Lòng dân Ukraine không ưa Putin và \’du kích chiến\’ sẽ đánh bại quân xâm lược?
25 tháng 1 2022
Dù Nga có sức mạnh quân sự áp đảo, và các đồng minh như Hoa Kỳ còn \”chưa rõ ràng\” có ủng hộ Kiev toàn tâm toàn ý, một cuộc chiến nhằm chiếm đóng Ukraine sẽ khiến Putin \”có một Việt Nam của mình\”, theo các báo Anh.
Đầu tiên, sự kiện ông Joe Biden \’lỡ lời\’ gần đây về Ukraine và quân Nga đã gây xôn xao dư luận châu Âu.
James S. Gilmore III, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) viết trên trang Foreign Policy rằng bằng một cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã \”gương cờ trắng\” trước Nga.
Ông Biden nói rằng \”Putin sẽ phải làm gì đó\”, với Ukraine và Hoa Kỳ \”sẽ phản ứng tùy mức độ\”.
Điều này khiến các quan chức Mỹ \”tá hỏa\” và phải vội vàng chữa lời tổng thống nhưng dấu ấn của phát biểu \”lơ đãng về ngoại giao\” từ tổng thống cao niên của Mỹ, đã \”tới tai Putin\”.
Một số báo Đông Âu như ở Ba Lan (trang Wiadomosci) lo ngại rằng \”Biden bật đèn xanh cho Putin xâm lăng Ukraine\”, nhưng sau đó, quan chức Mỹ đã giải thích lại rằng trước cuộc tấn công ví dụ như trên mạng, sẽ chỉ cần đáp trả tương ứng.
Dù vậy, việc Mỹ và EU có nói gì thì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chính ông Putin. Ra lệnh tấn công thì dễ, nhưng lường trước rủi ro lâu dài thì khó.
Về tương quan lực lượng cho chiến tranh toàn diện, Ukraine không thể nào địch nổi nước Nga.
Ukraine hiện chi tiêu cho quốc phòng 4,3 tỷ USD/năm, bằng 1/20 của Nga 43,2 tỷ.
Nga có 2.840 xe tăng, còn Ukraine chỉ có 858.
Số pháo của Nga là trên 4000 khẩu, so với Ukraine chừng 1.800.
Nga có 1.160 phi cơ, hơn nhiều con số 125 của Ukraine.
Thế nhưng, các loại vũ khí chống tăng của Anh, Mỹ cung cấp cho Ukraine, và cả drone vũ trang mua từ Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng gây sát thương đánh kể cho quân Nga.
Tuy vậy, điều quyết định là lòng dân ở Ukraine.
Theo Dominic Lawson nhà bình luận kỳ cựu của báo The Sunday Times (23/01/2022), khi sử dụng các nhóm vũ trang nói tiếng Nga ở Đông Ukraine (vùng Donbas) như \”quân cờ\” làm suy yếu Kiev, ông Putin đã không tính được sự chuyển biến trong tâm lý người Ukraine.
Bị bắt nạt liên tục, bị cưỡng bức phải \”yêu quý Putin\”, họ lại càng không hề có mong muốn được \”trở về với Mẹ Nga\”.
Các thăm dò dư luận ở Ukraine gần đây cho thấy \”hàng triệu công dân sẵn sàng chiến đấu chống trả quân Nga\”.
Mà người Ukraine đã nổi tiếng với cuộc chiến du kích chống lại quân Hitler khi Wehrmacht tràn sang Liên Xô năm 1942.
Cần nhắc, năm 1994, có tới 92,4% dân Ukraine bỏ phiếu ủng hộ việc trả cho Nga, nước hậu thân của Liên Xô, kho vũ khí hạt nhân, để Ukraine không còn dính líu gì với quá khứ đó và được độc lập.
Theo Dominic Lawson, ở phía Nga thì Putin chỉ có lính quân dịch và tâm lý chung là dân Nga không muốn chiến tranh.
Điều này, kể cả khi một cuộc tiến công chớp nhoáng xảy ra, quân Nga có thể thắng trận ban đầu, như Hoa Kỳ ở Iraq, nhưng sẽ bị chiến tranh du kích trên cả nước Ukraine gây đổ máu.
Ông Lawson tin rằng như thế, phải so sánh vấn đề của Nga với \”cuộc chiến Việt Nam\” làm tiêu hao tinh thần, sức người và vật chất của Hoa Kỳ trước đây.
Ý kiến tương tự về \’Cuộc chiến Việt Nam của Putin ở Ukraine\’ cũng được đại tá quân đội Anh Richard Kemp nói với trang The Sun Online.
Đông Âu là \’con hoang của khối XHCN\’ do Nga lãnh đạo?
Bài báo của ông Lawson còn bác bỏ cách lập luận \”bá quyền\” của Moscow, qua lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov viết trên Twitter rằng các nước Đông Âu \”là những đứa con hoang sau khi Khối Hiệp ước Warsaw tan rã, được Nato nhận vào\”.
Các \”vùng lãnh thổ này chưa hề có chủ quyền, chưa hề tự do, chỉ chưa có ai làm chủ\” (nguyên văn: Those erritories orphaned by the collapse of the Warsaw Treaty Organisation and the Soviet Union are not sovereign, independent or free, but \’unowned\’), lãnh đạo Nga nói.
Lời xúc phạm của ông Lavrov phủ nhận chủ quyền của các nước Đông Âu đã bị lên án (xem thêm).
Đây là lý do Nga muốn Nato rút quân ra khỏi cả Bulgaria và Romania, điều lãnh đạo các nước này cho là \”yêu cầu nực cười\”.
Ý tưởng của ông Putin bác bỏ Ukraine \”là một quốc gia\”, xem ra không thuyết phục chính người dân Ukraine, nên cùng lúc, ông lại nói \”tương lai Ukraine phải do công dân Ukraine quyết định\”.
Trên thực tế, như bài trên Foreign Policy nhận xét, Nga đã từng xâm lăng Ukraine năm 2014, chiếm Crimea và để lại các nhóm phiến quân chỉ có Moscow công nhận ở Donbas.
Năm 2008, Nga cũng đem xe tăng \”trừng phạt\” Georgia.
Biện pháp quân sự để \”trừng trị dân các nước láng giềng\” vì họ theo Phương Tây mà Kremlin tiến hành bấy lâu này không hợp lòng người.
Nhà báo David Herseznhorn, trưởng văn phòng báoPolitico ở Brussels có chuyến đến các làng Ukraine giáp Donbas cuối tháng 12/2021, và chứng kiến cuộc sống khốn khó, bị phía Nga bắn tỉa, pháo kích triền miên từ 2014.
Đa số dân nói tiếng Nga nhưng không một ai, cả phụ nữ, trẻ em hoan nghênh viễn cảnh \”về với Putin\”.
Thậm chí nhiều nhóm dân quân Ukraine còn nói châu Âu, Hoa Kỳ \”hãy dũng cảm lên, đừng sợ Putin\”, vì với người dân phía Đông Ukraine, tinh thần dân tộc của họ được bồi đắp mấy năm qua và họ \”sẵn sàng chiến đấu\” khi quân xâm lược tràn sang.
Dù hiện Nga bác bỏ họ có kế hoạch \”xâm lược Ukraine\”, thế trận Chiến tranh Lạnh mới trên thực tế đã hình thành.
James S. Gilmore III cho rằng xung quanh vấn đề Ukraine, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra, sẽ quyết định tương lai châu Âu và thế giới (A \”New Cold War\” to Decide the Future of Europe—and the World).
Các nước châu Âu đang phải quyết định có thái độ ra sao, sau khi Trung Quốc phải quyết định đứng về phía Nga hay không và nếu ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine thì ủng hộ như thế nào.