầu trong làn sóng phản đối lần này là Angus Scott một người dẫn chương trình thể thao quốc tế đã làm đơn kiến nghị (petition) trên Change.org để hủy bỏ tước vị của cựu Thủ tướng Tony Blair, và hiện nay đã thu thập được hơn một triệu chữ kí.
Vậy đâu là nguồn cơn của những làn sóng trái chiều ập tới cựu Thủ tướng Tony Blair?
Để biết điều này, tất cả phần nào sáng tỏ khi lật lại những trang chính sách mà ông đã thực hiện trong những năm đương nhiệm.
Trong 10 năm đương nhiệm của mình, ông đã có cho mình những quyết sách mang đến kết quả tích cực cho nền kinh tế – tài chính của Anh nói chung và đời sống của người dân lao động nói riêng.
Cụ thể, dù Anh Quốc không tham gia vào khu vực đồng tiền chung châu Âu nhưng với việc kí kết Hiệp ước về Hiến chương Xã hội của Liên hiệp châu Âu (Treaty on European Union\’s Social Chapter), đã giúp người lao động tại Anh Quốc được hưởng nhiều quyền lợi hơn về các vấn đề như điều kiện làm việc, bình đẳng tại nơi làm việc, sức khỏe và an toàn.
Hay việc cho phép Ngân hàng trung ương Anh (Bank of England) đưa ra chính sách lãi suất không phụ thuộc vào tư vấn của chính phủ, góp phần làm cho Ngân hàng này độc lập và chủ động hơn, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị khi đưa ra điều chỉnh lãi suất, góp phần vào ổn định kiểm soát dòng tiền và lạm phát trong dài hạn tại Anh Quốc.
Mặt khác, vì dẫn dắt Anh vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cùng Hoa Kỳ, hình ảnh của ông Blair bị tổn hại lớn.
Không ít người cho rằng sự hy sinh vô nghĩa của người lính Anh ở hai chiến trường trên đã tạo nên làn sóng phản đối việc trao tước vị quý tộc – dù chỉ là hình thức cho cựu thủ tướng.
Thủ tướng bị lên án và Văn phòng Chính phủ bị điều tra
Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai trước Quốc hội vào ngày 12/1 vừa qua dưới sức ép của dư luận vì văn phòng làm việc của chính ông tổ chức tiệc ngoài trời với khoảng 30 người, trong thời gian toàn dân Anh Quốc đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa (lockdown) và giãn cách trên toàn quốc.
Hơn thế nữa, người phát ngôn của Văn phòng Phủ thủ tướng cũng đã phải gửi lời xin lỗi đến Nữ hoàng Anh, khi đã tổ chức hai bữa tiệc vào đêm trước đám tang của Hoàng tế Philip, chồng của Nữ hoàng, dù cho Thủ tướng Boris Johnson thì không có mặt tại đó khi ông đang nghỉ cuối tuần ở chỗ khác.
Chính phủ Anh hiện đang phải để một công chức cao cấp, bà Sue Gray, điều tra các tin báo chí nói Phủ Thủ tướng ở số 10 Downing Street, đã \”tiệc tùng liên miên, đôi khi chơi nhạc, nhảy nhót qua đêm\” giữa mùa dịch hồi 2020.
Giá trị từ tự do ngôn luận và báo chí
Sống tại Anh tuy chưa lâu tôi cũng nhận thấy tiếng nói của truyền thông, hay dư luận là cần thiết khi đòi lại sự công bằng và bình đẳng trong xã hội, góp phần nâng tầm văn minh của xã hội, để đạt được điều này thì tự do ngôn luận và tự do báo chí cần được luật pháp công nhận và bảo vệ.
Điều này đã và đang được thực hiện rất tốt ở Anh Quốc, khi báo chí tại đây được công khai tìm hiểu về bất kì ai, bất kì tổ chức nào và công bố các thông tin đến công chúng dù cho người đó đang giữ chức vụ nào hay địa vị ra sao ở Hoàng gia hay chính phủ Anh.
Đồng thời, mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm và thái độ của mình trước những vấn đề của xã hội. Ngay trong chính Đảng Bảo thủ hay Đảng Lao động đối lập (Labour Party), nhiều nghị sĩ đều kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson nên từ chức.
Không ai đứng trên pháp luật
Thực tế đã chứng minh không ai được quyền đứng trên pháp luật dù cho người đó có địa vị ra sao và chức vụ như thế nào.
Điển hình mới đây nhất, sau quyết định của thẩm phán Mỹ cho phép tiến hành phiên tòa dân sự đối với Hoàng tử Andrew, Nữ hoàng Anh đã tước bỏ tất cả các quân hàm danh dự, tước hiệu và quyền bảo trợ hoàng gia của Andrew, con trai thứ của bà.
Hoàng gia Anh công bố ông Andrew sẽ phải đối mặt với vụ kiện \”với tư cách cá nhân, như một thường dân\”.
Dư luận Anh cũng chú ý đến tin và các vụ việc xoay quanh tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic.
Báo chí viết anh đã bị trục xuất khỏi Úc không chỉ bởi vì không tiêm vaccine, mà còn vì những lời gian dối trong khai báo khi nhập cảnh vào Úc, dù cho anh đang là đương kim vô địch tại giải tennis Úc mở rộng – Australian Open cũng như nắm giữ kỉ lục 9 lần vô địch tại đây.
Thế nhưng phải thừa nhận rằng làn sóng của dư luận chỉ thực sự có giá trị khi sự thượng tôn pháp luật được công khai, công nhận và thực thi bằng cơ chế toà án, chứ không chỉ là chuyện lên tiếng chung chung trên mạng.
Sở dĩ, mọi người dân tại Anh có thể công khai tham gia kí vào bản kiến nghị không phong tước vị cho cựu Thủ tướng Tony Blair, hay các nhà báo hay chính trị gia có quyền đưa ra quan điểm của mình, bởi lẽ họ hiểu rằng sự an toàn và mọi quyền lợi hợp pháp của họ luôn được pháp luật bảo vệ.
Ở bất cứ đâu, thiếu tính thượng tôn pháp luật, đồng nghĩa với tự do báo chí, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt và các quyền cơ bản của công dân bị hạn chế.
Tôi thấy đã và đang nhiều nhà báo, nhà văn ở các quốc gia đang phát triển như Belarus, Việt Nam, hay trong chính quyền độc đảng như Trung Quốc không thể đưa ra quan điểm hay chia sẻ những thông tin một cách công khai.
Ví dụ, đại án tham nhũng tại công ty Việt Á gây chấn động dư luận trong nước Việt Nam nhưng những người đứng đầu chính phủ hay bộ trưởng y tế đều chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức và công khai hay có kế hoạch xử lý để tránh những vấn đề tương tự tái diễn.
Có lẽ vì dư luận chưa đủ lớn để lãnh đạo lo ngại, hoặc vì Việt Nam còn thiếu một cơ chế pháp lý để luồng dư luận có sức mạnh thực sự trong cuộc sống?
Bài thể hiện quan điểm riêng của Hoàng Ngọc Anh, người đang sống tại London, Anh Quốc.