Bắc Kinh tích cực trong hồ sơ hạt nhân Iran vì lợi ích trước mắt và lâu dài
Đăng ngày: 19/01/2022
Anh Vũ
Các cuộc thương lượng nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran đang bước vào thời điểm quyết định, Trung Quốc, một đối tác lớn của Iran đang rất năng nổ để chứng tỏ mình là một tác nhân chủ chốt của hồ sơ quốc tế gai góc này. Bắc Kinh nhận thấy có nhiều lợi ích một khi vấn đề hạt nhân Iran được giải tỏa cùng với việc gỡ bỏ cấm vận của Mỹ, hơn nữa là vị thế của Trung Quốc trên bàn cờ Trung Đông cũng sẽ được tăng cường.
Đầu tuần này tại Vienna? Áo, nhóm nước từng ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga và Đức cùng với Liên Hiệp Châu Âu, Iran trở lại các cuộc đàm phán theo cách gián tiếp với Mỹ, về hồ sơ hạt nhân. Ở vòng đàm phán mang tính quyết định thành bại của nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, người ta lại thấy nhà đàm phán Trung Quốc, Vương Quần ( Wang Qun) tỏ ra năng nổ hơn bao giờ hết. Trên truyền thông Trung Quốc, đại diện Ngoại Giao của Bắc Kinh đã không ít lần nhấn mạnh vai trò « duy nhất, mang tính xây dựng » của Trung Quốc trong các cuộc thương lượng với các bên để thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán Mỹ và Iran.
Trong lúc quan hệ Bắc Kinh- Washingon tiếp tục căng thẳng trên mọi mặt trận, từ cạnh tranh thương mại đến Đài Loan và Biển Đông, giới quan sát ghi nhận, ông Vương Quần vẫn dành nhiều giờ để thương thuyết với đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Iran, Robert Malley, tại Vienna, để thuyết phục Washington như một nhà trung gian hòa giải giúp Teheran.
Lý giải cho sự hăng hái của Trung Quốc, chuyên gia về Trung Quốc Jean- François Di Meglio, chủ tịch Asia centre, một cơ quan nghiên cứu tại Pháp nhận định : « Người Trung Quốc có lợi trong việc thỏa thuận (hạt nhân Iran) dược ký nhanh chóng để bảo đảm cho nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu lửa của họ, nhưng đồng thời cũng vì Iran là một đối tác địa chính trị » ngày càng quan trọng của Trung Quốc.
Từ vài tháng qua, quan hệ giữa Bắc Kinh và Teheran đã bước qua một giai đoạn mới với việc ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược trong 25 năm, trên một loạt lĩnh vực lớn : Năng lượng, an ninh, hạ tầng cơ sở và viễn thông. Thỏa thuận hợp tác chiến lược này vừa bắt đầu có hiệu lực hôm 15/01. Theo chuyên gia Di Meglio, Trung Quốc rất ít khi ký những thỏa thuận đối tác kiểu như thế này. Thực chất đây là sự khởi đầu cho một liên minh ngoại giao.
Hôm 15 tháng 01, sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo, theo đó, Bắc Kinh ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan, song kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt Iran, phản đối các hoạt động nhằm thao túng nền chính trị nước này thông qua chủ đề nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của Iran cũng như các nước trong khu vực.
Trên thực tế, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhập dầu lửa của Iran. Một khi các trừng phạt của Mỹ với Teheran được dỡ bỏ, Trung Quốc hẳn sẽ có nhiều đặc quyền trong làm ăn kinh tế với Iran. Trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, gần 10% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Iran. Các đầu tư hạ tầng cơ sở của Trung Quốc vào Iran cũng rất lớn.
Nhưng ngoài khía cạnh lợi ích kinh tế, việc xích lại gần với Iran giúp cho Trung Quốc thực hiện tham vọng khẳng định vị thế cường quốc trong khu vực Trung- Đông khi mà gần đây vai trò của Mỹ đang có xu hướng mờ nhạt dần. Trung Đông trước đây không hề là trường hoạt động ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh. Nhưng chỉ vài ba năm gần đây, người ta thấy sự hiện diện của người Trung Quốc trong các hồ sơ tranh chấp ở khu vực nóng này càng nhiều.
Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh can dự mạnh mẽ vào các quyết định để khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trong việc dàn xếp với các tranh chấp của khu vực Trung Đông. Trước tiên là các hồ sơ liên quan đến Iran và cả Syria. Cùng với Matxcơva, Bắc Kinh sẵn sàng dùng quyền phủ quyết các nghị quyết bất lợi cho hai nước này.
Từ đầu năm nay, các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc trở nên hối hả hơn về hướng Trung Đông. Từ ngày 10 đến 14 tháng này, tại Trung Quốc, bộ trưởng Ngoại Giao Vương Nghị đã tiếp đón một loạt người đồng cấp của các quốc gia trong vùng, đó là các lãnh đạo Ngoại Giao của Ả Rập Xê út, Koweit, Oman, Bahrein và Iran rồi đến ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ( CCG).