Hai tập đoàn dầu khí của Pháp và Mỹ rút lui khỏi Miến Điện
Đăng ngày: 22/01/2022
Thanh Hà
TotalEnergies và Chevron thông báo rút lui khỏi Miến Điện, ngưng khai thác khí đốt tại Yadana. Gần một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, hai tập đoàn dầu khí lớn của Pháp và Mỹ hôm 21/01/2022 giải thích : « tình trạng nhân quyền tại Miến Điện liên tục xấu đi » nên phải « đánh giá lại sự hiện diện » tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo các hiệp hội bảo vệ nhân quyền Miến Điện từ cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 tới nay đã có ít nhất 1.500 thường dân bị sát hại.
TotalEnergies hoạt động tại Miến Điện từ năm 1992, tuyển dụng hơn hai trăm nhân viên trong ngành khai thác khí đốt. Năm 2020, công ty này đã nộp 176 triệu đô la tiền thuế cho nhà nước Miến Điện. Tập đoàn Pháp là đối tác kiểm soát hơn 31 % vốn trong các hoạt động khai thác mỏ Yadana ; Chevron của Mỹ kiểm soát hơn 28% ; PTTEP một chi nhánh của tập đoàn năng lượng Thái Lan tham gia ở mức 25% và 15% còn lại do quân đội Miến Điện kiểm soát.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại TotalEnergies và Chevron là những công ty ngoại quốc hiếm hoi ngưng hoạt động tại Miến Điện. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, khí đốt là nguồn thu nhập chính mang ngoại tệ về cho Miến Điện. Riêng mỏ Yadana, có mức sản xuất 6 tỷ mét khối khí đốt một năm, 70% sản lượng được xuất khẩu sang Thái Lan.
Trả lời đài RFI, bà Benedicte Jeannerod, đại diện cho tổ chức Human Rights Watch đánh giá cao quyết định của tập đoàn năng lượng pháp TotalEnergies. Theo bà, bước kế tiếp, các chính phủ cũng phải đưa ra những biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện :
« Quyết định rất quan trọng rút lui khỏi Miến Điện, như vậy xua tan mọi nghi ngờ có liên quan đến các hành vi khủng khiếp tập đoàn quân sự đang tiến hành. Bước kế tiếp là phải đánh thẳng vào các nguồn thu nhập của chính quyền nước này nhờ khai thác khí đốt. Đó là phương tiện để quân đội Miến Điện tiến hành tội ác nghiêm trọng nhất. Giờ đây quả bóng đang ở trong sân chơi của các chính chính phủ, cần đưa ra những biện pháp trừng phạt để khí đốt không là công cụ tài chính của quân đội.
Đến nay cộng đồng quốc tế đã ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào một số nhân vật trong tập đoàn quân sự, nhắm vào một số doanh nghiệp khai thác khí đốt hay kim cương, đá quý … nhưng cần triệt hẳn các nguồn thu nhập của bên quân đội nhờ khai thác khí đốt bởi đây chính là một nguồn thu nhập quan trọng. Cần cắt hẳn nguồn thu nhập đó và cần ban hành các biện pháp trừng phạt ».