Afghanistan: Phương Tây tái khẳng định viện trợ nhân đạo gắn liền với tôn trọng nhân quyền
Đăng ngày: 26/01/2022
Trọng Thành
Đối thoại giữa Taliban và các nước phương Tây tại Na Uy kết thúc hôm qua, 25/01/2022. Các bên không đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng phương Tây tái khẳng định, việc nối lại các viện trợ nhân đạo cần gắn liền với việc chế độ Taliban ở Afghanistan tôn trọng các quyền căn bản của người dân, đặc biệt quyền của phụ nữ.
Theo AFP, các nước phương Tây đã chuyển đến phái đoàn Taliban thông điệp gắn liền việc nối lại viện trợ nhân đạo với các đòi hỏi nhân quyền trong cuộc họp kín tại Oslo, Na Uy hôm qua. Đặc phái viên của Liên Hiệp Châu Âu tại Afghanistan, ông Tomas Nikkasson, một lần nữa nhắc lại nguyên tắc này, trong một thông điệp như sau trên Twitter : « Tôi cũng đã nhấn mạnh là các trường tiểu học và trung học phải được mở ra cho các học sinh nam và nữ trên khắp cả nước, khi năm học bắt đầu vào tháng Ba ». Thông điệp nói trên là câu trả lời cho nhận định trước đó của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Taliban, hoan nghênh cam kết của Liên Hiệp Châu Âu « tiếp tục viện trợ nhân đạo tại Afghanistan ».
Không có tuyên bố chính thức
Đoàn Taliban rời Oslo hôm qua, đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào. Trong ba ngày tại Na Uy, phái đoàn Taliban đã có các cuộc gặp song phương với một quan chức cấp cao Pháp, các đặc phái viên Anh và Đức, các đại diện của bộ Ngoại Giao Na Uy. Không có tin chính thức về việc gặp các đại diện của Mỹ.
Theo giới quan sát, đối với chế độ Taliban, chuyến đi Na Uy và các cuộc gặp với đại diện nhiều quốc gia phương Tây đã là một bước đi hướng đến sự công nhận quốc tế. Bộ trưởng Ngoại Giao Taliban, hôm thứ Hai 24/01, khẳng định : « Việc đến Na Uy tự thân đã là một thành công… Từ các cuộc gặp này, chúng tôi chắc chắn sẽ thu hút được một sự ủng hộ trong các lĩnh vực nhân đạo, y tế và giáo dục tại Afghanistan ».
« Bước đi đầu tiên hướng đến thương lượng với Taliban »
Về phần mình, Na Uy, quốc gia chủ nhà, nhấn mạnh là các cuộc gặp giữa đại diện các nước phương Tây và Taliban hoàn toàn không phải là « một sự hợp thức hóa hay công nhận » chính phủ Taliban. Tuy nhiên, thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cũng công nhận là chuyến đi này « là một giai đoạn đầu tiên để bắt đầu thương lượng với những người đang nắm quyền trên thực tế tại Afghanistan ».
Dưới chế độ Taliban, cho đến nay về cơ bản phụ nữ bị loại ra khỏi khu vực nhà nước, đa số các trường học trung học cho trẻ em gái bị đóng. Tại Oslo, việc hai nhà tranh đấu nữ quyền mất tích sau khi tham gia vào một cuộc biểu tình tại Kabul tuần trước đã được nêu ra. Phái đoàn Taliban phủ nhận có vai trò trong vụ hai nhà tranh đấu mất tích.
Áp lực nối lại viện trợ gia tăng
Hiện tại khoảng 55% dân Afghanistan bị nạn đói đe dọa, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Áp lực nối lại viện trợ nhân đạo cho Afghanistan gia tăng từ phía giới bảo vệ nhân quyền. Tuyên bố với AFP hôm qua, ông Jan Egland, người đứng đầu Hội Đồng Na Uy vì Người Tị Nạn khẳng định « không thể cứu được các sinh mạng, nếu trừng phạt không được dỡ bỏ ».
Tại Oslo, một nhà quan sát phương Tây cho biết « hiện đã có một số thay đổi dần dần từ hai phía. (…) chúng ta cần có thêm một số cuộc họp như vậy, trước khi Taliban và phương Tây có thể đối thoại được với nhau ».