Nga đưa máu tới Ukraine khiến Mỹ thêm lo ngại
Nga không những huy động lực lượng gần Ukraine mà còn huy động cả nguồn cung ứng tiếp tế máu và các vật dụng y khoa để có thể chữa trị thương binh, một chỉ dấu quan trọng nữa cho thấy sự sẵn sàng của quân đội Nga, ba giới chức Mỹ cho Reuters biết.
Các giới chức Mỹ đã hồi hương và đương chức nói những chỉ dấu cụ thể – như tiếp tế máu- là quan trọng để xác định liệu Moscow có sẵn sàng xâm chiếm Ukraine hay không, một khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh.
Diễn tiến này diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng cảnh báo rằng là Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Ukraine khi tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dự đoán rất có thể xảy ra cuộc tấn công của Nga và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói Nga có thể mở một cuộc tấn công mới vào Ukraine với một thông báo sát nút.
Ngũ Giác Đài từng công nhận là việc triển khai “yểm trợ y tế” nằm trong khuôn khổ cuộc huy động binh sĩ của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc không bình luận về việc Nga tiếp tế nguồn cung máu tới khu vực nhưng lưu ý các cảnh báo trước nay của Mỹ về sự sẵn sàng của quân đội Nga.
Ngũ Giác Đài từ chối thảo luận về những đánh giá tình báo.
Các giới chức Nga liên tục phủ nhận có kế hoạch xâm lược. Tuy nhiên Moscow nói họ cảm thấy bị đe dọa vì những quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với phương Tây.
Tổng thống Nga ngày 28/1 nói Mỹ và NATO không giải quyết những đòi hỏi an ninh chính của Nga trong vấn đề Ukraine, nhưng Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán.
Ông Biden từng tuyên bố sẽ không đưa quân đội Mỹ hay quân đồng minh sang Ukraine chống Nga nhưng nhấn mạnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc điện đàm hôm 27/1, rằng Washington và đồng minh sẵn sàng đáp trả quyết liệt nếu Nga xâm chiếm quốc gia cựu Xô Viết, Tòa Bạch Ốc nói.
Mỹ và các nước đồng minh đã cảnh cáo Nga sẽ phải chịu những chế tài kinh tế mạnh mẽ nếu tấn công Ukraine.
Các nước phương Tây liên tục áp đặt nhiều vòng chế tài kinh tế kể từ khi binh sĩ Nga chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Tuy nhiên những động thái như vậy không ảnh hưởng đủ mạnh lên chính sách của Nga. Moscow, nguồn cung cấp năng lượng chính cho EU, cho rằng phương Tây sẽ không có các bước nghiêm trọng để can thiệp vào việc xuất khẩu khí đốt.Theo VOA