Hợp đồng tên lửa BrahMos: Thông điệp gởi Trung Quốc của Philippines và Ấn Độ
Đăng ngày: 24/01/2022
Thanh Hà
Tuần trước Philippines thông báo ký kết hợp đồng 375 triệu đô la trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của Ấn Độ. Do có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, việc Manila tăng cường khả năng phòng thủ được xem là một tín hiệu mạnh gửi đến Bắc Kinh. Còn đối với Ấn Độ, hợp đồng cung cấp tên lửa cho Philippines giúp New Delhi thực hiện một công đôi việc.
BrahMos do một liên doanh giữa Nga và Ấn Độ chế tạo với tầm bắn trung bình 500 cây số nhưng phiên bản New Delhi cung cấp cho Manila là loại tên lửa chống hạm với tầm bắn 290 cây số.
Bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana hôm 14/01/2022 chính thức thông báo trang bị cho hải quân Philippines hệ thống tên lửa chống hạm phóng đi từ đất liền, tăng cường khả năng an ninh phòng thủ trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Biển Đông và vũ khí mới sẽ ưu tiên dành để trang bị cho Hải Quân.
Không trực tiếp nêu lên xung khắc với Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng một quan chức trong quân đội Philippines được hãng tin Nga Sputnik trích dẫn, nhấn mạnh: \”Hệ thống tên lửa mới sẽ giúp tăng cường khả năng răn đe\” trước những mối đe dọa tiềm tàng. Do vậy theo giới phân tích, việc Ấn Độ cung cấp tên lửa siêu thanh cho Philippines chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận dữ.
Về phía Ấn Độ, hợp đồng với Philippines về trị giá tuy còn khiêm tốn, nhưng lại rất quan trọng ở hai điểm.
Đầu tiên hết, hợp đồng này đánh dấu một sự \”cất cánh của nền công nghiệp vũ khí Ấn Độ\” như Rajeswari Pillai Rajagopalan giám đốc Trung Tâm An Ninh, Chiến Lược và Công Nghệ CSST thuộc quỹ nghiên cứu ORF tại New Delhi, ghi nhận. Trong bài tham luận đăng trên báo Nhật The Diplomat hôm 21/02/2022, bà nhắc lại: Từ những thập niên 1950-1960, Ấn Độ đã nỗ lực phát triển trang thiết bị quân sự nhưng lĩnh vực này chưa vươn ra đến thị trường quốc tế và cũng không đủ sức để phục vụ nhu cầu phòng thủ quốc gia.
Hệ quả kèm theo là Ấn Độ lệ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài, từ Nga đến Mỹ và gần đây hơn là vào Pháp. Hợp đồng với Manila cho phép New Delhi tiến gần hơn đến mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ lên tới 5 tỷ đô la vào ngưỡng 2025.
Nhưng điểm quan trọng thứ nhì trong thương vụ mua bán tên lửa hành trình siêu thanh với Philippines liên quan đến cuộc đọ sức đang diễn ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vẫn theo tác giả bài báo trên The Diplomat, không phải tình cờ mà Ấn Độ cung cấp tên lửa cho một quốc gia Đông Nam Á mà đó lại là một quốc gia trực tiếp tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh.
Không chỉ có Philippines, nhiều nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia cũng đang có ý định trang bị tên lửa BrahMos.
Giám đốc quỹ nghiên cứu ORF của Ấn Độ Rajeswari Pillai Rajagopalan lưu ý: \”Chớ nên xem thường tầm mức quan trọng về những khía cạnh chiến lược\” từ quyết định trang bị tên lửa hành trình siêu thanh cho hải quân Philippines.
Cả Ấn Độ và Philippines đang phải đối mặt với \”mối đe dọa Trung Quốc và cũng đang có những xung khắc với ông khổng lồ châu Á này\”. Tên lửa BrahMos sẽ là phương tiện \”giúp Philippines đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông\” và qua đó, chính quyền của thủ tướng Modi mong rằng Bắc Kinh do bị chia trí trên mặt trận Biển Đông, sẽ giảm bớt áp lực ở đường biên giới trên bộ giữa Trung Quốc với Ấn Độ và cả trên vùng Ấn Độ dương.
Nói cách khác, New Delhi cung cấp vũ khí cho Philippines với dụng ý gián tiếp mượn tay Manila tác động đến Trung Quốc, một đối thủ của Ấn Độ. Đó mới chính là điểm then chốt của hợp đồng bán tên lửa BrahMos cho Philippines.
Điều này đã được kiểm chứng qua chính sách đối ngoại của New Delhi trong những năm gần đây, càng lúc càng sẵn sàng đóng một vai trò tích cực hơn trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các quốc gia tại Đông Nam Á cũng như qua liên minh chặt chẽ với nhóm Bộ Tứ bao gồm từ Hoa Kỳ đến Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Việc trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Philippines là dấu hiệu báo trước Ấn Độ tự đặt mình vào tư cách của một đối tác an ninh mới trong vùng Đông Nam Á.