300 công nhân nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị cách ly hoàn toàn suốt tám tháng

300 công nhân nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bị cách ly hoàn toàn suốt tám tháng

2022.01.25

\"300Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận AFP00:00/03:55 

Khoảng 300 công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã phải làm việc trong tình trạng bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài suốt tám tháng, với lý do dịch bệnh bùng phát mạnh. Hiện giờ đã là cận Tết, nhiều công nhân bức xúc yêu cầu được cho về với gia đình nhưng chưa được giải quyết.

Một công nhân làm việc tại nhà máy Vĩnh Tân 1 hôm 23/1 nói với RFA , nhưng ẩn danh vì lý do an toàn, rằng kể từ ngày 1/6/2021, tình hình dịch bệnh ở địa bàn tỉnh Bình Thuận trở nên phức tạp, nên tất cả người lao động ở đây phải làm việc, ăn ở luôn trong nhà máy, không được ra ngoài địa phương, nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc ngay lập tức: 

“Hiện tại bọn em cách ly trong này là từ ngày 1/6 cho đến hiện tại luôn, cách ly trong nhà máy, ăn uống, đi làm trong nhà máy không có được tiếp xúc ra ngoài xã hội.

Ở nhà máy hiện tại nếu tính người Việt Nam không thì khoảng gần 300 người. Ăn ở, sinh hoạt thì người ta cấp phòng bình thường nhưng mà chỉ mong muốn được đi ra ngoài sống với cộng đồng xã hội.”

Người này cho biết ở trong khu vực có ba nhà máy nhiệt điện. Nhà máy 2 và nhà máy 4 là của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) thì công nhân đã được ra ngoài từ một tháng trước. Riêng nhà máy nhiệt điện 1 là của Trung Quốc, vẫn chưa cho công nhân ra ngoài, cũng không thông báo khi nào sẽ ngừng cách ly.

Hiện giờ, nhiều công nhân bức xúc yêu cầu được về nhà sau giờ làm việc, sum họp với gia đình trong mùa Tết sắp tới nhưng chưa được giải quyết:

“Người dân địa phương muốn là đi làm rồi về ăn cái Tết với gia đình nhưng mà công ty không có giải quyết. Mọi người cũng có ý kiến lên công ty nhưng mà công ty sẽ dập tắt ngay.

Toàn bộ anh em ở trong này họ đều rất khó chịu và bức xúc nhưng cũng không ai dám đứng lên. Bởi vì người ta cũng sợ ảnh hưởng đến cuộc sống. Những cá nhân lẻ tẻ đứng lên thì cũng sợ sau này bị lãnh đạo đì hoặc là tìm cách đuổi, thì mất đi công việc nuôi gia đình, cho nên người ta không dám.”

Một người khác hay ra vào làm việc ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, cũng yêu cầu giấu tên,  xác nhận rằng có tình trạng công nhân ở lại suốt tám tháng. Tuy nhiên, mọi người ở nhà máy 4 đã được cho ra ngoài.

Trước bức xúc của người lao động, phía Công đoàn có xuống lắng nghe và thu thập ý kiến, nguyện vọng của công nhân để làm việc với lãnh đạo công ty. Đến nay, cả hai phía công ty và Công đoàn đều không có thông báo gì thêm:

“Hôm trước Công đoàn có lấy ý kiến của mọi người trong công ty nhưng cuối cùng không thấy Công đoàn trả lời lại là tình hình như thế nào. Em cũng có nghe nói là Công đoàn có làm việc với phía lãnh đạo công ty nhưng cuối cùng không thấy bên nào trả lời cho công nhân.”

Người công nhân thứ nhất chuyển cho RFA một văn bản có mộc đỏ và chữ ký của Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận gửi cho lãnh đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào ngày 13/1/2022. Nội dung văn bản cho biết công ty này đã trên 28 ngày không có ca mắc mới, đủ tiêu chuẩn vùng xanh, yêu cầu tạo điều kiện cho lao động rời nhà máy. 

Tuy nhiên, đến ngày 24/1, mọi người vẫn tiếp tục bị giữ trong nhà máy.

Theo quy định tại Việt Nam, có bốn mức độ nguy cơ dịch bao gồm: 

– Màu xanh: Mức Bình thường mới.

– Màu vàng: Mức Nguy cơ.

– Màu cam: Mức Nguy cơ cao.

– Màu đỏ: Mức Nguy cơ rất cao

Phóng viên RFA liên hệ với ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Tuy Phong để tìm hiểu sự việc, ông Sơn nói không biết thông tin này, yêu cầu gọi qua Chánh văn phòng Uỷ ban huyện. RFA tiếp tục liên hệ tới UBND huyện Tuy Phong nhưng không có ai nghe máy.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, toàn tỉnh Bình Thuận áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 20/7/2021. Riêng hai địa bàn là thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết áp dụng Chỉ thị 16. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong thuộc vùng nguy cơ màu vàng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment