Khủng hoảng Ukraina : 90 tấn \”hàng viện trợ gây sát thương\” của Mỹ đã đến Kiev
Đăng ngày: 23/01/2022
Thùy Dương
Thứ Bảy 22/01/2022, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev cho biết chuyến hàng đầu tiên trong khuôn khổ gói viện trợ quốc phòng 200 triệu đô la của Mỹ đã đến Ukraina.
Theo đài truyền hình Pháp LCI, chuyến bay chở 90 tấn « hàng viện trợ gây sát thương, bao gồm cả đạn dược cho công tác phòng thủ trên tuyến đầu của Ukraina » đã hạ cánh ở một sân bay tại Kievtrong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy. Gói viện trợ 200 triệu đô la đã được Washintgon thông qua vào tháng 12/2021.
Trong khi bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina cảm ơn Mỹ vì chuyến hàng viện trợ vũ trang và tổng thống Ukraina bày tỏ lòng biết ơn chính quyền Canada về khoản cho vay 120 triệu đô la hỗ trợ nền kinh tế Ukraina, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba hôm qua 22/01 trên mạng Twitter lại tố cáo Berlin đã « khích lệ » tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một cuộc tấn công mới nhắm vào Ukraina.
Lời chỉ trích trên được đưa ra sau khi Berlin tuyên bố không bàn giao vũ khí cho Ukraina mà viện trợ cho Kiev một bệnh viện dã chiến trị giá 5,3 triệu đô la.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết thêm lập trường của Đức :
« Hôm qua, một lần nữa, thủ tướng Scholz nhắc lại nước Đức sẽ không chuyển vũ khí cho Ukraina trong bối cảnh từ nhiều năm nay Kiev vẫn đề nghị Berlin hỗ trợ Ukraina về quân sự.
Đối với nước Đức, ngoại giao vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và việc giao vũ khí sẽ chỉ đầu độc thêm các quan hệ căng thẳng hiện tại. Ngoài ra, Berlin còn muốn thắt chặt quy định hiện có về cấm xuất khẩu vũ khí tới những vùng đang có xung đột, kể cả việc bàn giao vũ khí thông qua các nước thứ ba.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock gợi lại lịch sử và vụ Đệ Tam Quốc Xã xâm lược Liên Xô để lý giải cho sự từ chối chuyển giao vũ khí. Đối với Đức, rất khó chấp nhận việc bàn giao vũ khí để giết hại binh lính Nga.
Trong khi đó, để lý giải tại sao Ukraina đề nghị Berlin trang bị vũ trang, đại sứ Ukraina tại Đức cũng gợi nhắc lịch sử liên quan đến việc 8 triệu người dân tại Ukraina từng là nạn nhân của việc bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.
Đứng trước sự lựa chọn khó khăn, Berlin nhấn mạnh sự ủng hộ về mặt chính trị dành cho Ukraina và thông báo là thay vì chuyển vũ khí, sang tháng tới, Berlin sẽ bàn giao cho Ukraina một bệnh viện dã chiến sau khi chuyển giao các thiết bị hô hấp dành cho những người bị thương nặng ».
Cơn bão ngoại giaoUkraina – Đức
Cũng trong ngày 22/01, tư lệnh Hải Quân Đức đã bị buộc từ chức vì gây ra một « cơn bão ngoại giao ». Thứ Sáu 21/01, tại New Delhi, Ấn Độ, trong một cuộc thảo luận với một nhóm tư vấn, phó đô đốc Kay-Achim Schoenbach đã có những phát biểu ủng hộ nước Nga trong cuộc đấu với Tây phương về cuộc khủng hoảng Ukraina.
Ông nói điều mà tổng thống Putin muốn « đó là được tôn trọng » và « rất dễ cho ông ấy (Putin) sự tôn trọng mà ông ấy muốn và có lẽ ông ấy cũng xứng đáng với điều đó ». Kay-Achim Schoenbach thừa nhận đã « thiếu suy nghĩ » khi tuyên bố bán đảo Crimée đã mất và sẽ không bao giờ trở lại là một phần của Ukraina. Ông nhấn mạnh từ chức để tránh gây thêm ảnh hưởng đến Hải quân Đức cũng như cho toàn thể quốc gia.
Một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đức tối 22/01 xác nhận với AFP là phó đô đốc Kay-Achim Schoenbach sẽ từ nhiệm « gần như ngay lập tức ».