Putin có vô số phương án đánh phá Ukraina vào lúc Âu-Mỹ thiếu đối sách chung

Putin có vô số phương án đánh phá Ukraina vào lúc Âu-Mỹ thiếu đối sách chung

Đăng ngày: 26/01/2022

Trọng Nghĩa

Hồ sơ Ukraina tiếp tục là đề tài thu hút mối quan tâm của báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 26/01/2022, nhất là khi vào hôm qua, Matxcơva lại tung ra những cuộc tập trận mới ở miền nam nước Nga, gần biên giới Ukraina, và tại vùng Crimée đã bị sáp nhập. Các động thái phô trương uy lực này được tiến hành vào lúc mâu thuẫn đã lộ rõ giữa Mỹ và châu Âu về đối sách chống Nga trên vấn đề Ukraina. 

Ngay trên trang nhất, trong một khung nhỏ nhưng ở một vị trí đập mắt, Le Monde chạy tựa: “Ukraina: Phương Tây bị giằng xé giữa leo thang hay xoa dịu”. Le Figaro cũng giới thiệu trên trang nhất nội dung chính của hồ sơ Ukraina: “Mỹ và các đồng minh không nhất trí về chiến lược đối đầu với Vladimir Putin”. 

Le Monde nhắc lại rằng tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Thứ Hai 24/01 đã hội đàm với các lãnh đạo châu Âu theo một nghi thức long trọng, cho thấy rõ tính chất cấp bách của việc hai bên phải nói cùng một giọng sau nhiều ngày do dự phân vân.  

Theo nhật báo Pháp, châu Âu và Hoa Kỳ đều nhất trí bác bỏ hầu hết các yêu sách của Nga, nhưng lại mỗi bên một kiểu về cách thức ngăn chặn Nga can thiệp quân sự vào Ukraina. Mỹ đã đặt 8.500 quân vào tình trạng báo động và, giống như Vương quốc Anh, đã cho sơ tán gia đình của các nhân viên ngoại giao ra khỏi Ukraina. Ngược lại, Paris và Berlin, dù vẫn đe dọa trừng phạt Nga, nhưng cho rằng đàm phán với Matxcơva vẫn phải là ưu tiên. 

Le Figaro cũng ghi nhận sự kiện tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Đức Scholz “vẫn đặt cược” vào hiệu quả của việc đối thoại với Nga, trong lúc “thái độ thiếu dứt khoát của Joe Biden làm suy yếu sức răn đe của Washington”. 

Bất đồng Mỹ-Âu trong cách đối phó với Nga cũng được nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong bài: “Washington và Matxcơva gườm nhau, Paris và Berlin cố gắng xoa dịu tình hình”.  

Theo tờ báo, Nga đã quyết định khởi động những cuộc tập trận bất ngờ ở Crimée trong lúc tổng thống Mỹ Joe Biden nói rõ hơn về các biện pháp mà Washington sẽ áp dụng nếu Nga xâm lược Ukraina. 

Trong bối cảnh đó, tại châu Âu, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã thảo luận với nhau về các phương thức bắt đầu giảm căng thẳng. Đối với Les Echos, một trong những mối lo của châu Âu là nguy cơ Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu, nơi đang nhập từ Nga 40% lượng khí đốt sử dụng. 

Phương án tấn công Ukraina của Nga rất đa dạng

Riêng Le Monde, trong một bài phân tích dài của thông tín viên tờ báo tại Matxcơva, đã nhấn mạnh đến các khó khăn mà Phương Tây đang gặp phải trong hồ sơ Ukraina: Đó là tính chất mập mờ mà tổng thống Nga duy trì trong các đòi hỏi của mình, vào lúc mà các hướng hành động mà Matxcơva có trong tay rất đa dạng. 

Trong bài viết “Các phương án của Putin tại Ukraina: Can thiệp quân sự, leo thang ngoại giao hoặc tấn công mạng”, Le Monde cho rằng việc duy trì sự mơ hồ là một chiến thuật mà Nga sử dụng trong đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraina, nhưng tình trạng mập mờ còn đến từ một yếu tố khác: Tại Nga, mọi sự đều nằm trong tay một người: tổng thống Vladimir Putin. 

Điều đáng ngại là hiện nay không ai biết cái giá mà tổng thống Nga sẵn sàng trả để đạt được các mục tiêu của mình, cũng như những thỏa hiệp có thể chấp nhận được đối với ông. Về Ukraina, cho đến nay ông Putin vẫn tự hài lòng với những công thức mơ hồ, tuyên bố rõ rệt nhất của ông về tình hình căng thẳng hiện nay là lời cảnh báo rằng nếu đàm phán với phương Tây thất bại, Nga sẽ đưa ra những “phản ứng quân sự-kỹ thuật”, sẽ được xác định sau khi tham khảo ý kiến ​​của “giới chuyên gia quân sự”. 

Nga chống duy trì nguyên trạng tại Ukraina

Theo Le Monde, điều chắc chắn duy nhất hiện nay là Matxcơva không chấp nhận duy trì nguyên trạng tại Ukraina, và đối với Vladimir Putin, phải giải quyết “dứt điểm” một vấn đề mà ông cho là cần thiết cho di sản mà ông sẽ để lại. Trong trường hợp Ukraina, cái giá phải trả cho việc không hành động có vẻ cao hơn sự leo thang. 

Từ vài tuần lễ nay, các thủ đô phương Tây đã sử dụng thuật ngữ chung là “xâm lược Ukraina”. Trên thực tế, khả năng can thiệp của Nga đa dạng hơn. Việc dồn quân đến vùng giáp giới Ukraina đã diễn ra dần dần, bắt đầu từ mùa xuân năm 2021. Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng triển khai ở Belarus, trong khuôn khổ một cuộc tập trận lớn, cho phép mở thêm một chiến tuyến ở sườn phía bắc Ukraina. 

Đối với giới phân tích, cái giá phải trả cho một chiến dịch xâm lược Ukraina trên quy mô lớn sẽ rất cao: Nga sẽ bị cô lập, sẽ bị những biện pháp trừng phạt mới, nhưng ngay cả trên thực địa, việc đánh chiếm quản lý các vùng lãnh thổ rộng lớn sẽ rất tốn kém nhân lực, đặc biệt khi lính Nga phải đối mặt với quân đội Ukraina đã được hiện đại hóa và dân chúng thù địch. Khó có thể tự nhận trách nhiệm trước những hình ảnh các thành phố Ukraina bị bắn phá. 

Theo Le Monde, kịch bản về một chiến dịch xâm lược Ukraina đã bị giới quan sát Nga bác bỏ, nhưng đối với một nhà cựu ngoại giao Nga, “các cuộc đàm phán ngoại giao được thiết kế ngay từ đầu để thất bại và kể từ đó, các phương tiện quân sự rõ ràng đã hướng về Kiev”, thủ đô Ukraina. 

Kịch bản khác ngoài việc xâm lược trên quy mô lớn

Các kịch bản quân sự khác, với quy mô nhỏ hơn cũng tồn tại, từ các cuộc tấn công có trọng điểm, tấn công ngắn hạn nhằm làm tiêu hao lực lượng Ukraina, cho đến hỗ trợ cho một cuộc tấn công lớn của phe Ukraina ly khai thân Nga ở vùng Donbass… Trong lĩnh vực mạng, cuộc tấn công gần đây nhằm vào các định chế Ukraina đã được Kiev coi như một lời cảnh cáo.  

Vấn đề, theo Le Monde, là liệu những hành động hạn chế kể trên có thể ảnh hưởng đến các định hướng chiến lược của Ukraina trong dài hạn hay không. 

Trong các phương án hành động của Matxcơva, cũng có thể kể đến các đòn ngoại giao. Phe Cộng Sản trong Nghị Viện Nga chẳng hạn, ngày 19/01 vừa qua, đã kêu gọi công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraina. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từ chối loại trừ khả năng này, cũng như việc mở các căn cứ quân sự Nga ở các nước đồng minh của Matxcơva ở vùng Châu Mỹ Latinh. 

Chuyên gia Fyodor Lukyanov, giám đốc một tổ chức tư vấn thân cận với chính quyền “Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu – Russia in Global Affairs” cũng khuyên là không nên tập trung vào Ukraina. Theo ông, hướng đi sắp tới đây của điện Kremlin sẽ không mang tính quyết định mà là một “màn phô trương lực lượng rầm rộ” nhằm gia tăng sức ép trong các cuộc đàm phán tương lai. 

Theo nhà phân tích này, Nga có thể xem xét việc triển khai vũ khí hạt nhân ở các địa điểm mới hoặc triển khai quân ồ ạt ở Belarus, dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận được loan báo là sẽ diễn ra vào tháng Hai. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment