Hệ lụy xử lý khủng hoảng Ukraina đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc
Đăng ngày: 25/01/2022
Thu Hằng
Trung Quốc đang theo dõi cách Hoa Kỳ và các nước phương Tây xử lý cuộc khủng hoảng Ukraina và quan hệ với Nga để có thể cập nhật chiến lược đối với Đài Loan và các tranh chấp trong vùng.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của Trung Tâm Canergie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh được báo Pháp Le Figaro trích dẫn ngày 21/01/2022, Trung Quốc theo dõi sát diễn biến Ukraina “vì muốn học từ Nga một số chiến thuật có thể sử dụng sau này với Đài Loan”. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ dùng vũ lực để thống nhất, nếu cần thiết.
Trung Quốc muốn học Nga “đạt được nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu”
Bốn chuyên gia về tình báo quân sự châu Âu, được AFP đặt câu hỏi ngày 21/01, đều cho rằng “Nga không được lợi gì khi chiếm Ukraina” vì sẽ quá tốn kém về mọi mặt. Tuy nhiên, điện Kremlin vẫn có thể dùng pháo binh và không quân oanh kích từ xa để đạt được mục tiêu cuối cùng là đàm phán về tương lai an ninh châu Âu và sâu xa hơn là không để “dân chủ” đến sát biên giới. Matxcơva “luôn đạt được những nhượng bộ từ vị thế tương đối yếu” và đây chính là nghệ thuật mà Bắc Kinh ngưỡng mộ, theo nhận định của nhà nghiên cứu Triệu Thông.
Sự tôn trọng, cũng như cam kết của Hoa Kỳ đối với Ukraina và các đồng minh châu Âu, cũng đang được Nga trắc nghiệm. Dù hiện giờ Washington cho thấy sát cánh với Kiev nhưng chiến lược đối phó với Matxcơva lại hoàn toàn “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” với Liên Hiệp Châu Âu. Điểm này cũng sẽ được Bắc Kinh theo dõi sát sao để phân tích thái độ và mức độ hợp tác của Mỹ với đồng minh và đối tác châu Á trong hàng loạt tranh chấp và bất đồng về chủ quyền (từ Biển Đông đến biển Hoa Đông), cũng như cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.
Nếu như tổng thống Joe Biden phải nhân nhượng hay phải lùi bước trước đồng nhiệm Putin ở châu Âu, thì sẽ gây tác động như thế nào đến chiến lược của Mỹ ở châu Á, cũng như đến các nước ở Đông Á và ASEAN đang bị Trung Quốc đe dọa ? Ngược lại, nếu căng thẳng leo thang, dẫn đến xung đột vũ trang, liệu Bắc Kinh có tận dụng thời cơ để thúc đẩy lợi ích chiến lược của họ vào lúc đối thủ số 1 còn đang bận đối đầu với Nga ? Đây là những câu hỏi được François Clémenceau nêu lên trên báo Pháp Le Journal du Dimanche hôm 22/01.
Hiện tại, Mỹ vẫn trấn an các đồng minh và đối tác láng giềng với Trung Quốc. Chiến lược bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông tiếp tục được duy trì. Sự kiện gần đây nhất là hai hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln dẫn đầu một đội tầu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông từ ngày 23/01 và diễn tập với lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở vùng biển phía đông Đài Loan. Cùng ngày, Trung Quốc cũng điều 39 chiến đấu cơ, số lượng kỷ lục từ tháng 10/2021 đến nay, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan để cảnh cáo cả Mỹ và Đài Bắc.
Nga, Trung Quốc “bắt tay” gây sức ép đối với Mỹ ?
Thêm một yếu tố khác liên quan đến sự can thiệp của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraina, bị người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên coi là tin đồn vô căn cứ và bác bỏ hôm 25/01, đó là nhiều nguồn tin chính trị và ngoại giao ở Paris, Kiev, Bruxelles và Washington úp mở rằng việc Nga chưa động thủ ngay là để tránh kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Bắc Kinh không muốn lại bị Matxcơva chiếm “ánh hào quang”, như từng xảy ra năm 2008 khi Nga tấn công Gruzia đúng lúc Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè.
Trong lúc biên giới Ukraina căng thẳng, Iran, Nga và Trung Quốc tập trận chung ở Ấn Độ Dương. Rõ ràng sự kiện này đã được tính toán kỹ để gây sức ép trong bối cảnh phương Tây lục đục, chính sách đối nội của tổng thống Mỹ bị rơi vào ngõ cụt. Nhiều dự án cải cách quan trọng của ông Biden bị bác, ngay cả trong nội bộ đảng Dân Chủ, điểm tín nhiệm của ông sụt giảm trong khi kỳ bầu cử Nghị Viện giữa kỳ đang đến gần (ngày 08/11). Ông Biden chỉ còn mặt trận ngoại giao để lấy lại uy tín. Thế nhưng cả hai đối thủ Trung Quốc và Nga sẽ không để ông dễ dàng hành động.