Đài Loan: Năm người bị bỏ tù vì giúp Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020

Đài Loan: Năm người bị bỏ tù vì giúp Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020

Năm doanh nhân Đài Loan làm việc tại Trung Quốc đã bị kết tội nhận tiền từ chính quyền Trung Quốc để mua phiếu bầu cho một ứng cử viên thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2020.

January 25, 2022

\"\"
Ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống ở Cao Hùng, Đài Loan, hôm 11/01/2020. (Ảnh: Ann Wang/Reuters)

Hôm 17/01, Tòa án Địa hạt Đài Bắc đã truy tố năm doanh nhân về tội sử dụng tiền của chính quyền Trung Quốc để khuyến khích các công dân Đài Loan sống ở hải ngoại hồi hương và bỏ phiếu cho ứng cử viên Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu) của Quốc Dân Đảng (KMT) trong cuộc tranh cử tổng thống hồi tháng 01/2020.

KMT là đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan, được biết đến với lập trường thân Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử dân chủ của Đài Loan, ông Hàn đã thua Tổng thống Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) với một khoảng cách chênh lệch lớn.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin trích dẫn phán quyết của tòa án cho biết, trong số những người bị kết tội, ông Lâm Hoài (Lin Huai), chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, nhận bản án 46 tháng tù và bị tước quyền công dân trong bốn năm vì vi phạm luật bầu cử và luật bãi nhiệm.

Bốn người khác nhận mức án 20 tháng tù và bị tước quyền công dân trong hai năm.

Bốn người khác bị kết án là chủ tịch Hiệp hội Gia đình mới Hai bờ eo biển Trung Quốc Tưởng Minh Hà (Chiang Ming-sia), Giám đốc Hội Đồng hương Thành phố Thiệu Dương Hồ Nam ở Đài Loan Trương Quốc Quân (Chang Kuo-chun), doanh nhân Trang Hoàn Chương (Chuang Huan-chang) sống tại Hành Dương, và Phó bí thư Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc Trầm Bân (Shen Bin). Họ đã tiến hành kinh doanh ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, theo Thời báo Đài Bắc (Taipei Times).

CNA đưa tin trích dẫn các công tố viên cho biết, ông Lâm và bốn người khác đã tổ chức một sự kiện cuối năm tại một khách sạn ở Trường Sa vào ngày 11/12/2019, để khuyến khích người Đài Loan sống ở Hồ Nam quay trở lại Đài Loan để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp năm 2020 trong khi cung cấp cho họ ăn ở.

Ông Lâm và các bị cáo khác đã tổ chức các cuộc tụ tập, tiệc chiêu đãi, và sự kiện bắt thăm trúng thưởng cho các doanh nhân và sinh viên Đài Loan ở Trung Quốc nhằm thuyết phục họ bỏ phiếu cho ông Hàn, ứng cử viên tổng thống Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh. Họ cũng khai triển một chương trình đặc biệt, cung cấp khoảng 244 USD tiền vé phi cơ cho mỗi người, giúp công dân Đài Loan tại Trung Quốc về nước trước ngày bầu cử 11/01/2020, cuộc điều tra này cho thấy.

Một cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, ông Lý Nguyên Hóa (Li Yuanhua), nói với The Epoch Times rằng Đảng Quốc dân Trung Hoa của Đài Loan (KMT) ban đầu chống cộng trước khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm nhập.

“ĐCSTQ luôn cố gắng xâm nhập và gây ảnh hưởng đến Đài Loan. Họ không bao giờ dừng lại. [ĐCSTQ] có quỹ dành riêng cho mục đích đó. Trường hợp của ông Lâm Hoài là một ví dụ điển hình,” ông Lý nói.

Ít nhất 200 người Đài Loan được xác nhận là đã tận dụng ưu đãi này, trong khi nhiều người khác đã nộp đơn xin tiền. Do đó, ông Lâm và các bị cáo đã bị buộc tội mua phiếu bầu, vi phạm Đạo luật Bầu cử và Bãi nhiệm Tổng thống và Phó Tổng thống, phán quyết này cho biết.

Thời báo Đài Bắc trích dẫn cuộc điều tra cho thấy số tiền để tài trợ cho kế hoạch mua phiếu bầu đến từ chính quyền thành phố Trường Sa và Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của địa phương. Chính quyền của thành phố Trung Quốc này đã phân bổ khoảng 550,000 USD để hỗ trợ trợ cấp cho người Đài Loan về nước bỏ phiếu, trong đó ông Lâm và những người khác đã nộp đơn xin và nhận được khoảng 235,000 USD.

Sự xâm nhập của ĐCSTQ vào chính trường Đài Loan

Văn phòng Công tố quận Đài Bắc đã truy tố tổng cộng bảy cá nhân hôm 08/05/2020, vì vi phạm luật bầu cử và bãi nhiệm. Hai trong số họ được trắng án do không đủ bằng chứng.

Ông Đồng Kiến Hoa (Tung Chien-hua), phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan ở Trường Sa, và bà Hà Kiến Hoa (Ho Jianhua), người đứng đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc tại Đài Bắc, đã được trắng án khỏi các cáo buộc. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết các phán quyết vẫn có thể bị kháng cáo.

Đáng chú ý, bà Hà Kiến Hoa, một trong hai người được trắng án, là người gốc Hoa lấy chồng Đài Loan và sau đó nhập quốc tịch Đài Loan. Bà là thành viên của Đảng Xúc tiến Thống nhất Trung Quốc, còn được gọi là Đảng Thống Nhất, chi nhánh Đài Loan của một đảng chính trị ủng hộ ĐCSTQ, chủ trương thống nhất Trung Quốc với hòn đảo dân chủ tự trị này. Đảng này cũng được biết đến với việc đe dọa các nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và các nhà lãnh đạo ủng hộ Đài Loan độc lập ở Đài Loan, cũng như xuất thân xã hội đen của các thành viên.

Theo một bản tin của CNA, bà Hà dường như đã có đủ tiền sinh hoạt mà không cần thu nhập từ một công việc hợp pháp kể từ khi bà gia nhập một tổ chức do ĐCSTQ hậu thuẫn. Bà cũng là một ứng cử viên lập pháp trong cuộc tranh cử vào Đảng Thống Nhất. Nếu đắc cử, vai trò của bà ở Đài Loan sẽ tương tự như vai trò của một thượng nghị sĩ ở Hoa Kỳ.

Sau khi biết được việc năm doanh nhân Đài Loan câu kết với Bắc Kinh bị kết án, văn phòng của cựu ứng cử viên tổng thống Hàn cho biết ông không biết về các sự kiện này, cũng như trụ sở chiến dịch tranh cử của ông không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ các nhà tổ chức sự kiện đó, CNA đưa tin.

Thái độ cứng rắn của Đài Loan đối với Trung Quốc

Ông Hàn Quốc Du hay Daniel Han là cựu thiếu tá của thành phố cảng phía nam Cao Hùng của Đài Loan, có địa vị tương tự như một thống đốc ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Hàn cũng là thị trưởng đầu tiên của Đài Loan bị cách chức trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tệ hơn, ông Hàn thậm chí đã không đi được nửa nhiệm kỳ đầu tiên của mình trước khi phải đối mặt với một cuộc bầu cử bãi nhiệm.

\"\"
Ông Hàn Quốc Du (chính giữa) cúi đầu trong một cuộc họp báo sau cuộc bầu cử bãi nhiệm tại địa phương ở Cao Hùng, Đài Loan, hôm 06/06/2020. (Ảnh: Hãng thông tấn Trung ương)

Hôm 06/06/2020, cử tri ở thành phố Cao Hùng đã bỏ phiếu áp đảo để loại ông Hàn khỏi chức vụ, chỉ vài tháng sau khi thua cuộc tranh cử tổng thống trước Tổng thống Thái Anh Văn, người hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai của mình trong văn phòng cao nhất. Cuộc bãi nhiệm có tỷ lệ cử tri đi bầu là 42%, cao nhất trong lịch sử bãi nhiệm của Đài Loan và được tất cả, trừ 2.6% số phiếu, ủng hộ.

Ông Hàn, thuộc đảng đối lập lớn nhất, KMT, đã vận động tranh cử tổng thống trên nền tảng thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình nhưng chưa bao giờ cai trị hòn đảo này. Lập trường ủng hộ Trung Quốc của ông Hàn và việc ông rời chức vụ thị trưởng để tranh cử tổng thống đã khiến người dân Cao Hùng rất thất vọng.

Cuộc bầu cử bãi nhiệm, với tỷ lệ cử tri đi bầu đáng kinh ngạc, đã phản ánh thái độ cứng rắn của Đài Loan đối với Trung Quốc, bác bỏ những nỗ lực tăng cường của chế độ này nhằm đưa Đài Loan về dưới trướng họ.

Vào ngày 31/12/2019, cơ quan lập pháp của Đài Loan đã thông qua Đạo luật Chống Xâm Nhập, một đạo luật kiểm soát ảnh hưởng của các tổ chức được coi là lực lượng ngoại quốc thù địch đối với các tiến trình chính trị của Đài Loan, trong đó có các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Luật này nhằm hạn chế hơn nữa các chiến thuật của Bắc Kinh nhằm lật đổ nền dân chủ của Đài Loan. Tuy nhiên, hành vi phạm pháp của ông Lâm Hoài và các bị cáo khác đã diễn ra ngay trước khi luật mới này được ban hành. Họ đã có thể tránh được các bản án và hình phạt có thể còn nghiêm khắc hơn.

Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.

Theo Epoch Time

Bài Liên Quan

Leave a Comment