Đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc
Bắc Kinh cấm Giáng sinh hoàn toàn, cho thấy tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Trung Quốc, quốc gia mà Tư tưởng Tập Cận Bình hiện đang được đưa vào các bài viết về tôn giáo.
Lệnh cấm này được cho là nhằm bảo tồn văn hóa Trung Quốc và ngăn chặn ảnh hưởng của ngoại quốc. Nói chung, Giáng sinh được tổ chức như một ngày lễ thương mại ở Trung Quốc, giúp các nhà bán lẻ tăng mạnh doanh thu. Tuy nhiên, ngoài việc coi Giáng sinh là một ngày lễ của người tiêu dùng, thì một số người Trung Quốc còn tổ chức lễ Giáng sinh như một phần của niềm tin tôn giáo của mình.
Rất khó để biết số lượng thực tế của các Cơ đốc nhân ở Trung Quốc, bởi vì đại đa số họ tham gia các “nhà thờ tại gia” không được đăng ký. Theo một số ước tính, Trung Quốc là nơi có khoảng 115 triệu người theo đạo Tin lành và ít nhất 12 triệu người Công giáo.
Hiến pháp Trung Quốc được cho là bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng các dị giáo, mê tín dị đoan, và các tín ngưỡng không chính thống đều bị cấm. [Tuy nhiên] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ – Trung Cộng) quyết định đâu là một tôn giáo và cái gì là chính thống, và mọi thứ khác thì đều bị cấm.
Nhiều nhóm tôn giáo bị cấm ở Trung Quốc một cách rõ ràng như Pháp Luân Công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn Năng, và Hiệp hội các Tín đồ. Ngoài ra, trong khi Phật giáo được cho phép, thì Phật giáo Tây Tạng lại bị hạn chế. Tất cả các nhà sư và ni cô ở Tây Tạng đều là đối tượng bị cải tạo. Những người không chịu từ bỏ đức tin của mình, đều đã bị bỏ tù, bị tra tấn, hoặc sát hại.
Năm 2015, ĐCSTQ đã ra lệnh dỡ bỏ 1,200 cây thánh giá khỏi các nhà thờ ở tỉnh Chiết Giang. Một mục sư phản kháng lại đã bị kết án 14 năm tù vì từ chối di dời cây thánh giá khỏi nhà thờ của mình.
Người Hồi giáo đã phải chịu một số đàn áp tồi tệ nhất, thậm chí còn được thông báo rằng lễ Hành hương [Hajj] của họ phải được sự chấp thuận của Cục các Vấn đề Tôn giáo Nhà nước, một cơ quan do Đảng giám sát. Ở Tân Cương, có tới 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị cầm tù, và trong rất nhiều trường hợp, họ bị tra tấn, hãm hiếp hoặc cưỡng bức cải đạo.
Cơ quan Quản lý Dịch vụ Thông tin Tôn giáo trên Internet của ĐCSTQ đã cấm các nhóm hoặc buổi lễ trực tuyến không có giấy phép, cấm các tổ chức hoặc cá nhân ngoại quốc truyền bá trực tuyến các nội dung tôn giáo. Theo China Aid, một tổ chức phi chính phủ Cơ đốc giáo, các nhà kiểm duyệt của Đảng tìm kiếm và xóa các từ “Chúa Giêsu” và “Chúa” khỏi các bài đăng trên internet.
Các biện pháp trừng phạt cũng đã được đưa ra đối với bốn thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan chuẩn bị các báo cáo về các quốc gia khác nhau. Rõ ràng, Bắc Kinh đã tức giận vì bản báo cáo mới nhất cáo buộc rằng Trung Quốc hạn chế tự do tôn giáo.
ĐCSTQ chỉ công nhận 5 tôn giáo lớn, bao gồm Phật giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin lành. Các tín đồ chỉ có thể thực hành các tôn giáo này thông qua các tổ chức được ĐCSTQ chấp thuận: Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc, Hiệp hội Hồi giáo Trung Quốc, Ủy ban Quốc gia của Phong trào Yêu nước Tam tự của các Giáo hội Tin lành ở Trung Quốc và Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc.
Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm quyền tín ngưỡng, nhưng không bảo đảm quyền thờ phụng. Do đó, ngày, giờ, địa điểm thờ phụng phải được sự chấp thuận của Đảng. Năm tôn giáo được công nhận đều bị Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ quản lý. Cơ quan này ban hành kinh thánh và nghi thức tế lễ. Ngay cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, các linh mục và mục sư cũng phải được ĐCSTQ phê chuẩn. Ví dụ, các giám mục Công giáo được bổ nhiệm thông qua Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc do ĐCSTQ điều khiển. Tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo được yêu cầu phải ủng hộ Đảng cộng sản.
Tài liệu Quy định về các vấn đề tôn giáo (RRA) nói rằng các tôn giáo được thực hành ở Trung Quốc, không được phép chịu sự quản lý và ảnh hưởng của ngoại quốc. Đây là một trong những lý do tại sao ĐCSTQ có một vấn đề đặc biệt với Công giáo. [Đó là vì] không chỉ Công giáo do Vatican quản lý, mà Nhà nước Vatican và Tòa thánh đều công nhận Đài Loan.
Các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Theo Tài liệu Quy định về Các vấn đề Tôn giáo (RRA), các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính quyền. Các trường học hoặc cơ sở tôn giáo cũng phải có sự phê chuẩn của chính quyền. Trung cộng cấm tất cả các cuộc tụ tập tôn giáo ngoài địa điểm và thời gian đã được chấp thuận.
Những người vi phạm có thể bị trừng phạt rất nặng. Theo Điều 300 Bộ luật Hình sự và An ninh Công cộng về “Tà giáo,” thì “Bất cứ ai thành lập hoặc sử dụng các giáo phái mê tín dị đoan … hoặc các tổ chức tà giáo … để phá hoại việc thực hiện pháp luật và các quyết định hành chính và các quy định của nhà nước … sẽ bị kết án tù với thời hạn không dưới bảy năm hoặc tù chung thân, đồng thời bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.”
Các đảng viên ĐCSTQ bị cấm tham gia bất kỳ tôn giáo nào. Sự cấm đoán này đã được mở rộng đối với các đảng viên đã nghỉ hưu của Đảng.
Trong năm 2017, một ấn phẩm của ĐCSTQ đã gọi tôn giáo là “sự mê muội tinh thần”. Được thông qua vào năm 2020, các quy định mới yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đưa hệ tư tưởng của Đảng vào giáo lý của họ. Vì mục đích này, Tư tưởng Tập Cận Bình đã được truyền vào nghi thức tế lễ của năm tôn giáo đã được phê chuẩn.
Các nhà thờ Công giáo đã bị phá huỷ và các cây thánh giá và tượng tại các nhà thờ cũng bị tháo dỡ. Hình ảnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay thế hình ảnh của Đức mẹ Madonna (Đức mẹ đồng trinh) và Chúa Hài đồng (Baby Jesus). Và những câu trích dẫn của ông Tập đã được vẽ đè lên Mười Điều Răn.
Ông Tập dường như muốn trở thành một trong ba nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc cộng sản, bên cạnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ông Tập đã nắm quyền kiểm soát Đảng, chính phủ, quân đội và nền kinh tế. Bây giờ ĐCSTQ cũng kiểm soát cả tôn giáo, có lẽ ba người này nên được gọi là “Chúa Ba Ngôi” [Sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần trong đạo Cơ đốc].
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc) và “A Short Course on the Chinese Economy” (Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc).