Pháp chinh phục ( lại ) vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương
Tờ Le Point tuần này dành một phần đặc biệt để nói về việc nước Pháp đang chinh phục, hay đúng hơn là tái chinh phục, vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, bởi vì, như nhận định của cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd,” Pháp trên thực tế là một cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương”
Theo Le Point, bộ Ngoại Giao Pháp và những người thân cận của tổng thống Emmanuel Macron đều nhìn nhận rằng trọng tâm của thế giới hiện nay chính là các vùng biển chung quanh Trung Quốc. Chính tại nơi đây mà cuộc đối đầu Mỹ-Trung diễn ra gay gắt nhất và cuộc đối đầu này sẽ ảnh hưởng đến các quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới. Nếu muốn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, nước Pháp không thể cho phép mình đứng nhìn từ xa hiện trường xung đột mới này, như cảnh báo của Christophe Penot cựu đại sứ Pháp ở Úc và nay là đại sứ đặc trách Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tờ Le Point lưu ý, cho dù về mặt diện tích, dân số và sức mạnh kinh tế, Pháp không thể sánh với hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng có một lĩnh vực mà Pháp thuộc loại nhất nhì thế giới, đó là Pháp vùng lãnh hải rộng lớn.
Pháp có trong tay một trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh Hoa Kỳ và Úc, với tổng cộng 11,7 triệu km vuông. Với các tỉnh hải ngoại ‘ Réunion, Mayotte ), các lãnh thổ hải ngoại ( Nouvelle – Calédonie, Polynésie, Wallis et Futuna ), nằm ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, có dân số tổng cộng 1,6 triệu người, Pháp là một trong những tác nhân quan trọng trong khu vực.
Tờ Le Point nhắc lại, như để thể hiện quyết tâm can dự hoàn toàn vào vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, vào năm 2020, Pháp đã trở thành “đối tác phát triển” của ASEAN, rồi cũng trong cùng năm đó gia nhập Hiệp hội các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương. Pháp cũng hiện có 7.000 binh sĩ đóng tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và mỗi năm tiến hành ít nhất hai chiến dịch tuần ra ở vùng biển Trung Quốc.
Giọng điệu của Paris đối với Bắc Kinh cũng đã trở nên cứng rắn hơn. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một “đối thủ mang tính hệ thống” theo ngôn từ chính thức của Liên Hiệp Châu Âu, được thông qua theo sáng kiến của Pháp.
Nhưng còn vấn đề chính yếu phải giải quyết, theo nhà nghiên cứu Antoine Bondaz: “ Châu Âu và Pháp có đủ phương tiện để thực hiện chiến lược đầy tham vọng của mình?”