Biển Đông: Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “Tứ Sa” thay cho “Đường Lưỡi Bò” ?

Biển Đông: Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “Tứ Sa” thay cho “Đường Lưỡi Bò” ?

Đăng ngày: 19/01/2022

Trọng Nghĩa

Ngày 12/01/2022 vừa qua, bộ Ngoại Giao Mỹ công bố bản nghiên cứu Ranh Giới Trên Biển số 150, tố cáo các yêu sách “phi pháp” của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân hôm 13/01 cho rằng Washington xuyên tạc luật pháp quốc tế để gây bất hòa trong khu vực

Điều đáng chú ý là trong tuyên bố, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã không nhắc đến yêu sách “Đường Gián Đoạn” (mà báo chí thường gọi là “Đường Lưỡi Bò”) trên Biển Đông, mà tập trung biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng được họ đặt tên là “Nam Hải Chư Đảo”, hay gọi tắt là Tứ Sa.

Theo thông báo đăng trên trang web bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khi trả lời câu hỏi của hãng tin Pháp AFP về phản ứng của Bắc Kinh đối với tài liệu nghiên cứu của Mỹ, ông Uông Văn Bân đã liệt kê các các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông như sau: “Trung Quốc được hưởng chủ quyền đối với vùng Nam Hải Chư Đảo bao gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Nam Hải Chư Đảo của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo phát ngôn viên Trung Quốc: “Chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích liên quan của chúng tôi ở Biển Đông được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và các luật lệ quốc tế khác”.

Bốn nhóm đảo mà Trung Quốc gộp trong vùng Tứ Sa và gọi là “quần đảo” là vùng đảo đá Pratas (Đông Sa), quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa), vùng bãi ngầm Macclesfield Bank (Trung Sa) và quần đảo Trường Sa (Nam Sa).

Vùng mà Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo trên thực tế chỉ là các thực thể địa lý nằm rải rác trong vùng Biển Đông, hầu hết đều chìm dưới nước. Bắc Kinh khẳng định các thực thể này phải được coi là các đơn vị hoàn chỉnh, có khả năng sản sinh ra chủ quyền và các quyền trên biển.

Lập luận này không đứng vững vì các khu vực như bãi đá Pratas mà Trung Quốc gọi là Quần Đảo Đông Sa hay bãi ngầm Macclesfield, được Bắc Kinh coi là Quần Đảo Trung Sa, đều nằm dưới mặt nước biển và không được luật quốc tế công nhận là quần đảo như Trung Quốc tuyên bố.

Bỏ Đường Lưỡi Bò vì dễ bị công kích do tính phi pháp lộ liễu

Đối với giới quan sát, khi nêu bật vấn đề Tứ Sa, Trung Quốc như đã thôi không nhắc đến yêu sách “Đường Chín Đoạn” trên Biển Đông, vốn đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ trong phán quyết 2016, để chuyển sang khẳng định chủ quyền trên vùng Tứ Sa, với những đòi hỏi có vẻ phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.

Theo hãng tin Mỹ BenarNews ngày 18/01, đây chính là nhận định của ông Saifuddin Abdullah, ngoại trưởng Malaysia, một trong bốn nước Đông Nam Á mà chủ quyền trên Biển Đông bị Bắc Kinh tranh chấp.

Phát biểu với các nhà báo vào tuần trước, ông Saifuddin ghi nhận sự kiện Bắc Kinh càng lúc càng “ít nói hơn” về “đường chín đoạn” để đề cập thường xuyên hơn đến “Tứ Sa”. Đối với Ngoại trưởng Malaysia, đây có thể là một thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, và cũng là một thay đổi được các thành viên khác của ASEAN lưu ý.

Đối với ngoại trưởng Malaysia, hiện còn quá sớm để kết luận là cách tiếp cận theo hướng Tứ Sa có hung hăng hơn hướng Đường Chín Đoạn hay không. Tuy nhiên, quan điểm thận trọng của ngoại trưởng Malaysia không được giới chuyên gia tán đồng.

Lập luận thay đổi, nhưng thái độ hung hăng có thể gia tăng

Theo BenarNews, nhà nghiên cứu Mỹ Cổ Cử Luân (Julian Ku), giáo sư Trường Luật thuộc Đại Học Hofstra ở Long Island (bang New York) không nghĩ rằng yêu sách Tứ Sa sẽ nhất thiết dẫn đến các hành động hung hăng hơn của Trung Quốc, nhưng cho rằng khái niệm này “cung cấp một cách biện minh khác cho các hành động gây hấn mà Bắc Kinh có thể muốn thực hiện” tại vùng Biển Đông.

Chuyên gia Anh về Biển Đông Bill Hayton cũng nhìn thấy khả năng tranh chấp leo thang ở Biển Đông do việc khái niệm Tứ Sa của Bắc Kinh đã kích động nhiều thành phần tại Trung Quốc sau khi mang đến cho họ “một số niềm tin mới là hành động của họ có cơ sở hợp lý”.

Theo ông Hayton, trong thời gian gần đây, người ta đã “chứng kiến nhiều hành động quyết đoán hơn, chẳng hạn như việc Trung Quốc quấy rối công việc khai thác dầu khí ngoài khơi Malaysia và Indonesia”.

Lập luận không mới nhưng được thúc đẩy mạnh hơn từ 2016

Đối với giới chuyên gia phân tích, khái niệm Tứ Sa không phải là điều mới lạ và đã từng được Bắc Kinh gợi lên trong những năm gần đây.

Theo BenarNews, Luật Lãnh Hải và Vùng Tiếp Giáp mà Trung Quốc đã thông qua từ năm 1992, từng đề cập đến bốn nhóm đảo Tứ Sa. Sau đó khái niệm này đã được đề cập trong quyển Sách Trắng năm 2016 do Trung Quốc phát hành về các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong tiến trình trọng tài ở Biển Đông.

Sau đó một năm, theo tiết lộ của nhật báo Mỹ Washington Free Beacon ngày 21/09/2017, trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào cuối tháng 8 cùng năm tại Mỹ, các quan chức thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã không ngần ngại khẳng định “quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa”.

Ngay từ thời đó, giáo sư Mỹ Cổ Cử Luân đã ghi nhận trên trang mạng Lawfareblog rằng: “Yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc là một lý thuyết mới về pháp luật, nhưng vẫn có những lập luận tồi tệ như cũ”.

Lập luận mới về Tứ Sa vẫn không có sức thuyết phục

Giải thích về lý do khiến Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận tranh chấp Biển Đông, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là vì đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên Đường Lưỡi Bò càng lúc càng bị đả kích.

Chuyên gia Cổ Cử Luân cho rằng: “Đường Chín Đoạn đã biến thành một mục tiêu thực sự dễ công kích đối với những ai chỉ trích các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông… vốn đã được Tòa Trọng Tài Biển Đông trực tiếp xem xét và bác bỏ vào năm 2016.

Theo vị giáo sư Mỹ, việc Trung Quốc thay thế Đường Chín Đoạn bằng Tứ Sa cũng không thể giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn các yêu sách chủ quyền của họ: “Thuyết Tứ Sa không được xem xét trực tiếp trong phán quyết của tòa (trọng tài La Haye năm 2016), nhưng thuyết này cũng khó có thể được ủng hộ”.

Chuyên gia Bill Hayton cũng cùng chung nhận định. Đối với học giả này, khái niệm Tứ Sa không phải là một cái gì mới lạ, mà là một lý thuyết đã có từ lâu, nhưng được Trung Quốc đặc biệt đẩy mạnh từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài (Thường Trực La Haye).

Theo ông Hayton: “Tứ Sa là một nỗ lực nhằm phát triển một lập luận biện minh giống như UNCLOS – tức là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982) để kiểm soát Biển Đông với một số loại cơ sở pháp lý”. Thế nhưng nhà nghiên cứu Anh cho rằng lập luận đó vẫn không được các nước khác chấp nhận.

Mỹ khẳng định yêu sách \”Tứ Sa\” cũng \”bất hợp pháp\”

Bản nghiên cứu về Ranh Giới Trên Biển số 150 của bộ Ngoại Giao Mỹ công bố ngày 12/01 đã phân tích các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa và kết luận rằng những khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đều bất hợp pháp.

Tóm lại, như giáo sư Cổ Cử Luân đã nhận định: “Những biện minh pháp lý mới này của Trung Quốc không hợp pháp hơn yêu sách đường chín đoạn trước đây, nhưng nó mập mờ hơn và phức tạp hơn khi chỉ trích.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment