Thú yêu thương : Phiên bản mới nhân 50 năm nhạc phim \’\’The Godfather\’\’
Đăng ngày: 22/01/2022
Tuấn Thảo
Có những giai điệu mà chỉ cần nghe qua một lần là con tim không hiểu vì sao lại yêu hoài nhớ mãi. Bản nhạc chính của bộ phim \’\’Bố Già\’\’ nằm trong số này. Được phát hành vào năm 1972, tức cách đây nửa thế kỷ, \’\’The Godfather\’\’ chẳng những đoạt giải Oscar dành cho bộ phim xuất sắc nhất, mà còn nâng giai điệu của Nino Rota lên hàng ca khúc vượt thời gian.
Dựa vào tác phẩm ăn khách cùng tên của nhà văn Mario Puzo, đạo diễn người Mỹ Francis Ford Coppola đã thành công trong việc chuyển thể quyển tiểu thuyết dày lên màn ảnh lớn, kịch bản chặt chẽ, lời thoại cô đọng, nội dung thâm thúy. Bộ phim sau đó được Viện phim ảnh Mỹ xếp vào hàng 100 tác phẩm điện ảnh hay nhất thế kỷ (XX), \’\’Bố già\’\’ đứng hàng thứ ba, chỉ sau \’\’Citizen Kane\’\’ và \’\’Casablanca\’\’. Đỉnh cao thành công ấy che khuất phần nào sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Nino Rota. Sinh thời, ông đã sáng tác hơn 150 nhạc phim đủ loại, ngoài ra còn có thêm 10 vở kịch opera, 5 vở múa ballet và hơn một chục khúc nhạc thánh ca và giao hưởng.
Do mến phục tài năng của Nino Rota, từng nổi tiếng trước đó nhờ soạn nhạc phim La Strada (1954) và La Dolce Vita (1960) cho Federico Fellini cũng như Chuyện tình Romeo & Juliet (1968) cho Franco Zefirelli, cho nên đạo diễn Coppola mới ngỏ lời mời Nino Rota hợp tác với mình. Nhà đạo diễn Mỹ đã đích thân đến Roma vào mùa thu năm 1971 để gặp tác giả người Ý.
Speak Softly Love vượt trội giai điệu chủ đề bộ phim Bố Già
Trong hành lý, đạo diễn Coppola mang theo một bản phim nhựa của \’\’Bố Già\’\’ và yêu cầu nhạc sĩ soạn giai điệu sao cho hợp với các màn quay trong phim. Trong số này, nổi tiếng nhất vẫn là khúc nhạc minh họa cho mối tình trên đất Ý giữa hai nhân vật Apollonia và Michael Corleone. Bài hát tiếng Anh \’\’Speak Softly Love\’\’ do Larry Kusik đặt lời, được ca sĩ Andy Williams trình bày lần đầu tiên. Từ đó cho tới nay đã có gần cả ngàn phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp, phiên bản phóng tác ăn khách đầu tiên là \’\’Parle plus bas\’\’ qua giọng ca của Dalida, gần đây hơn nữa có phiên bản tiếng Ý \’\’Parla più piano\’\’ của Petra Berger.
Tuy rất ăn khách và được đặt nhiều lời khác nhau trong cả chục thứ tiếng, nhưng giai điệu tình yêu \’\’Speak Softly, Love\’\’ không phải là đoạn nhạc quan trọng nhất trong phim \’\’Bố Già\’. Khúc nhạc quan trọng mà khán giả được nghe thường xuyên, do giai điệu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim, chính là Điệu valse của Bố Già (The Godfather Waltz), khi ông bố Vito Corleone dìu đứa con gái cưng là Connie trong điệu vũ nhân ngày cưới. Giai điệu \’\’Speak Softly, Love\’\’ chỉ xuất hiện trong phần sau của bộ phim, khi con trai út Michael Corleone buộc phải đến đảo Sicilia để lánh nạn. Giai điệu tình yêu nổi lên khi Michael lần đầu tiên bị cú sét ái tình khi tình cờ bắt gặp Apollonia, cô gái miền thôn dã với sắc đẹp mặn mà. Hai người làm đám cưới, nhưng mối tình của họ không được lâu dài, khi cô vợ mới cưới lại chết tức tưởi, khi ngồi vào xe của chồng cô, bị cài chất nổ.
\’\’Speak Softly Love\’\’ tuy không phải là giai điệu chính lại lấn lướt hẳn khúc nhạc chủ đề, do đây là bản nhạc tha thiết và lãng mạn nhất trong phim \”Bố Già\”. Tuy nhiên, Nino Rota lại không đoạt giải Oscar một năm sau đó, chủ yếu cũng vì đoạn nhạc này từng được dùng vào năm 1958 trong bộ phim \’\’Fortunella\’\’ của đạo diễn Eduardo de Philippe, trong khi giải Oscar thường được trao cho những khúc nhạc \’\’nguyên tác\’\’ (chưa từng được phổ biến). Mãi đến hai năm sau, Nino Rota mới được trao giải nhờ soạn nhạc phim cho tập nhì của \’\’Bố Già\’\’.
Andy Williams từng ghi âm lại bản tiếng Pháp \’\’Parle plus bas\’\’
Trong tiếng Pháp, lời phóng tác của nhạc phẩm \’\’Speak Softly Love\’\’ là của tác giả Boris Bergman. Nhắc tới tên ông, nhiều người Pháp nghĩ đến ngay nam danh ca quá cố Alain Bashung, do cặp bài trùng này đã hợp tác thành công trong gần ba thập niên liền từ năm 1980 đến năm 2008. Tuy nhiên, trước khi trở thành tác giả thân thuộc nhất của Alain Bashung, Boris Bergman đã sáng tác rất nhiều cho các ca sĩ khác. Tính tổng cộng, ông đã viết lời cho hơn một ngàn ca khúc, kể cả nguyên bản hay phóng tác. Ông đã từng hợp tác với Dalida vào năm 1970 và đã đặt lời tiếng Pháp cho nhạc phim \’\’Bố Già\’\’ theo yêu cầu của hãng đĩa Barclay. Sau Dalida sẽ có nhiều nghệ sĩ Pháp khác ghi âm bài này kể cả Marie Laforêt, Georgette Lemaire và đáng ngạc nhiên hơn nữa, ca sĩ đầu tiên Andy Williams cũng đã ghi âm một phiên bản tiếng Pháp (Parle plus bas). Một trong những bản ghi âm gần đây là của Patrick Fiori trên album chuyên đề nhạc phim hay nhất mọi thời đại.
Còn trong tiếng Ý, bản nhạc có ít nhất hai lời : \’\’Parla più piano\’\’ là phiên bản quen thuộc nhất của tác giả Gianni Boncompagni, phiên bản thứ hai với tựa đề \’\’Brucia la terra\’\’ (hiểu theo nghĩa Nung cháy mặt đất) là của tác giả Giuseppe Rinaldi trong thổ ngữ Sicilia, từng ăn khách qua giọng ca tenor người Ý Andrea Bocelli trên album chuyên đề \’\’Cinema\’\’, phát hành vào mùa thu năm 2015 cùng với \’\’Moon River\’\’ nhạc phim Breakfast at Tifany\’s và nhất là \’\’Bài hát của Lara\’\’ trích từ bộ phim kinh điển Bác sĩ Jivago. Hàng thập niên sau ngày ra đời, những tình khúc vàng tiếp tục ngời sáng nhờ được nhiều thế hệ nghệ sĩ ghi âm lại.
Còn trong tiếng Việt, giai điệu \’\’Speak Softly Love\’\’ trước năm 1975 từng được tác giả Trường Kỳ việt hóa một cách tài tình thành nhạc phẩm \’\’Thú yêu thương\’\’, cho dù có nhiều trang mạng vẫn ghi lầm là \’\’Thú đau thương\’\’. Bản nhạc này từng ăn khách qua phần trình bày của nam danh ca Elvis Phương. Sau đó đã có khá nhiều nghệ sĩ khác như Don Hồ, Kenny Thái hay Thế Sơn ghi âm lại.
Một trong những bản ghi âm tiếng Việt gần đây nhất là của nam ca sĩ Kasim Hoàng Vũ với đoạn mở đầu như sau : Tình như thoáng mây, tình đến cùng ta, âm thầm không ngờ / Tình như cánh hoa, tình chiếm hồn ta, đâu ngờ là tình / Tình như mưa gió, thoảng vào trong tim / Tình như cánh chim, bay đến trong ta, sao nghe bồi hồi… Quả thật là có những giai điệu mà chỉ cần một lần lọt vào tai, con tim không hiểu vì sao lại yêu hoài nhớ mãi.