Giải mã liên hệ kinh tế Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Giải mã liên hệ kinh tế Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Đăng ngày: 18/01/2022

Thanh Hà

Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một thách thức kép. Về đối nội, Ankara trực diện với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ 20 năm qua kèm theo là những hậu quả chính trị khó lường một năm trước bầu cử. Về đối ngoại, tổng thống Erdogan vừa bị thêm một vố đau : Kazakhstan, một lá chủ bài của Ankara tại Trung Á lệ thuộc nhiều hơn vào nước Nga.

Nhà nghiên cứu Tolga Bilener giảng dậy tại đại học Galatassaray, Istanbul, phân tích về đối thoại Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thêm phức tạp khi lợi ích của đôi bên chồng chéo lẫn lên nhau.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong cơn bão tố

Achentina thường giữ kỷ lục thế giới về lạm phát, nhưng vừa bị Thổ Nhĩ Kỳ soán ngôi. Theo thống kê của Ankara trong năm 2021, chỉ số này  tăng 36 %, cao gấp 7 lần so với dự phóng của chính phủ. Đồng tiền quốc gia mất giá gần 50 % so với đô la. Hóa đơn nhập khẩu do vậy tăng lên gấp đôi. 15 % dân số trong tuổi lao động thất nghiệp và theo giới quan sát Thổ Nhĩ Kỳ con số chính thức « thấp hơn nhiều so với thực tế ».  

Vào lúc mãi lực của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trung bình tuột dốc không phanh thì hóa đơn tiền điện tăng lên từ 52 đến 120 % (tùy theo hợp đồng), giá một lít dầu ăn tăng gần gấp đôi, giá một ổ bánh mì tăng thêm 54 %. Những khó khăn chồng chất đó xuất phát từ nhiều yếu tố : một là giá xăng dầu, nguyên liệu, nhu yếu phẩm trên thế giới tăng lên. Hai là Thổ Nhĩ Kỳ lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, mỗi năm phải chi ra gần 50 tỷ đô la để mua dầu khí của nước ngoài, chủ yếu là Nga. Việc đồng tiền quốc gia mất 50 % trị giá so với đô la là một tai họa.

Nguyên nhân thứ ba giải thích khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt : đang từ 20 tỷ đô la năm 2007 rơi xuống còn 5,5 tỷ đô la hồi 2020. Phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, Didier Billion nói đến một sự « sụp đổ » về tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế đối với chính quyền Erdogan càng lúc càng độc đoán – đặc biệt là kể từ sau cuộc đảo chính hụt năm 2016.

« Kinh tế trưởng Erdogan : một tai họa »

Nguy hiểm hơn nữa là chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đang « đi lầm đường ». Trong bài tham luận hôm 10/01/2022 Préoccupantes turbulences économiques en Turquie  -Những khuấy động kinh tế đáng lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ trên trang chủ của viện IRIS, Didier Billion không quên những yếu tố nhất thời làm suy yếu kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại. Đứng đầu trong số đó là những tác động dây chuyền Covid-19 dẫn tới. Nhưng tình hình đã trở nên nghiêm trọng do từ 2018 tổng thống Ergogan tập trung quyền lực kể cả trong lĩnh vực kinh tế. Tác giả bài viết nêu bật những « chỉ thị bất cập » mà tổng thống Recep Tayyip Erdogan áp đặt : từ quyết định giảm lãi suất chỉ đạo đến việc liên tục sa thải các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng quốc gia, thay thế bộ trưởng Tài Chính như thể giải pháp thay thế nhân sự đó là ngõ thoát hiểm, chấm dứt nạn lạm phát, chấm dứt hiện tượng đồng tiền quốc gia bị mất giá. « Một phần các chuyên kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, các tổ chức công đoàn, chính trị gia trong hàng ngũ đối lập liên tục chỉ trích chính sách kinh tế vô hiệu quả đó » nhưng nhà nghiên cứu Pháp, Didier Billion ghi nhận « mọi tiếng nói bất đồng đều đã bị gạt qua một bên ».

Ankara lệ thuộc hơn vào Matxcơva 

Vấn đề đặt ra là đến mùa xuân năm 2023 Thổ Nhĩ Kỳ bầu lại tổng thống và Quốc Hội. Đảng cầm quyền Công Lý và Phát Triển AKP cần lấy lại hào quang trong lòng cử tri. Một trong những chìa khóa tháo giữ bế tắc dường như đang được đặt tại nước Nga. Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Tolga Bilener giảng dậy tại đại học Galatassaray, Istanbul điểm lại quan hệ kinh tế mật thiết về kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Tolga Bilener : « Về khối lượng, tổng trao đổi mậu dịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên tục gia tăng từ thập niên 1990 : đang từ 4 tỷ đô la năm 1997, đã đạt tới 26 tỷ vào năm 2019 trước đại dịch Covid-19 và đương nhiên giao thương hai chiều bị sa sút do khủng hoảng y tế. Sau Đức, Nga là đối tác thứ nhì của Thổ Nhĩ Kỳ – nhưng lại đứng trước Trung Quốc. Matxcơva xuất khẩu năng lượng và mua vào nông phẩm ở chiều ngược lại. Cán cân thương mại nghiêng về phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ lệ thuộc vào khí đốt và dầu hỏa của nước ngoài mà Nga bảo đảm đến 30 % nguồn cung cấp. Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga xây dựng. Trong ngành du lịch, một lĩnh vực tương đương với 5 % GDP, 20 % du khách ngoại quốc là người Nga. Cuối cùng, vũ khí cũng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương : năm 2019 hợp đồng trang bị hệ thống tên lửa S400 của Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu đậm giữa chính quyền Ankara với các đồng minh phương Tây ».

Hiềm khích Nga – Thổ

Nhưng bang giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với nước Nga ngày nay hay với Liên Xô cũ và xa hơn nữa là giữa hai đế chế Ottoman và đế quốc Nga chưa bao giờ suôn sẻ. Chuyên gia Bilener nhắc lại là xung đột quân sự từng xảy ra 14 lần, từ thế kỷ thứ 16 đến Đệ Nhất Thế Chiến, bởi đôi bên có những quyền lợi đối chọi với nhau

Dưới thời Liên Xô cũ, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương năm 1952. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991 Nga và Thổ vẫn trong tư thế kình nghịch. Dưới thời tổng thống Vladimir Putin, Matxcơva muốn kiểm soát trở lại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và điều đó càng khiến xung khắc giữa đôi bên hằn sâu thêm.

Điều này được kiểm chứng tại vùng Kapkaz, trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, trong vùng Balkan hay ở Trung Đông. Còn liên quan đến Ukraina : Ankara không chấp nhận việc Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO bán drones cho Kiev. Dù vậy chính quyền Erdogan không về hùa với phương Tây để trừng phạt Nga xâm chiếm vùng lãnh thổ này của Ukraina.  

Tháng 11/2021 tại thủ đô Ankara, tổng thống Ergodan đã chủ trì lễ khai sinh Tổ Chức các Quốc Gia nói tiếng Thổ (Organization of Turkic States) hậu thân của Hội đồng các quốc gia nói tiếng Thổ. Tổ chức đó bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và 4 nước Trung Á, Azerbaïdjan, Kazakhstan, Kirghizistan và Uzbekistan.  Tolga Bilener đại học Istanbul phân tích vì sao Trung Á dù là sân sau của Nga, nhưng luôn là một vùng ảnh hưởng mà Ankara muốn nhắm tới :

Tolga Bilener : « Trung Á là một khu vực ưu tiên đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1991. Ankara đã rất hân hoan trước việc 5 quốc gia trong vùng giành được độc lập bởi do có một sự gần gũi về ngôn ngữ, về sắc tộc, lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Thổ Nhĩ Kỳ muốn lôi kéo khối này vào quỹ đạo của mình. Đương nhiên bên cạnh đó là những quyền lợi kinh tế : Ankara tìm kiếm những thị trường mới cho doanh nghiệp và muốn củng cố ảnh hưởng tại Trung Á, xem đó là bệ phóng mới, tạo thêm sức mạnh cho Thổ Nhĩ Kỳ. Giới lãnh đạo nước này từ thập niên 90 đã có tham vọng mở ra một thế giới thuộc ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trải dài từ vùng biển Adriatic đến tận Vạn Lý Trường Thành. Ankara muốn phát triển hệ thống các đường ống dẫn dầu và khí đối với các nước Trung Á. Hơn 4000 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động trong khu vực này, đồng thời Ankara mở rộng các mối quan hệ từ ngoại giao đến văn hóa, tôn giáo với các nước tại Trung Á. Tháng 11/2021 dưới sự vận động của chính quyền Erdogan, Tổ Chức Các Quốc Gia thuộc văn hóa Thổ đã được khai sinh nhưng khủng hoảng Kazakhstan vừa rồi đã cho phép Nga ghi được một bàn thắng quan trọng và phải nói là điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại ».

Do vậy trong cuộc khủng hoảng tại Kazakhstan khi chính quyền của tổng thống Tokaiev cầu viện Tổ Chức Hiệp Định Anh Ninh Tập Thể OTSC mà đứng đầu là Nga can thiện để « dẹp lọan, tái lập trật tự an ninh » : Ankara cảm thấy bị việt vị.

Tolga Bilener : « Kazakhstan là một lá chủ bài ở Trung Á, nhờ trọng lượng về địa lý, nhờ các nguồn dự trữ năng lượng, nhờ tầm cỡ lịch sử của quốc gia này. Tuy nhiên chưa bao giờ Thổ Nhĩ Kỳ lấn át được ảnh hưởng của Nga trong toàn khu vực Trung Á. Đó là chưa kể đến một đối tác mới vừa nổi lên gần đây là Trung Quốc. Thậm chí là quyền lợi về kinh tế của Bắc Kinh đối khu vực này bắt đầu đe dọa đến lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, Nga đóng vai trò sen đầm ở Trung Á, Trung Quốc là ông chủ ngân hàng, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ bị thu hẹp lại trên phương diện văn hóa và tôn giáo và rõ ràng là Ankara không đủ phương tiện kinh tế để thực hiện những tham vọng chính trị ».   

Lực bất tòng tâm

Nhưng những tham vọng chính trị đó bị hạn chế bởi những phương tiện tài chính eo hẹp. Chuyên gia Tolga Bilener, đại học Istanbul kết luận :

Tolga Bilener : « Chính những khó khăn kinh tế thường xuyên giới hạn tham vọng về chính trị của Ankara đối với khu vực. Cho dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực sưởi ấm bang giao, quan hệ song phương luôn bị những hiềm khích quá khứ tác động. Hiện tại quan tâm hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là khó khăn kinh tế, đồng tiền quốc gia mất giá 50 % từ đầu 2021 đến nay so với đô la và euro. Sức mua của người dân qua đó tuột dốc mạnh. Hơn thế nữa, là một quốc gia phải nhập khẩu dầu hỏa và khí đốt, hóa đơn năng lượng lại càng nặng thêm. Bình thường ra, mỗi năm Thổ Nhĩ Kỳ huy động 45 tỷ đô la để bảo đảm nhu cầu về năng lượng. Với tình hình hiện tại, giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao, Thổ Nhĩ Kỳ chịu chung luật chơi của thị trường. Các khoản nhập siêu và thâm hụt ngân sách càng thêm nghiêm trọng. Giới phân tích không loại trừ khả năng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự như hồi 2001 và chính khủng hoảng đó đã dẫn tới một sự thay đổi về chính trị ». 

Bài Liên Quan

Leave a Comment