Bắc Hàn công bố hình ảnh vụ phóng loại tên lửa lớn nhất kể từ 2017
31 tháng 1 2022
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn đã công bố những hình ảnh được cho từ vụ phóng loại tên lửa lớn nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Những hình ảnh cho thấy bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh nhìn từ không gian.
Bắc Hàn nói rằng tên lửa đạn đạo được phóng là Hwasong-12 tầm trung.
Hàn Quốc và Nhật Bản nói rằng tên lửa này đã đạt độ cao 2.000 km trước khi đáp xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Cả hai quốc gia đã lên án vụ phóng, cũng là lần thứ 7 trong tháng này.
Những hình ảnh do Hãng thông tấn Nhà nước Bắc Hàn (KCNA) công bố được cho chụp từ một camera gắn vào đầu đạn tên lửa.
Hai bức ảnh cho thấy thời điểm phóng và những hình ảnh khác ho thấy rõ ràng được chụp vào thời điểm giữa hành trình bay.
Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc ước tính tên lửa này đã bay trong 30 phút và đạt cự ly 800 km.
Liên Hiệp Quốc đã cấm Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo và đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt.
Thế nhưng quốc gia Đông Á này thường xuyên không tuân thủ và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia.
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã kêu gọi Bắc Hàn tham gia các cuộc hội đàm trực tiếp về các chương trình hạt nhân và tên lửa mà không có điều kiện trước, theo tường thuật của Reuters.
\”Chúng tôi tin rằng hoàn toàn thích hợp và đúng đắn khi bắt đầu có các cuộc trao đổi nghiêm túc,\” quan chức này nói.
Mỹ trước đó đã kêu gọi Bắc Hàn \”không gây nên những hành động làm tình hình bất ổn thêm\”.
Các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn thường được truyền thông nhà nước công bố một ngày sau đó.
Vào hôm nay 31/1, KCNA nói rằng tên lửa đã được phóng để \”xác nhận tính chính xác\”. Và lãnh đạo Kim Jong-un đã không tham dự, theo tường thuật.
Theo KCNA thì tên lửa đã được \”phóng từ hệ thống góc cao nhất từ khu vực tây bắc đến Đông Hải [Hàn Quốc gọi đó là \’East Sea\’, và chữ Hán là \’Đông Hải\’ (Donghae)] với sự cân nhắc an ninh của những quốc gia lân cận.\”.
Chuyên gia phân tích về Bắc Hàn, Ankit Panda nói rằng sự vắng mặt của Kim Jong-in và ngôn từ được truyền thông dùng để mô tả vụ phóng cho thấy vụ thử nghiệm được thực hiện để kiểm tra khả năng vận hành của hệ thống tên lửa thay vì phô diễn công nghệ mới.
KCNA cũng cho biết tên lửa được thử nghiệm là Hwasong-12 tầm trung. Đây là lần đầu tiên loại tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với kích cỡ này được phóng kể từ năm 2017.
Vào năm 2017 thì loại tên lửa này đã được phóng thử nghiệm 6 lần bao gồm 2 lần bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản, gây kích hoạt hệ thống báo động đối với các cư dân sống tại đây.
Bắc Hàn trước đó cũng nói rằng tên lửa Hwasong-12 có thể mang theo một \”đầu đạn hạt nhân nặng kích cỡ lớn.\”
Lần thử nghiệm thứ 7 trong tháng Một
Ngày 30/1 là vụ phóng thử tên lửa lần thứ 7 của Bắc Hàn kể từ đầu năm nay, và khiến tháng Một trở thành tháng bận rộn nhất trong chương trình tên lửa của quốc gia này.
Các chuyên gia nói rằng có nhiều lý do đằng sau liên tiếp các vụ phóng, bao gồm yếu tố chính trị là muốn thị uy sức mạnh với các cường quốc trong khu vực và toàn cầu, một mong muốn của Kim Jong-un nhằm gây áp lực cho Mỹ quay trở lại các cuộc hội đàm hạt nhân vốn đã bị chững lại khá lâu và cũng là nhu cầu thực tế để kiểm tra hệ thống quân sự và kỹ thuật mới.
Thời điểm phóng cũng được xem quan trọng, chỉ trước thềm Thế Vận hội Mùa Đông ở Trung Quốc và trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3.
Và các vụ phóng cũng xuất hiện khi nền kinh tế suy kiệt của Bắc Hàn vì các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu, khó khăn vì đại dịch Covid và hàng thập kỷ quản lý sai lầm.
Tiến sĩ Daniel Pinkston, chuyên ngành quan hệ quốc tế nói với BBC rằng Bắc Hàn có lẽ đang phát đi tín hiệu không những đến với cường quốc như Trung Quốc, Mỹ và cả Hội đồng Bảo An, mà còn những đối thủ trong khu vực:
\”Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra, vì vậy điều này tương thích với thái độ trong quá khứ của Bắc Hàn nhằm cố gắng làm nhụt chí Hàn Quốc và vị tổng thống mới\”, Tiến sĩ Pinkston từ Đại học Troy và hiện đang sống ở Hàn Quốc nhận định.
Theo một số chuyên gia phân tích khác thì các tên lửa được thử nghiệm hồi đầu tháng này đã cho thấy Bắc Hàn đang phát triển công nghệ có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa phức tạp và đắt tiền mà Mỹ và Nhật Bản đang triển khai tại khu vực.
Giáo sư Kim Dong Yup, cựu sĩ quan trong Hải quân Hàn Quốc nói rằng: \”Họ muốn có một hệ thống đánh chặn giống như đuôi của một con bò cạp.\”
\”Mục đích chính của Bắc Hàn là không tấn công mà tự vệ,\” Giáo sư Kim nói và cho biết thêm quốc gia này đang cố gắng \”đảm bảo một năng lực đánh chặn đa dạng\”.
Vào năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã công bố một thời gian dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa nhất (ICBM).
Thế nhưng vào năm 2019, Kim Jong-un nói rằng không còn bị ràng buộc về thời gian này.
Vào đầu tháng Một, Mỹ đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn để đáp trả các vụ phóng tên lửa trước đó. Đàm phán giữa hai nước cũng bị ngưng trệ.