Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 có một người Ông Tạ: Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư

Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 có một người Ông Tạ: Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư

Bởi AdminTD -17/01/2021

Cù Mai Công

17-1-2021

\"\"
HQ-4 Trần Khánh Dư. Ảnh: internet

0g đêm 16 rạng 17-1-1974, 25 tháng Chạp, còn vài ngày nữa là Tết. Khu Ông Tạ đang tràn ngập không khí đón Tết Giáp Dần 1974 thì một người Ông Tạ lặng lẽ cùng chiến hữu mình lướt sóng Biển Đông tiến ra Hoàng Sa: Hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư, Vũ Hữu San.

Ngày 19-1-1974 là 27 Tết. Bộ Ngoại giao VNCH khẩn cấp ra tuyên cáo số 015/BNG/TTBC/TT (xin giữ nguyên cách hành văn và quy cách chính tả của tuyên cáo thời điểm ấy):

“Sau khi mạo-nhận ngày 11-1-1974 chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa của VNCH, Trung-Cộng đã đưa Hải-Quân tới khu-vực Hoàng-Sa, và đổ-bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hoà và Duy-Mộng. Lực-lượng Hải-Quân Trung-Cộng gồm 11 chiến-đĩnh thuộc nhiều loại và trọng-lượng khác nhau, kể cả tàu loại Komar có trang-bị hỏa-tiễn.

Để bảo-vệ sự vẹn-toàn lãnh-thổ và nền an-ninh quốc-gia trước cuộc xâm-lăng quân-sự này, các lực-lượng Hải-Quân VNCH trấn-đóng trong khu-vực này đã ra lệnh cho bọn xâm-nhập phải rời khỏi khu-vực. Thay vì tuân-lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành-động khiêu-khích như đâm thẳng vào các chiến-đĩnh Việt-Nam.

Sáng ngày nay 19.1.1974, hồi 10 giờ 20, một Hộ-Tống-Hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai-hoả bắn vào Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư mang số HQ-4 của VNCH. Để tự-vệ, các chiến-hạm Việt-Nam đã phản-pháo và gây hư-hại cho Hộ-Tống-Hạm Trung-Cộng. Cuộc giao-tranh hiện còn tiếp-diễn và đang gây thiệt-hại về nhân-mạng và vật-chất cho cả đôi bên.

Các hành-động quân-sự của Trung-Cộng là hành-vi xâm-phạm trắng-trợn vào lãnh-thổ Việt-Nam Cộng-Hoà, và một lần nữa vạch-trần chính-sách bành-trướng đế-quốc mà Trung-Cộng liên-tục theo-đuổi, đã được biểu-lộ qua thôn-tính Tây-Tạng, cuộc xâm-lăng Đại-Hàn và Ấn-Độ trước kia.

Việc Trung-Cộng ngày nay xâm-phạm lãnh-thổ VNCH không những chỉ đe-dọa chủ-quyền và an-ninh của VNCH, mà còn là một hiểm-hoạ đối với nền hoà-bình và ổn-cố của Đông-Nam-Á và toàn thế-giới.

Với tư-cách một nước nhỏ bị một cường-quốc vô-cớ tấn-công, VNCH kêu-gọi toàn-thể các dân-tộc yêu-chuộng công-lý và hoà-bình trên thế-giới hãy cương-quyết lên án các hành-vi chiến-tranh thô-bạo của Trung-Cộng nhằm vào một quốc-gia độc-lập và có chủ-quyền để buộc Trung-Cộng phải tức-khắc chấm-dứt các hành-động nguy-hiểm đó.

Làm ngơ để cho Trung-Cộng tự-do tiến-hành cuộc xâm-lấn trắng-trợn này là khuyến khích kẻ gây-hấn tiếp-tục theo-đuổi chính-sách bành-trướng của chúng và sự hiện-diện này đe-doạ sự sống còn của những nước nhỏ đặc-biệt là những nước ở Á-Châu.

Trong suốt lịch-sử, dân-tộc Việt-Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại-xâm. Ngày nay, Chánh-phủ và nhân-dân VNCH cũng nhất-định bảo-vệ sự toàn-vẹn lãnh-thổ quốc-gia”.

… Xin đặt bối cảnh chưa rõ ràng của cuộc chiến đang diễn ra lúc đó và cả ý đồ chính trị lúc ấy để loại trừ những chi tiết về số tàu hai bên, bên nào khai hỏa trước trong tuyên cáo này.

Sau 47 năm, sự việc cụ thể đã tương đối rõ.

Chỉ biết rằng bốn tàu chiến của Hải quân VNCH tham gia trận hải chiến này thật sự không bất ngờ khi lâm trận. Sự việc diễn ra như một tất yếu sau khi Mỹ – Trung bắt tay năm 1972 để kiềm chế Liên Xô, ngăn chặn Liên Xô lập căn cứ hải quân trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 11-1-1974, tức 19 tháng Chạp năm Quý Sửu, chỉ bốn ngày nữa là đưa Ông Táo về Trời, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên đảo Hoàng Sa; đồng thời đưa nhiều tàu đánh cá có vũ trang và tàu chiến xâm nhập vùng đảo này.

Rõ ràng họ chọn thời điểm giáp tết để hành động không phải ngẫu nhiên. Bởi đây là tính toán của hệ thống “chóp bu” cao nhất của Trung Quốc lúc đó: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…

Kinh nghiệm lịch sử những năm gần đây cho thấy Trung Quốc thường chọn thời điểm mùa xuân, trước hoặc sau tết âm lịch để tấn công Việt Nam: 17-2-1979 (21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi), 14-3-1988 (27 tháng Giêng năm Mậu Thìn)…

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc tuyên bố cực lực bác bỏ, lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Cộng; đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân VNCH khẩn cấp đưa các chiến hạm ra đây.

Cụ thể, theo Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, “Ngày 15-1-1974, tuần dương hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt, hạm trưởng là trung tá Lê Văn Thự, được lệnh đưa địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam và nhân viên khí tượng ra Hoàng Sa để thay thế toán đang ở ngoài đó hết nhiệm kỳ”.

Ở đó, họ đã thấy vài thuyền cá của Trung Quốc. Đảo Quang Hòa đã có người Trung Quốc.

Trưa 16-1, HQ-16 lại thấy “một chiến hạm Trung Quốc xuất hiện trong vùng”.

Khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, hạm trưởng là trung tá Vũ Hữu San vừa tuần tiễu biển vùng 1 xong, đã vào bờ. Anh em trên tàu đang tính sẽ mua sắm Tết gì cho gia đình thì bất ngờ nhận thông tin khẩn cấp tiến ra Hoàng Sa. Trên tàu, ngoài 174 lính của tàu, còn có thêm một trung đội Biệt hải.

Tối 16-1, HQ-4 quay mũi tàu tiến ra Hoàng Sa. Trưa 17-1, HQ-4 có mặt cùng HQ- 16 tại đây.

HQ-4 là chiến hạm thuộc lớp hiện đại nhất thời điểm ấy của Hải quân VNCH. Trước đây, nó là tàu hộ tống USS Forster của Hải quân Mỹ từ 1944, năm 1971 bàn giao cho Hải quân VNCH. Tàu dài 93 m, rộng 11,15m, choán nước 1.590 tấn; vận tốc 22 hải lý/giờ (39 km/giờ); tàu có tầm hoạt động 16.900 km khi chạy ở tốc độ tiết kiệm 22 km/giờ.

HQ-4 có hai pháo 76 ly, một số súng 20 ly. Theo hồi ký ông Lữ Công Bảy, hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành hàng hải kiêm trưởng khối hành quân trên tàu HQ-4, hệ thống nạp đạn và bắn của hải pháo 76 ly điều khiển bằng điện. Thủy thủ đoàn 170 người.

\"\"
Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San. Ảnh: internet

Tối 17-1, HQ-10 Nhật Tảo và HQ-5 Trần Bình Trọng từ Đà Nẵng cũng tiến ra Hoàng Sa. Hạm trưởng HQ-5 là trung tá Phạm Trọng Quỳnh.

Hạm trưởng HQ-10 là thiếu tá Ngụy Văn Thà. HQ-5 là soái hạm (tàu chỉ huy) của chiến dịch Hoàng Sa nên có đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trận hải chiến này.

HQ-5 và HQ-16 tương tự nhau, cùng là tuần dương hạm; dài 94,72m, rộng 12,52m, choán nước 1.766 tấn (tối đa là 2.800 tấn), vận tốc tối đa 18 hải lý/giờ (34 km/giờ). Vũ khí trên tàu gồm một pháo 127 ly trước mũi; một pháo 40 ly đôi ở sân thượng phía trên khẩu 127 ly; hai khẩu 40 ly hai bên hông và hai khẩu 20 ly hai bên hông đài chỉ huy. Thủy thủ đoàn HQ-5 khoảng 200 người.

HQ-10 là hộ tống hạm, chiến hạm nhỏ nhất và yếu nhất của VNCH trong cuộc hải chiến. Nó vốn là tàu quét mìn của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1943, chuyển giao cho VNCH năm 1964; chỉ dài 56,24m, rộng 10m, choán nước 650 tấn, vận tốc tối đa 14 hải lý/giờ (26 km/giờ). HQ-10 có 1 pháo 76 ly ở phía mũi, 2 súng 40 ly hai bên hông, 4 súng 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy. Vận tốc tàu đã chậm, khi ra Hoàng Sa, HQ-10 đã hư một trong hai máy. Nhưng HQ-10 ra Hoàng Sa vì lúc đó nó gần Hoàng Sa nhất so với các tàu khác.

Theo nhiều ghi chép, do tàu nhỏ, yếu, hư một trong hai máy nên đêm 18-1, HQ-10 mới ra tới Hoàng Sa.

\"\"
12 tấm hình được chụp từ HQ-4

Tư lệnh Hồ Văn Kỳ Thoại “chỉ định trung tá Vũ Hữu San giữ chức vụ chỉ huy chiến thuật (OTC-officer in tactical command) phân đội hoạt động vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm HQ-16 và khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư”.

Trung tá Vũ Hữu San là con cả cụ Vũ Hữu Soạn, trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình).

TÌNH BẠN ĐẸP ĐẼ CỦA GIA ĐÌNH CÁC VỊ TÁ NGÕ CON MẮT, TRONG ĐÓ CÓ HẠM TRƯỞNG HQ-4 VŨ HỮU SAN – CON CỤ VŨ HỮU SOẠN

Đi từ đầu ngõ Con Mắt vào chừng 50m là gặp ngã tư chòi canh cháy (nay là trạm dân phòng). Đi tiếp chừng gần 100m, bên trái là nhà giò chả của diễn viên Tập ‘lùn’ (từng đóng nhiều phim “bất đắc dĩ” như “Triệu phú bất đắc dĩ” trước 1975). Cách nhà anh Tập hai căn là nhà cụ Soạn, rồi tới nhà Cụ Bùi Trọng Thúc, ba ông Bùi Đại Hưng (Hưng “điên”), ông nội MC Đại Nghĩa hiện nay.

\"\"
Gia đình 10 người con của ông bà cụ Soạn bên Mỹ sau 1975. Ông San, con trai cả đứng đầu, bên cạnh cha mẹ – Ảnh gia đình

Bên kia đường, cách ba, bốn nhà có nhà cụ Thuần, ba của trung tá VNCH Nguyễn Văn Nhã.

* Cụ Thuần với cụ Thúc là bạn thân từ hồi là sĩ quan Đông Dương, trong Quân đoàn Pháp chiếm đóng Thượng Hải, Thiên Tân bên Tàu. Thời cụ Thúc là quan hai cảnh sát (chef adjudant de la police de shanghai) trong vùng tô giới của Pháp thì cụ Thuần là quan một, thông-dịch viên Hán – Pháp cho nhà cầm-quyền Pháp tại thành phố Thiên Tân. Vậy nên cụ Thúc và cụ Thuần coi nhau anh em với nhau, giỗ chạp, tết nhất đều có nhau.

Cụ Soạn và cụ Thuần cũng là bạn bè thân thiết như anh em suốt từ lúc cùng đơn vị trong quân ngũ thời Liên bang Đông Dương. Khi cụ Thuần huấn luyện quân sự cho giáo dân Công giáo Khu tự trị Bùi Chu, gia đình cụ Soạn chạy lánh nạn chiến tranh đến đây, được cụ Thuần che chở, đùm bọc. Khi Quốc gia Việt Nam (tiền thân của VNCH) của Quốc trưởng Bảo Đại thành lập, cả cụ Thuần lẫn cụ Soạn là những sĩ quan đầu tiên.

Khi cụ Thuần tình nguyện học khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên ở Hà Nội, ra trường năm 1950 (thiếu úy trẻ nhất của Quân đội Quốc gia Việt Nam lúc đó – 17 tuổi) ra trường, phân công về Khu chiến Hưng Yên, cụ Soạn, lúc ấy là trung úy cũng đổi đến đó. Cùng đơn vị này còn có đại úy Nguyễn Văn Thiệu (sau là tổng thống VNCH), trung úy Cao Văn Viên (sau là đại tướng)…

* Cha Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San là cụ Vũ Hữu Soạn, vốn là cựu quân nhân, từng là trung tá trưởng Phòng 1 – Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH. Quê cụ ở huyện Gia Khánh, nay là Hoa Lư, Ninh Bình; cách nhà ông bà, cha mẹ tôi vài cây số.

Trước khi về ngõ Con Mắt, nhà cụ trong cư xá Sĩ quan Trần Hưng Đạo (Bộ Tổng tham mưu – nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ, Tân Bình) ít lâu. Ở đây, ra vào cổng bị kiểm tra an ninh thắt ngặt quá, gia đình cụ dời về ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình). Khu này lúc ấy còn sình lầy, mặt tiền nhìn ra cánh đồng rau muống An Lạc.

Cụ bảo vợ con: “Ở đây, không sang trọng, oai vệ bằng bên kia nhưng thoải mái, tự do; hàng xóm xung quanh lại toàn bà con ngoài Bắc mình”. Cụ vốn đạo Thờ Ông Bà, sau theo đạo Phật.

San, con trai cả cụ Soạn và Tụng, con trai kế cụ Thuần cùng tuổi và cùng học trường Chu Văn An. Hôm con trai cả cụ Thuần mất bên Mỹ, cụ Soạn lúc đó đã hơn 90 tuổi cũng từ Canada sang viếng.

Con trai cả cụ Thuần là trung tá Nguyễn Văn Nhã, cũng làm ở Bộ Tổng tham mưu; con trai thứ tên Tụng…. Chị Bùi Vũ, con gái cụ Soạn, em gái kế ông San bảo: “Gia đình cụ Thuần nghiêm cẩn. Các con đều học giỏi, sống đạo đức”.

Khi ông San lập gia đình, vợ trung tá Nhã sang phụ làm bánh cho đám cưới.

Quả là những tình bạn gắn bó nhau cả đời.

* Cách nhà cụ Soạn ít căn, bên trái là nhà ông bà cụ Lý Sóc, có hai con rể là đại tá, phó Lực lượng Đặc biệt VNCH Trần Khắc Kính và thiếu tá thiết đoàn trưởng Sư đoàn 18 Trần Khắc Nghiêm. Bên phải, cũng cách ít căn là nhà thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh, tự sát cả nhà 9 người chiều 30-4-1975.

Một cháu trai cụ Thuần lấy con gái ông Kính, tức cháu gái cụ Lý Sóc.

Đối diện xéo, cách ít căn, nhà cụ Lý Sóc là nhà thiếu tá Luận, có hai cô con gái. Một cô tên Ly, giỏi văn chương và là người chứng kiến, viết lại rõ nhất vụ tự sát 9 người của gia đình thiếu tá Đặng Sĩ Vĩnh.

* Ông bà cụ Soạn 10 con, cả 10 đều đều học hành giỏi giang, có học vị. Hải quân Trung tá Vũ Hữu San là con cả, vợ dạy Quốc gia Nghĩa Tử (nay là trường nghề Lý Tự Trọng).

Ông San giống tính bố: cứng cỏi, cương trực; sống thanh bạch, không uống rượu, hút thuốc và không bao giờ “ăn bẩn”.

Em gái ông San là bà Bùi Vũ bảo: “Anh San rất règle (mực thước), không có ngoại lệ, phải nói là vì kỷ luật Hải quân là như thế. Tuy vậy anh ấy lại là người con trai trưởng rất gương mẫu, chưa bao giờ bị cha mẹ phải la mắng lấy một lần. Đứa con thứ nhì bị thành kiến nói là ương ngạnh khó dạy bảo nhất là tôi nhưng cũng không dám hó hé một tiếng với anh San. Chín đứa em đều kính nể ông anh cả, không đứa nào dám cãi anh San”.

Cũng theo bà Bùi Vũ, tết nhất, gia đình chỉ lo chuyện cúng gia tiên, mừng tuổi cha mẹ, lì xì con cháu; chưa bao giờ ăn tết linh đình… Ông San là con cả càng gương mẫu, ăn uống thường sơ sài theo câu “ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Cả đời hình như ông San chưa tỏ ý thích món ăn nào cả và ăn gì cũng không bao giờ ăn nhiều; có lẽ ông nghĩ rằng chỉ ăn no 70 – 80% thôi để thân thể được nhẹ nhõm thảnh thơi và sống lâu như cha mẹ.

(Ông cụ Soạn mới mất 2018, 104 tuổi. Bà cụ Soạn hiện đã 106 tuổi, còn khỏe, mình mẫn, đọc sách báo không càn kính).

Trước 1975, có dịp tết cụ Soạn ghé nhà tôi gặp ba tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu. Lúc đó tôi còn con nít nên chỉ nhớ mài mại là cụ Soạn nghiêm nhưng vui vẻ; nói chuyện rổn rảng.

Trong gia đình, như cha, ông San lấy vợ rồi là một đời chung thủy, dù tính ông vốn nóng, cái gì ra cái đó. Khi nguy khốn, như trong Hải chiến Hoàng Sa, tính cách đó bộc lộ rất rõ.

TRƯỚC 6 GIỜ SÁNG 19-1

Quần đảo Hoàng Sa gồm 130 đảo san hô, mỏm đá ngầm và bãi cát nằm rải rác trên 5.800 dặm vuông trên Biển Đông, cách gần đều cảng Đà Nẵng của Việt Nam (200 hải lý) và đảo Hải Nam của Trung Quốc (162 hải lý). Diện tích của toàn quần đảo (chỉ tính mặt đất) khoảng 3 dặm vuông. Hầu hết các đảo hợp thành nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group) về phía đông bắc và nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm (Crescent Group) về phía tây, cách nhau khoảng 39 hải lý. Đảo Phú Lâm (Woody island) thuộc nhóm An Vĩnh lớn nhất trong các đảo thuộc Hoàng Sa, có diện tích khoảng hơn 5km2 (530 hecta).

VNCH tiếp quản nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm từ năm 1954. Trung Quốc kiểm soát nhóm đảo An Vĩnh và đảo Phú Lâm vào năm 1956. Năm 1959, với hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, ngư dân Trung Quốc từng đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan) nhưng Hải quân VNCH đã đuổi họ đi.

… Trong hồi ký của mình, đại tá Hà Văn Ngạc viết: “Soái hạm HQ-5 đến lòng chảo Hoàng Sa (lúc 15g chiều 18-1) đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên cường trấn giữ các đảo Hữu Nhật (Robert), Quang Ảnh (Money), Duy Mộng (Drummond). Phía đảo Quang Hòa, tàu Trung Quốc đang lờn vờn bên ngoài (tất cả thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm/Lưỡi Liềm)”.

Thực tế ngay sau đó, lực lượng Trung Quốc đã đổ bộ phía Bắc đảo Quang Hòa.

Đêm 17 rạng 18-1, hai bên đã đấu khẩu nhau, cùng xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa. Sáng 18-1, HQ-4 dùng mũi tàu ủi thẳng tàu cá 407 khi trên tàu lố nhố “ngư dân” có đủ thượng liên, AK-47. 407 bỏ chạy. Bên kia, HQ-16 cũng quyết liệt đuổi tàu cá vũ trang 402.

Chiều 18-1, ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 tiến về đảo Quang Hòa. Hai tàu 271, 274 cản đường. Các tàu tạm lui về nhóm đảo Hoàng Sa. Suốt đêm 18 rạng 19-1, các tàu Trung Quốc vẫn cứ lởn vởn quanh đảo Hoàng Sa.

Tính hạm trưởng San vốn quyết liệt, ông yêu cầu anh em HQ-4 phát còi hơi vang động và rọi đèn hồ quang chói rực vào các tàu Trung Quốc khiến họ buộc phải rút.

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ VN”.

23g30 đêm 18-1, đại tá Hà Văn Ngạc gửi điện thượng khẩn đến các hạm trưởng: “Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa, sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên đảo…”.

Chưa bên nào nổ súng. Nhưng tình hình hết sức căng thẳng suốt đêm 18-1.

3g sáng 19-1, Hạm trưởng San yêu cầu hạ sĩ quan giám lộ Lữ Công Bảy kéo chiến kỳ lên đỉnh cột cờ. Chiến kỳ ngang 20cm dài 15m tung bay – như một thái độ.

CHÍ KHÍ VIỆT LẪM LIỆT TRONG HẢI CHIẾN HOÀNG SA

6g sáng 19-1, hải đoàn VNCH chia làm hai phân đoàn: phân đoàn Một gồm hai tàu tốt nhất HQ-4, HQ-5 đổ bộ các nhóm biệt hải, hải kích tái chiếm đảo Quang Hòa (HQ-4 chỉ huy); phân đoàn Hai gồm HQ-10, HQ-16 yểm trợ hải pháo, ngăn chặn tàu địch (HQ-16 chỉ huy).

Theo thượng sĩ giám lộ tàu HQ-4 Lữ Công Bảy, “Khi đến gần đảo Quang Hòa, bằng ống dòm và mắt thường, chúng tôi phát hiện doanh trại mới toanh có cờ Trung Quốc. Ở phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc đổ bộ ào ạt lên. Chúng núp sau các tảng đá chĩa súng vào các biệt đội… Và rồi quân Trung Quốc đã nổ súng. Lúc 8g30, đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình nhóm hải kích VN. Họ đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm. Hai binh sĩ VNCH tử thương, hai bị thương”.

Phía Trung Quốc nổ súng trước!

Phía VNCH đã có những người lính Việt đầu tiên hy sinh.

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San yêu cầu: Tất cả sĩ quan, binh lính sẵn sàng quân trang, quân dụng chiến đấu với nón sắt, áo giáp, áo phao, giày không cột dây…

9g15. Hai bên phát tín hiệu tiếp tục đòi chủ quyền. Theo hồi ký của ông Bảy, lúc ấy hạm trưởng San tức giận, “đỏ mặt quát ầm ĩ và đưa nắm đấm sang hướng tàu địch tỏ vẻ căm giận. Ông ra lệnh cho chúng tôi không nhận tín hiệu nữa và thốt lên: Bọn bố láo”.

Đúng kiểu nói Bắc 54.

Khoảng gần 10g, đại tá Ngạc muốn pháo lên đảo để hỗ trợ việc tiếp tục đổ bộ. Hạm trưởng San không thống nhất chuyện này. Lúc đó, theo ông Bảy, “Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp nghe xuống sàn đài chỉ huy chiến hạm. Ông phân bua với thuộc cấp trên đài chỉ huy: Mấy thằng kia nó để cho mình yên à”. Vì theo ông, “Muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển rồi sau đó mới tính đến việc đổ quân. Hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng tới giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được”.

Ông San nói: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng chuyện này hết sức vô lý”. Rồi ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch”, không chấp hành lệnh bắn vào bờ.

Thông tin liên tục báo ngay về Trung tâm hành quân ở Đà Nẵng. Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại phát quân lệnh: “Tùy nghi khai hỏa!”.

* 10g20 sáng lịch sử 19-1-1974, đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy hải chiến phát lệnh: “Khai hỏa!”.

Bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 rùng rùng tác xạ mãnh liệt vào các tàu chiến Trung Quốc.

Soái hạm HQ-5 bắn trúng Kronstadt 274 ngay loạt đạn đầu tiên. Nó lảo đảo và phản pháo nhưng không gây thiệt hại cho HQ-5.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng HQ-4 là soái hạm nên cả hai tàu Kronstadt 271, 274 đều tập trung vào đây.

Hồi ký của ông Bảy ghi: “Như đã chuẩn bị trước, Hạm trưởng San ra lệnh “bắn”, đồng thời ông cũng ra lệnh (lúc đó máy tàu đang ở vị trí stop) hai máy tiến full (bỏ qua thông lệ tiến 1, tiến 2, tiến 3); hết tay lái sang phải. Chiến hạm chồm lên phía trước và nghiêng mình sang phải nên đã tránh được loạt đại bác đầu tiên của địch.

Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa. Hạm trưởng San ra lệnh hai máy tiến blanch hết tay lái sang trái, chiến hạm chạy uốn lượn như con rắn, hết phải rồi hết trái tránh được đạn đại bác của địch. Đạn nổ, âm thanh hỗn độn, các cột nước bốc lên chung quanh tàu, tiếng đạn rít lên sau thân tàu, trước mũi tàu, mạn trái, mạn phải ù… vèo vèo… ầm”.

Năm 2014, kể lại giây phút ấy với báo Tuổi Trẻ, trung úy Roa, người có mặt trên đài chỉ huy HQ-4 cho biết: Chính nhờ hạm trưởng San cho tàu vận chuyển linh hoạt nên tránh được một trái pháo của tàu đối phương bắn vào đài chỉ huy, tuy nhiên nó lại bay vào ống khói. Mảnh đạn văng vào đài chỉ huy trúng ngay chân trung úy Roa. Các mảnh đạn khác cũng phá sụp chân màn hình radar làm nó không hoạt động. Tuy nhiên, trung úy Roa vẫn trụ vững ở vị trí theo dõi tàu địch. Dây liên lạc sĩ quan hải pháo với các khẩu đội đã bị mảnh đạn cắt đứt, không liên lạc được.

Phía bên kia, trong làn đạn 76,2 li của HQ-4 Trần Khánh Dư, chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn bốc cháy dữ dội.

Xạ thủ 85 ly của tàu Trung Quốc Vương Tuấn Minh, trên Ordinance (tờ báo nghiên cứu vũ khí của Trung Quốc) kể: “Lúc 271 và 274 cận chiến với HQ-4, chính ủy và hạm phó tàu anh (274) bị bắn chết. 274 không điều khiển nổi. Còn soái hạm 271 trúng đạn, Tằng Đoan Dương chết…”.

Ở phân đoàn 2, theo hạm trưởng Lê Văn Thự, HQ-16 “quay ngang tàu đưa phía hữu mạn của tàu hướng về ba tàu Trung Quốc. Với lợi thế là sử dụng được tối đa hỏa lực nhưng cũng có bất lợi là hứng đạn nhiều hơn”. Các khẩu pháo của HQ-16 bắn liên tục.

Thật kỳ diệu, dù là tàu nhỏ nhất, lại hư một máy, nhưng ngay sau lệnh khai hỏa, các khẩu đội pháo trên chiếc HQ-10 Nhật Tảo cũng trực xạ vang rền.

Trục lôi hạm 389 của Trung Quốc phát nổ, bốc cháy. Trục lôi hạm 396 gần đó cũng trúng đạn, hệ thống lái bị hư hại toàn toàn. Nó liêu xiêu trên biển.

Các báo cáo của Hải quân Trung Quốc sau đó cũng thừa nhận hai chiến hạm 389 và 396 của mình đã trúng đạn ngay từ phút đầu: “Trong lúc chiếc hộ tống hạm HQ-10 bị trọng thương, trục lôi hạm 389 cũng bị chiến hạm Việt Nam bắn hư hại nặng. Đài chỉ huy hoàn toàn bị tiêu hủy. Thủy thủ đoàn nhiều người chết, bị thương. Hầm chứa đạn bị bắn thủng một lỗ lớn… Hầm máy cũng bị bắn trúng nên cháy dữ dội khiến tàu vô nước, bị nghiêng, không còn dưỡng khí khiến cơ khí phó và năm cơ khí viên tử thương tại chỗ”.

Tuy nhiên, ngay tình thế đang áp đảo, khẩu đội pháo chính phía trước chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo lại kẹt đạn. Khẩu 20 li đôi cũng kẹt đạn do bắn dồn dập. Máy tàu yếu khiến tàu không xoay chuyển kịp để dùng pháo phía sau. Trong nhật ký trận Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách khẩu 20 li và cối 81 li phía sau tàu, kể đang lúc ác liệt thì đến khẩu 20 li đôi cũng kẹt đạn.

Cả hai trục lôi hạm 389 và 396 của Trung Quốc tận dụng cơ hội này trả đũa. Chuẩn úy Tất Ngưu kể ông và đồng đội đang cố gắng tác xạ phía sau thì bất ngờ nghe tiếng rầm. HQ-10 Nhật Tảo và chiếc 389 đụng nhau. Từ đài chỉ huy, đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí dùng súng M16 bắn xối xả sang tàu đối phương. Có người cho rằng vì cả hai máy tàu lúc này đều bị bắn hư nên chúng tự trôi vào nhau…”.

Tàu HQ-16 cũng trúng đạn ở hầm đạn 127 li phía trước mũi nên nước biển tràn vào mỗi khi tàu chúc xuống. Tàu bị nghiêng dần sang một bên. Hỏa lực chính hết tác xạ được, mất khả năng chiến đấu. Trung tá Thự cho tàu tạm lùi khỏi lòng chảo Hoàng Sa.

Tàu chiến hai bên đều tơi tả. Đến lúc này, số thương vong hai bên ngang ngửa nhau. Cách đó vài chục hải lý, hai tàu chống ngầm 281, 282 còn nguyên vẹn lực lượng, khí tài quân sự đang tiến sát khu vực chiến sự. Hàng chục tàu khác từ đảo Hải Nam được chuẩn bị tư trước cũng sẵn sàng tiến ra.

Các tàu VNCH được lệnh triệt thoái.

Trong khu vực hải chiến chỉ còn lại tàu HQ-10 Nhật Tảo không còn khả năng di chuyển. Thân tàu chi chít vết đạn. Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà trúng thương ngay cổ đã hy sinh lẫm liệt ngay trên tay lái tàu.

\"\"
Thiếu tá Ngụy văn Thà và Đại úy Nguyễn Thành Trí. ẢNh: internet

Đại úy hạm phó Nguyễn Thành Trí kêu anh em lên boong, yêu cầu rời tàu. Ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí nhớ lại: “Một số anh em như Lê Văn Tây, Ngô Văn Sáu… nhất quyết đòi ở lại với tàu. Đó là những người đã bị thương nặng và cả một số pháo thủ chưa bị gì”.

“Thôi, chiến hữu xuống bè đi, để chúng tôi ở lại” – họ vừa nhắn nhủ lời chia tay vừa xem cơ số đạn còn lại.

Trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách các khẩu đội pháo phía sau chiến hạm Nhật Tảo, kể ông là một trong những người nhảy xuống biển sau cùng. Trước khi nhảy, ông gọi hạ sĩ Lê Văn Tây rời tàu. Viên hạ sĩ này trả lời dứt khoát: “Tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Tàu”.

Hai tàu chống ngầm 281, 282 đã đến, bắn xối xả trả thù vào chiếc Nhật Tảo. Đứng từ đảo Hữu Nhật, trung sĩ Trịnh Văn Quý, thuộc nhóm đổ bộ của HQ-4 đã chứng kiến cảnh chiếc Nhật Tảo oằn mình dưới lửa đạn của hai tàu chiến Trung Quốc mới đến còn nguyên vẹn.

Thật kỳ lạ, đến 8g sáng 20-1, trung sĩ Trịnh Văn Quý mới thấy Nhật Tảo chìm hẳn, gần đảo Hữu Nhật.

Những người lính Việt trên HQ-10 Nhật Tảo chỉ còn 21 người. Chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa cùng hạm trưởng Ngụy Văn Thà, hạm phó Nguyễn Thành Trí và anh em binh sĩ của mình. Họ đã sống những giây phút cuối cùng bi tráng, lẫm liệt vì Tổ quốc, Dân tộc Việt.

TRUNG QUỐC 6, 8, 11 HAY 40 TÀU?

Tuyên cáo ban đầu của Bộ Ngoại giao VNCH, phía Trung Quốc có 11 tàu.

Trong khi đó, tất cả các ghi chép sau này của người trong cuộc chỉ ghi nhận đối đầu trực tiếp với 4 tàu chiến VNCH trong hải chiến là 6 tàu Trung Quốc. Cụ thể là 2 tàu 271, 274 chống ngầm hạng nhẹ nhái lớp Krondstadt của Liên Xô, 274; 2 tàu 389, 396 quét thủy lôi nhái tàu lớp T-43 của Liên Xô và 2 ngư thuyền 402, 407 chở đầy lính ngụy trang.

Tuy nhiên, do đã tính toán từ trước, ngay khi trận chiến kết thúc, chỉ ít lâu sau, 2 tàu chống ngầm 281, 282 đã có mặt và bắn chìm HQ-10 khi nó vật vờ trên biển và hầu hết lính trên tàu đã rời tàu. Nghĩa là nếu trận chiến tiếp tục thêm, hai tàu này rõ ràng có mặt ngay.

Theo BBC Tiếng Việt, một tài liệu của CIA ngày 21-1-1974 sau này công bố nhận định Trung Quốc “rõ ràng đã có chuẩn bị” cho diễn biến này.

Trong bất kỳ một cuộc chiến nào, việc chuẩn bị lực lượng dự bị sẵn sàng tiếp viện, hỗ trợ cho một trận đánh, một chiến dịch là điều đương nhiên và bắt buộc của các nhà cầm quân.

Sự chuẩn bị ấy ra sao? Năm 2017, Carl O. Schuster, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ 25 năm công tác, với những năm cuối cùng phục vụ trong ngành tình báo quân sự; tham gia giảng dạy chương trình Ngoại giao và Khoa học Quân sự tại Hawaii Pacific University cho biết:

(Do e ngại Sài Gòn sẽ tăng cường quân cho các đồn còn lại trên các đảo, một hạm đội đã lên đường ngay trong ngày 19-1) “1 tàu khu trục (Nam Ninh), 5 tàu phóng lôi, và 8 tàu tuần tra loại nhỏ. Được tổ chức thành 3 đội tàu đổ bộ và vận tải, các tàu này chở 500 lính thuộc 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội dân quân và 1 nhóm trinh sát vũ trang. Tàu Nam Ninh, vốn là một tàu hộ tống của Nhật trước đây là soái hạm của đợt tăng cường này”.

Tổng lực lượng này là 14 tàu. Cộng với 8 tàu vừa hải chiến là 22 tàu. Với “truyền thống biển người” quen thuộc của mình, chúng ta không lạ điều này.

Và khi kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa của VNCH đang chuẩn bị, theo ông Theo ông Nguyễn Thành Trung, khi đó là trung úy phi công Không lực VNCH, có khoảng 40 tàu cỡ nhỏ ở Hoàng Sa. Trên báo Thanh Niên ngày 10-1-2014, ông Trung cho biết: Ngay sau hải chiến, “máy bay do thám RF-5A được điều ra Hoàng Sa để chụp ảnh. Hình ảnh thu được cho thấy Trung Quốc tập trung tàu quanh Hoàng Sa khá nhiều. Chúng tôi cho phóng to hình ảnh ra và được chỉ huy đơn vị tập trung hết 120 phi công lại nghe thuyết trình. Chúng tôi đếm từng chiếc tàu một, thậm chí số hiệu tàu chúng tôi cũng đọc được. Các phi công đếm được khoảng 40 tàu, xác định được vị trí và hướng di chuyển của số tàu đó”.

Ông Trung khẳng định: ““Các phi đoàn phải làm sạch, nhấn hết xuống biển và tôi đảm bảo là 100% sau một ngày tất cả 40 chiếc tàu đó không còn chiếc nào sống sót. Máy bay mà đánh tàu thì quá dễ, tàu nó chạy chậm, tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ thì không có cách nào trốn được”.

Trước đó bốn ngày, trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-1, ông Trung kể: “Chuẩn bị cho trận đánh tái chiếm Hoàng Sa với tinh thần “Trân Châu cảng” vừa khẩn cấp vừa náo nức. Trước ngày vào chiến dịch, tất cả anh em phi công của các phi đoàn F-5 đều ký dưới lá đơn “Xin được chết cho Hoàng Sa”.

Khi tất cả các phi đoàn F.5 được lệnh tập trung ở Đà Nẵng, người Mỹ vẫn chưa biết đến kế hoạch này. Nhưng chuẩn bị đến giờ G thì kế hoạch đã bị chặn lại. Cũng như trước đó, hạm đội 7 của Mỹ vẫn án binh bất động không hề có một động thái nào để cứu giúp binh sĩ VNCH.

Tất cả hào khí háo hức, sự chuẩn bị chu toàn của anh em nhằm đánh một trận “sạch không kình ngạc” chiếm lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc bỗng chốc tan thành mây khói từ “lệnh của trên”.

Theo BBC Tiếng Việt, từ giải mật của CIA, ngày 28-1-1974, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi điện cho tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, nói rằng có một bản tin của UPI viết các tàu chiến Nam Việt Nam đã “bao vây” Hoàng Sa, sau khi đã bị mất đảo về tay Trung Quốc.

Bức điện nói “lo lắng sâu sắc về rủi ro phía Việt Nam bày tỏ giận dữ về Hoàng Sa bằng hành động quân sự phi lý với Trung Quốc”. Bức điện yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn “kiềm chế” chính quyền VNCH.

Trên BBC Online ngày 14-1-2014, Hoàng Đức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí, thư ký và cũng là cháu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhà ở Ông Tạ (khu cư xá Ngân Hàng, đối diện trường Ngô Sĩ Liên hiện nay), khẳng định: “Hoa Kỳ đã có sự thông đồng với chính quyền Bắc Kinh khi đó và đã làm ngơ trước hành động của Trung Quốc”.

“CON ĐÃ LÀM HẾT SỨC MÌNH, VẬY LÀ ĐƯỢC RỒI”

Sau Hải chiến Hoàng Sa, Phó đề đốc VNCH Lâm Ngươn Tánh xuống thăm HQ-4, xem chiến hạm thiệt hại ra sao. Khi đó, nước các hầm đáy tàu vẫn còn chảy ra khá nhiều từ những lỗ thủng quanh chiếc khu trục hạm Trần Khánh Dư này.

Tướng chỉ huy phía Trung Quốc trong hải chiến này là Ngụy Minh Sâm đã huy động hai tàu 271, 272 tập trung hỏa lực vào HQ-4 do nghĩ nó là soái hạm (tàu chỉ huy). Thân tàu HQ-4 chi chít vết đạn nhưng nó vẫn tự lực về Đà Nẵng, thậm chí còn dìu một tàu bạn.

Đó có thể là lý do Ngụy Minh Sâm không được đề bạt, phải giữ nguyên chức vụ (phó) như cũ, sống và chết trong im lặng ở tuổi 88 vào năm 2007. Văn bản phía Trung Quốc ghi: “Tây Sa (Trung Quốc gọi Hoàng Sa là Tây Sa) hải chiến, tiền tuyến tổng chỉ huy Ngụy Minh Sâm tướng quân, 1937 niên 10 nguyệt tham gia Bát lộ quân, Tây Sa hải chiến hậu một hữu đắc đáo đề bạt, đáo ly hưu thì y nhiên thị phó quân chức” (tổng chỉ huy Tây Sa hải chiến Ngụy Minh Sâm tháng 10-1937 tham gia Bát lộ quân. Sau Tây Sa hải chiến, đến lúc về hưu vẫn phó quân chức”.

Ngày 20-1-1974, khi về tới bến, hạm trưởng HQ-4 Trần Khánh Dư Vũ Hữu San phát biểu khi được hỏi cảm tưởng về trận hải chiến: “Đây là dịp để HQ-4 chúng ta đánh đấm Tàu Cộng hả hê luôn!”.

Hạm phó HQ-4 Nguyễn Thành Sắc nói cụ thể: “Hôm qua đụng trận, ba chiếc tàu Trung Cộng cứ cùng nhắm bắn vào tàu tôi vì tưởng chiếc khu trục hạm HQ-4 này là O.T.C (tàu tổng chỉ huy). Họ vận chuyển chiến thuật cách khoảng chừng 1.000 yard (0,9144m; 1.760 yard là một dặm biển/hải lý – mile) và khi bị tàu mình bắn cháy thì nó tuôn khói màu mù mịt. Nó chơi chiến thuật “hỏa mù” mà. Được hỏi về tinh thần chiến đấu của nhân viên, hạm phó cho biết là rất khá và cũng vì họ căm thù bọn Tàu Cộng qua mấy lần bị chúng khiêu khích. Cho nên khi lệnh khai hoả vừa ban ra chưa dứt thì đạn đã bay vào tàu địch rồi!”.

Sau hải chiến, về nhà thưa trình với cha, cụ Vũ Hữu Soạn. Người cha vốn nghiêm cẩn trong giáo dục con cháu và cũng từng “vào sinh ra tử” trên chiến trường bao nhiêu năm chỉ nói gọn: “Con đã làm hết sức mình, vậy là được rồi “.

VÀI NÉT VỀ VỊ HẠM TRƯỞNG DÂN ÔNG TẠ

Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San, sinh năm 1940 ở Đái Nhân, Hoa Lư, Ninh Bình; hồi nhỏ học các thầy Tăng, Cao, Ngọc ở làng Cối, Nho Quan. Vào Nam, học Chu Văn An, rồi theo ban toán các trường đại học ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế; tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang (hai ngành chỉ huy, cơ khí) và Trường Chỉ huy Tham mưu Đà Lạt.

\"\"
Ông cụ Soạn mới mất 2018, 104 tuổi. Bà cụ Soạn hiện đã 106 tuổi. Ông San đứng giữa, hàng sau – Ảnh gia đình

Ông là hạm trưởng nhiều chiến hạm, chiếc cuối cùng là hạm chủ-lực của Hải quân VNCH: khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư.

Sau 1975, ở nước ngoài, khi đã gần 40 tuổi, ông vẫn tốt nghiệp cử nhân cơ khí, theo học Post Graduate School để thành chuyên gia tin học.

Thỉnh thoảng, rất bất ngờ và thú vị khi ông cộng tác với giáo sư Nguyễn Khắc Kham về văn hoá. Và khi đã cao tuổi, ông vẫn viết hàng loạt sách có giá trị về hàng hải, ghe thuyền và văn hóa nước của người Việt:

– Lược sử tổ chức Hải quân VNCH.

– Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa & Trường Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).

– Vịnh Bắc Việt & chủ quyền hải phận.

– Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (đã xuất bản ở Việt Nam).

– Sơ lược hải sử và thủy quân nước ta.

– Văn hóa nước.

– Chiến hạm và chiến đĩnh VNCH.

– Ghe thuyền Việt Nam…

Lời cuối: Toàn bộ hình ảnh về Hải chiến Hoàng Sa mà chúng ta thấy hôm nay được chụp từ HQ-4, theo chỉ đạo của Hạm trưởng Vũ Hữu San với anh em trên tàu. Đến giờ chưa rõ ai là tác giả thực hiện chỉ đạo này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment