Mời lãnh đạo Miến Điện tham dự ASEAN, nếu đạt tiến bộ về thỏa thuận 5 điểm

Mời lãnh đạo Miến Điện tham dự ASEAN, nếu đạt tiến bộ về thỏa thuận 5 điểm

Đăng ngày: 26/01/2022

Trọng Thành

Hôm qua, 25/01/2022, thủ tướng Cam Bốt thông báo mời tướng Min Aung Hliang tham gia thượng đỉnh ASEAN, nếu chính quyền quân sự “đạt tiến bộ” trong việc thực thi thỏa thuận 5 điểm của ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo Indonesia và Singapore cho rằng chính quyền quân sự Miến Điện “chưa có tiến bộ đáng kể nào” trong việc thực thi Thỏa thuận 5 điểm.

Trang mạng Facebook của chính phủ Cam Bốt cho biết thủ tướng Hun Sen với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022 tuyên bố “đã mời ông Min Aung Hlaing tham gia thượng đỉnh ASEAN nếu có những tiến bộ trong việc thực hiện thỏa thuận 5 điểm”. Thông báo của chính quyền Cam Bốt được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa thủ tướng Cam Bốt và đồng nhiệm Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Theo thủ tướng Cam Bốt, nếu không đạt được tiến bộ, tập đoàn quân sự Miến Điện “sẽ phải cử một đại diện phi chính trị tới các cuộc họp của ASEAN”.  

Theo Reuters, thoạt tiên thủ tướng Cam Bốt đã muốn mời tướng Min Aung Hliang tham gia thượng đỉnh, nhưng ý định của ông Hun Sen đã bị nhiều lãnh đạo ASEAN, trong đó có Malaysia, Indonesia và Singapore phản bác.  

Bộ Ngoại Giao Malaysia ra thông báo cho biết thủ tướng Malaysia Ismail Sabri đã nói với đồng nhiệm Hun Sen là phải giảm “leo thang căng thẳng” tại Miến Điện, trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị.  

Indonesia và Singapore: chủ tịch ASEAN phải tạo điều kiện thực thi Thỏa thuận 5 điểm  

Theo truyền thông Indonesia, hôm qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có cuộc họp báo tại Bintan, Indonesia, sau cuộc họp của chính phủ hai bên, với Miến Điện là chủ đề trọng tâm. Trong cuộc họp báo, thủ tướng Singapore nhấn mạnh quan điểm của Singapore và Indonesia là tình hình Miến Điện \”vẫn còn nghiêm trọng\”. Singapore và Indonesia cam kết giúp “Miến Điện đạt được một giải pháp hòa bình bền vững vì lợi ích của người dân, nhưng điều cần thiết là chủ tịch ASEAN (tức Cam Bốt) và đặc phái viên của chủ tịch ASEAN về Miến Điện phải thu hút được sự tham gia của tất cả các bên liên quan”.  

Theo Thỏa thuận 5 điểm của ASEAN về Miến Điện, được thông qua hồi cuối tháng 4 năm ngoái, trong nhiệm kỳ Indonesia làm chủ tịch, đặc phái viên về ASEAN phải được phép gặp tất cả các bên liên quan trong khủng hoảng Miến Điện. Điều đó có nghĩa là không được phép loại trừ cựu lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi, hiện đang bị tập đoàn quân sự giam giữ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment