Những hạn chế của Liên minh 25 năm giữa Trung Quốc và Iran
Đăng ngày: 18/01/2022
Chi Phương
Chuyến thăm của ngoại trưởng Iran đến Trung Quốc vào tuần trước để triển khai thỏa thuận chiến lược 25 năm được ký kết vào năm 2021, khiến công luận lo ngại về việc một liên minh mới được thành lập. Tuy nhiên, các hành động mập mờ của Bắc Kinh cho thấy nước này không tính đến việc quá thân với Iran.
RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài phân tích của William Figueroa, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Iran tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của đại học Pennsylvania Hoa Kỳ, đăng trên trang báo The Diplomat, ngày 17/1/2022.
Gần đây, những tiến triển trong quan hệ Trung Quốc – Iran đã khiến công luận xôn xao, sau cuộc đàm phán về một liên minh mới giữa hai quốc gia này. Có thể nói, đây là một sự “chuyển hướng” của Trung Quốc đối với Iran, gây mất ổn định khu vực và đe doạ lợi ích của Hoa Kỳ. Trong cuộc đàm phán mới nhất ở Vienna, nhằm khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hay còn gọi là Thoả thuận hạt nhân Iran, Trung Quốc được cho là có những biểu hiện tích cực hơn. Trong khi đó, quốc gia này lại tăng cường nhập khẩu dầu từ Iran và đưa ra những luận điểm ủng hộ quan điểm của Iran đối với Hoa Kỳ. Giữa những căng thẳng nêu trên, vào ngày 14/1, ngoại trưởng Iran, ông Hosein Amir-Abdollahian đến thăm Trung Quốc để trao đổi về kế hoạch thực hiện Thoả thuận hợp tác chiến lược 25 năm Iran-Trung Quốc, được ký kết vào năm 2021. Mặc dù chỉ đề cập đến các chi tiết cụ thể, những bình luận của ngoại trưởng Iran nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại, an ninh, và đối phó với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc-Iran không phải là không có những hạn chế đáng kể. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi có thể sẽ buộc phải “hướng Đông” sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục nhìn về nhiều hướng cùng một lúc. Trung Quốc có quan hệ trọng yếu với Ả Rập Xê Út, Israel và một số nước láng giềng khác và cả với các đối thủ trong khu vực của Iran. Các quốc gia này không hoàn toàn “lạc nhịp” với quan điểm của Mỹ về vũ khí hạt nhân của Iran. Những đóng góp của họ vào các cuộc đàm phán ở Vienna phản ánh điều này. Trung Quốc coi Iran chỉ là một phần của chiến lược lớn hơn về những cam kết toàn cầu và phát triển kinh tế và nhất là không bỏ hết trứng vào cùng một giỏ.
Những tiến triển sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược
Sau khi hai quốc gia ký kết thỏa thuận “25 năm hợp tác Iran-Trung Quốc” vào tháng 3 năm 2021, những dự đoán về dòng vốn đầu tư lớn của Trung Quốc cũng như các hợp tác quân sự và chính trị quan trọng được đưa ra. Cho đến nay, những dự đoán này đã không thành hiện thực. Trung Quốc vẫn tiếp tục mua lượng dầu kỷ lục từ Iran nhưng lại không đầu tư vào sản xuất hay các hoạt động khác. Các giao dịch mới duy nhất được thiết lập giữa hai chính phủ từ tháng Ba năm ngoái chỉ ở tỷ lệ thấp. Ví dụ như, vào tháng 07/2021, Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa đại học Teheran và đại học Bắc Kinh được ký kết. Một Biên bản ghi nhớ khác về hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh được ký kết giữa Tổ chức điện ảnh Iran và Cục điện ảnh Trung Quốc. Gần đây hơn, Trung Quốc mở lãnh sự quán ở cảng Bandar Abbas ở miền nam Iran, nhưng điều này vẫn chưa có tác động đáng kể nào đến thương mại.
Bước phát triển quan trọng nhất là việc Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – tổ chức quốc tế do Trung Quốc lãnh đạo, nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế, chính trị, và văn hoá của tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, SCO là tổ chức “vô hại”, chủ yếu là nơi để tranh luận chứ không phải là một cơ chế cho phép thực hiện chính sách. Mặc dù tổ chức này tuyên bố tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, kinh tế và liên kết văn hoá giữa các nước thành viên, nhưng những thành công của SCO về những vấn đề trên lại không hề xuất sắc. Việc hoàn tất thủ tục kết nạp Iran phải mất khoảng 2 năm, cùng với việc để Ả Rập Xê Út, Ai cập và Quatar làm “đối tác đối thoại”, là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tìm cách cân bằng lợi ích của Iran qua việc nhượng bộ với các đối thủ của nước này.
Cân bằng quan hệ với phần còn lại của Trung Đông
Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Đông thường không được đề cập đến trong các cuộc thảo luận Iran-Trung Quốc. Chuyến thăm của ngoại trưởng Iran thực ra không chỉ là một chuyến thăm riêng biệt, mà diễn ra trong bối cảnh một loạt các cuộc đàm phán cấp cao với Bahrain, Ả Rập Xê-út, Kuwait, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng hợp tác vùng vịnh. Tất cả các quốc gia này đều có quan hệ trọng yếu với Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong số đó còn có quan hệ tốt hơn cả mức độ hợp tác Trung Quốc-Iran, như Ả Rập Xê Út, nước có quan hệ thù địch với Iran. Đối với đa số các quốc gia trong số này, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của họ. Hơn nữa, điều này nhấn mạnh nhu cầu của Bắc Kinh về việc cân bằng quan hệ đối với tất cả các bên, có nghĩa là không thực sự quá gần với Iran.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út là minh chứng cho điều này. Chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ngoại trưởng Iran, đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã gặp ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, ông Faisal bin Farhan Al Saud ở Vô Tích (Wuxi). Vương Nghị tuyên bố rằng, xin trích :
Đây là bộ trưởng Ngoại Giao đầu tiên đến Trung Quốc vào dịp năm mới, chuyến thăm của ông phản ánh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cấp cao giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út và vị thế của quốc gia này với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và nguồn cung dầu thô quan trọng cho Trung Quốc ở Trung Đông.
Tháng trước, có thông tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã giúp Ả Rập Xê Út phát triển chương trình sản xuất tên lửa của riêng mình, để giúp nước này có khả năng thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc mua tên lửa đạn đạo của nước ngoài. Mặc dù Ả Rập Xê Út đã được Hoa Kỳ trang bị vũ khí rất nhiều – khiến tuyên bố của Mỹ về việc lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang khó có thể được nhìn nhận một cách nghiêm túc, chương trình mới (dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc), có khả năng ngăn chặn đáng kể việc Iran thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) trong tương lai ở Ả Rập Xê Út.
Vai trò của Trung Quốc tại Vienna
Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng, cho dù Trung Quốc đưa ra luận điệu ủng hộ Iran và chỉ trích Hoa Kỳ rời khỏi Thoả thuận hạt nhân, nhưng Bắc Kinh không đứng hẳn về phía Iran. Quan điểm của Trung Quốc là Iran không phải chịu bất cứ trừng phạt nào và quốc gia này cần tiếp cận với năng lượng hạt nhân, nhưng Trung Quốc cũng chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân và ủng hộ giám sát quốc tế như là một giải pháp cho vấn đề hạt nhân. Trong khi Iran cũng mong muốn quay trở lại Thoả thuận hạt nhân, nhưng nước này đã đưa ra một số yêu cầu bổ sung mà Trung Quốc miễn cưỡng ủng hộ, như là yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt trước khi đàm phán. Mặc dù công khai ủng hộ điều này, nhưng tại hậu trường, Trung Quốc được cho là đã gây sức ép buộc Iran phải thực hiện tốt những nhượng bộ và quay trở lại bàn đàm phán.
Trung Quốc ủng hộ Thoả thuận hạt nhân hơn là quan điểm của Iran. Trên thực tế, sự ủng hộ này không xuất phát từ mối lo ngại về những động cơ hạt nhân của Iran (có lẽ chính phủ Trung Quốc hiểu rằng chính phủ Iran không tự tìm đường đến chỗ chết), mà đúng hơn là ủng hộ cách giải quyết căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran, để dỡ bỏ các trừng phạt chống lại Iran. Các lệnh trừng phạt là trở ngại lớn để thực hiện thoả thuận “25 năm hợp tác Iran-Trung Quốc” và cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Về mặt lịch sử, các nhà đầu tư Trung Quốc dường như không quan tâm đến thị trường Iran trừ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Quan hệ Trung Quốc-Iran có thực sự là “liên minh” ?
Bất chấp những tiến bộ đạt được gần đây trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Iran, quan hệ đối tác song phương vẫn bị hạn chế bởi chính sách của Hoa Kỳ và tư lợi của Trung Quốc. Iran không thể ngăn cản Trung Quốc phát triển năng lực quân sự cho các nước láng giềng thù địch với chính quyền Teheran và thậm chí cả việc ngăn cản một phần chính chiến lược tấn công của Iran. Bắc Kinh cũng tự nhận thấy mình có vị thế mạnh hơn để gây áp lực với đồng minh của mình hơn là gây áp lực với Hoa Kỳ tại Vienna. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng rất ít và gần như là không có tiến triển nào về những dự án cơ sở hạ tầng, an ninh và kinh tế, chính phủ Iran cũng ám chỉ điều này.
Về phía Iran, nước này cũng tham gia vào các thoả thuận, hay nói đúng hơn là bị ép buộc do áp lực lớn từ phía Hoa Kỳ : ép buộc tham gia các thoả thuận mà không nhất thiết phải tuân theo các điều kiện mà nước này đặt ra. Các doanh nghiệp Iran và người tiêu dùng đều phàn nàn về các điều khoản bất lợi, các sản phẩm kém chất lượng và việc không tuân thủ lời hứa dưới sự đe doạ của các lệnh trừng phạt. Tóm lại, nếu quan hệ Trung Quốc-Iran được gọi là liên minh, thì liên minh này không phải là mối quan hệ tốt đẹp gì.
Tại sao một số người vẫn tiếp tục nhấn mạnh mối đe doạ từ liên minh Trung Quốc-Iran ? Nếu nhìn từ góc độ cho rằng sự thống trị của Hoa Kỳ tại Trung Đông và châu Á là đáng mong muốn và chính đáng, thì Trung Quốc thực sự là một mối đe doạ đối với sự thống trị này : đe dọa đối với nguồn ủng hộ ngoại giao và tài chính không đi theo các hướng chỉ đạo của Mỹ. Chừng nào Trung Quốc có khả năng làm suy yếu chính sách của Hoa Kỳ trong việc gạt Iran ra ngoài bằng cách cô lập ngoại giao và cấm vận kinh tế, thì Bắc Kinh vẫn sẽ được xem như là một mối đe doạ. Và dĩ nhiên, Trung Quốc có mọi lý do để đẩy lùi chiến lược chống lại Iran của Hoa Kỳ. Chính sách gây “áp lực tối đa” dưới hình thức các lệnh trừng phạt không chỉ tước đoạt nguồn cung ứng các loại thực phẩm hay thuốc men cơ bản cho người dân Iran, một hành động vô lương tâm, không hợp lý, thái quá về mặt đạo đức. Nhưng chính sách này cũng có thể dễ dàng được áp dụng với Trung Quốc theo cách tương tự.
Chính sách này của Mỹ đã thất bại từ nhiều thập kỷ, về cơ bản, vẫn giữ nguyên dưới chính quyền Biden và giờ đây cần phải có lý do để biện minh cho các biện pháp trừng phạt này. Mối đe doạ về trục Trung Quốc-Iran tạo lên một hồi trống thuận tiện cho những nhân vật diều hâu hiếu chiến, bởi vì Thoả thuận hạt nhân Iran đã làm mất đi những lý lẽ được đưa ra trước đó để trừng phạt Iran. Giờ đây họ cáo buộc Teheran có những tham vọng hạt nhân không thể kiểm soát nổi. Ngay cả đối với các quan hệ qua lại giữa Iran và Trung Quốc, những nhân vật bảo thủ cũng cho đấy là một mối đe dọa mà “Biden không thể làm ngơ” và phải chống lại qua việc “phô trương sức mạnh”. Nhưng các bằng chứng lại không khẳng định những dự báo đầy lo ngại của họ mà chỉ cho thấy đó là một mối quan hệ đối tác có rất nhiều hạn chế hơn là những gì được mô tả.