Campuchia tiếp tục xét xử lãnh đạo đối lập Kem Sokha về tội phản quốc
19/01/2022
Campuchia hôm 19/1 tái tục phiên tòa xét xử tội phản quốc đối với thủ lĩnh đảng đối lập bị cấm Kem Sokha, sau hai năm trì hoãn do đại dịch, trong một vụ án bị Hoa Kỳ lên án là có động cơ chính trị.
Ông Kem Sokha bị bắt vào năm 2017 và Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) đối lập của ông đã bị cấm trước cuộc bầu cử năm 2018, vốn bị khuynh lướt bởi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen.
CNRP kể từ đó đã bị tiêu diệt, với nhiều thành viên của đảng này bị bắt hoặc trốn đi lưu vong, sự kiện mà các nhà hoạt động cho là một cuộc đàn áp sâu rộng được thiết kế để ngăn chặn những thách thức đối với sự độc quyền quyền lực của CPP.
Phát biểu trước các phóng viên tại nhà riêng trước khi đến Tòa án thành phố Phnom Penh, ông Kem Sokha nói: “Tôi hy vọng… tòa án sẽ quyết định hủy bỏ các cáo buộc đối với tôi để chúng ta có thể đạt được hòa giải và đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước mình”.
Ông Kem Sokha được trả tự do khỏi quản thúc tại gia vào năm 2019, nhưng vẫn bị cấm tham gia các hoạt động chính trị.
Con gái ông, cô Monovithya Kem, hôm thứ Ba cũng thúc giục tòa án hủy bỏ các cáo buộc, và cho biết thêm rằng cha cô đang ở trong trạng thái “tinh thần mạnh mẽ”.
Các cáo buộc phản quốc bắt nguồn từ cáo buộc ông âm mưu với Hoa Kỳ để lật đổ Thủ tướng Hun Sen, người đã cai trị Campuchia trong gần bốn thập niên.
Ông Kem Sokha phủ nhận cáo buộc này. Hoa Kỳ cũng bác bỏ cáo buộc và nói đây là “thuyết âm mưu bịa đặt”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh kêu gọi nhà chức trách dừng “các vụ xét xử có động cơ chính trị”, bao gồm cả vụ của ông Kem Sokha và các thành viên khác của phe đối lập chính trị, các nhà báo cũng như các nhà hoạt động về lao động và môi trường.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ Chad Roedemeier nói: “Thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Campuchia và trên toàn thế giới”.
Bộ Tư pháp Campuchia cho biết các vụ xét xử không có động cơ chính trị và kêu gọi đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra bằng chứng cho phát ngôn của mình và chớ có can thiệp.
“Cáo buộc này là vô căn cứ về mặt pháp lý”, phát ngôn viên Chin Malin của Bộ Tư pháp Campuchia nói.