Đảo chính đã định hình lại xung đột sắc tộc ở Myanmar như thế nào?
Nguồn: Thomas Kean, How Myanmar’s Coup Has Reshaped Its Ethnic Conflicts, The Diplomat, 14/01/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Đảo chính đã nhường chỗ cho các cuộc đàm phán tiềm năng, nhằm tạo ra một nhà nước liên bang thực sự gắn kết
Xét theo mọi góc độ – từ thương vong, tị nạn do xung đột, đến tình trạng nghèo đói và mất việc làm – cuộc đảo chính quân sự vào tháng 02/2021 tại Myanmar là một thảm họa nghiêm trọng, với tình hình ngày càng tồi tệ hơn.
Việc chế độ quân sự lên nắm quyền cũng đã giết chết tiến trình hòa bình kéo dài hàng thập niên qua tại Myanmar, giáng đòn cuối vào các cuộc đàm phán vốn dĩ đang trên đà xuống dốc, phần lớn là do quân đội và chính phủ Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi không muốn nhượng bộ các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh thảm kịch, một cuộc đối thoại mới đã xuất hiện ở Myanmar: các cuộc đàm phán có khả năng chuyển đổi, hướng tới một nhà nước liên bang thực sự, giữa các nhà lãnh đạo chính trị người Miến (Bamar) chiếm đa số và các sắc tộc thiểu số, bao gồm cả một số nhóm vũ trang quan trọng nhất của đất nước.
Thời điểm ngay sau khi đảo chính diễn ra, hầu hết các nhà lãnh đạo sắc tộc thiểu số tin rằng đây không phải là cuộc chiến của họ. Dù cũng thù hằn quân đội, nhưng họ đã vỡ mộng sau nhiều năm đàm phán hòa bình thất bại, nên chẳng có tâm trạng giúp đưa bà Aung San Suu Kyi trở lại nắm quyền.
Tuy nhiên cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại sự cai trị của quân đội, bùng phát sau khi chế độ quyết định sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế. Phẫn nộ, các cộng đồng sắc tộc thiểu số – nhiều người trong nhóm này từng bỏ phiếu cho NLD – đã xuống đường tham gia biểu tình quần chúng, buộc một số nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số phải đứng lên. Việc duy trì vị thế trung lập sẽ chỉ khiến uy tín của họ đối với khối cử tri của mình bị lung lay, và họ còn có nguy cơ bị lu mờ bởi các lực lượng dân quân mới thành lập đang chống lại quân đội.
Triển vọng về một mặt trận thống nhất chống lại chính quyền, tập hợp vô số các nhóm vũ trang người dân tộc thiểu số của đất nước và Chính phủ Thống nhất Quốc gia (National Unity Government, NUG) – do các nhà lập pháp dân cử đứng đầu phe đối lập với chính quyền tạo ra – là khó có thể xảy ra, do di chứng của sự ngờ vực và khác biệt lợi ích giữa các các nhóm. Một số nhóm mạnh nhất vẫn tiếp tục xa cách cuộc nổi dậy đang nhấn chìm phần còn lại của đất nước, xem việc tham gia cuộc chiến là không có lợi cho họ. Nhưng ít nhất bốn trong số các nhóm này hiện đã trở thành đối tác quan trọng của NUG: Liên minh Quốc gia Karen, Tổ chức Kachin Độc lập, Đảng Quốc gia Cấp tiến Karenni và Mặt trận Quốc gia Chin.
Tuy nhiên, sự tham gia của họ vào phong trào chống chế độ quân sự không chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì vai trò và ưu thế của mình. Ngay từ đầu, họ đã nói rõ rằng sự hợp tác sẽ phụ thuộc vào việc đạt được các thỏa thuận chính trị. Điều này khiến chính quyền dân cử đưa ra Hiến chương Dân chủ Liên bang gồm hai phần, được công bố vào cuối tháng 3, vượt xa những gì NLD từng sẵn sàng chấp thuận cho các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số trong tiến trình đàm phán hòa bình.
Những cuộc đàm phán này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giữa năm ngoái, khó khăn đã xuất hiện, bởi những gì mà một số nhóm xem là vai trò độc đoán của các nhân vật cũ của NLD, những người đang dẫn đầu phong trào chống chính quyền quân sự. Lo ngại vẫn còn đó, và hợp tác với NUG vẫn rất mong manh.
Chế độ quân sự cũng đã có những quyết định riêng, nhằm cố gắng đưa một số nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số về phe của mình. Ngay sau khi nắm quyền, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing đã thành lập một nhóm đàm phán hòa bình mới, tìm cách đàm phán với các nhà lãnh đạo sắc tộc, và còn cố gắng giữ một số nhóm khác đứng ngoài cuộc xung đột.
Nhưng khi sự phản kháng đối với chế độ quân sự ở các vùng sắc tộc thiểu số ngày càng gia tăng, quân đội đã đáp trả bằng các chiến thuật tàn bạo – từ đốt thị trấn Thantlang ở Bang Chin, pháo kích vào Lay Kay Kaw ở Bang Kayin, đến vụ thảm sát ít nhất 31 thường dân ở Bang Kayah ngay trong Đêm Giáng sinh. Những hành động này rốt cuộc chỉ khiến các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số ở những khu vực này xích lại gần với phe đối lập.
Những hành động này cũng phản ánh sự trống rỗng trong phát biểu mừng Năm Mới của Min Aung Hlaing, về các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, điều ông sau đó đã nhắc lại trong cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Naypyidaw vào ngày 07/01.
Thêm nữa, một ngày sau khi Min Aung Hlaing gặp Hun Sen và tuyên bố gia hạn lệnh ngừng bắn đơn phương đến cuối năm, quân đội bắt đầu pháo kích và tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Loikaw, khiến hàng nghìn người phải bỏ chạy khỏi thủ phủ Bang Kayah.
Chuỗi các cuộc tấn công này dường như được thiết kế để buộc các nhà lãnh đạo sắc tộc thiểu số phải trở lại bàn đàm phán, đồng thời chia rẽ liên minh giữa một số nhóm với NUG. Đó là một chiến thuật từng hiệu quả với chính quyền trước đó, vào đầu những năm 1990, nhưng ngày nay, nó sẽ khó thực hiện hơn nhiều. Không chỉ do sự thay đổi trong tình cảm của công chúng và những thay đổi đáng kể về chính trị, xã hội, và kinh tế trong 30 năm qua, mà còn bởi vì các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số lâu đời đang chiến đấu bên cạnh các lực lượng dân quân kháng chiến mới được thành lập kể từ sau cuộc đảo chính, chẳng hạn như Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, Lực lượng Phòng vệ Chinland, Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Karenni.
Cùng với sự hợp tác ngày càng tăng giữa NUG và các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, một sự thay đổi do đảo chính quan trọng không kém cũng đã diễn ra trong xã hội Myanmar – một sự thay đổi có lẽ còn quan trọng hơn đối với tương lai của đất nước.
Hàng chục năm qua, quân đội đã quy kết các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số và những người ủng hộ họ là “những kẻ ly khai”, tuyên bố rằng các nhóm này có ý định tiêu diệt nhà nước Myanmar, và tự xưng mình là lực lượng nòng cốt gìn giữ đất nước trước mối đe dọa này. Ngay cả sau khi phần lớn các nhóm vũ trang này đã ngừng hoạt động, họ vẫn bị công kích là “những kẻ phá hoại” tiến trình hòa bình của đất nước.
Vì hầu hết người Miến (chiếm đa số) không có trải nghiệm trực tiếp về các cuộc xung đột sắc tộc đang diễn ra ở khu vực gần biên giới, và cũng tương đối ít hiểu biết về những bất bình của các dân tộc thiểu số, nên kiểu tuyên truyền như trên đã bén rễ sâu trong một bộ phận lớn người dân.
Nhưng giờ đây, quân đội đang bắn chết những người biểu tình trên đường phố, tra tấn đối thủ đến chết, dàn dựng các vụ xét xử các nhà lãnh đạo dân cử, và áp dụng các chiến lược chống nổi dậy tàn bạo của mình ngay chính tại những khu người Miến sinh sống, thì quân đội mới là kẻ có vấn đề. Điều này khiến cộng đồng người Miến bắt đầu có một sự đồng cảm mới đối với cuộc đấu tranh của các sắc tộc thiểu số – bao gồm, ở một mức độ nào đó, cả cộng đồng Hồi giáo Rohingya, những người vẫn thường bị xem là dân nhập cư bất hợp pháp trước cuộc đảo chính.
Với mức độ bạo lực hiện nay, và quyết tâm của quân đội trong việc đàn áp mọi kháng cự, thật khó để lạc quan về tương lai của Myanmar. Kịch bản có thể xảy ra nhất vào thời điểm này là một thế bế tắc kéo dài, với những hậu quả nhân đạo tàn khốc.
Nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua những thay đổi quan trọng đã diễn ra trong năm qua – những thay đổi có thể giúp xác định lại mối quan hệ giữa người Miến đa số và các nhóm sắc tộc thiểu số.
Thomas Kean là cố vấn cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group, ICG) về Myanmar và Bangladesh.