Năm Nhân Dần 2022: Lối thoát nào khỏi “vòng xoáy” tha hoá quyền lực?
Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2022.02.01
Hình minh hoạ: Tấm biển cổ động cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 25/1/2021 Reuters
Năm nay Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm lần thứ 92 ngày thành lập 3/2/1930 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 huỷ hoại nền kinh tế và thay đổi xã hội. Khi cuộc sống người dân vật lộn để “thích nghi an toàn” thì quốc nạn tham nhũng đang “lũng đoạn nhà nước” phản ánh sự tha hoá tuyệt đối quyền lực khiến tình hình thêm ảm đạm.
Dư luận chưa hết bàng hoàng, chính quyền chưa kết thúc điều tra về đại án Việt Á về quy mô trục lợi khủng một cách trắng trợn và tính chất phức tạp của hệ thống lũng đoạn nhà nước thì mới đây, ngày 28/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án và thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt khẩn cấp bị can đối với bốn cán bộ lãnh đạo (Cục trưởng, Phó cục trưởng, Chánh Văn phòng và Phó phòng Bảo hộ công dân) thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để điều tra về hành vi \”nhận hối lộ\” trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Thật trớ trêu là “hai địa chỉ” có các bị can bị điều tra nêu trên lại vừa được “vinh danh” vì thành tích chung tay chống dịch COVID, công ty Việt Á được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động và hai lãnh đạo của Cục Lãnh sự được nhận Bằng khen của Nhà nước!
Một số phát ngôn ‘bên lề’ nhưng ‘bộc bạch’ từ lãnh đạo của Đảng CS mà giới truyền thông ghi được rằng các quan chức hư hỏng ‘họ ăn không từ thứ gì’ và rằng ‘nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc’ cho thấy mức độ suy thoái chính trị, đạo đức trong hệ thống chính trị trầm trọng như thế nào!
Như đã biết, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã phát động và thúc đẩy chiến dịch “đốt lò” suốt gần ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng CS, mới đây, ngày 20/1/2022, khi chủ trì Phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần nữa thừa nhận các diễn biến tham nhũng, tiêu cực vẫn rất tinh vi, phức tạp, vấn đề nhức nhối và trắng trợn mặc dù những giải pháp mạnh và “đặc biệt” để chống tham nhũng như “kiểm tra khi có dấu hiệu” được tiến hành.
Từ khi thành lập Ban để tăng cường chống tham nhũng năm 2013 đến nay tình hình vẫn kéo dài nghiêm trọng, số vụ việc vẫn tăng lên và mang tính hệ thống. Như trong báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện chống tham nhũng năm 2021 một số số liệu được ghi nhận: “đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/ 7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/ 2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/ 1.011 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 21 vụ án/ 179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/ 74 bị cáo; khởi tố mới 10 vụ án/ 40 bị can, khởi tố thêm 103 bị can trong 20 vụ án. Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…”
Trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực của cán bộ đảng viên trầm trọng và kéo dài, Đảng CS đã đặt vấn đề cải cách chính trị, trong đó trọng tâm là việc chỉnh đốn và xây dựng “Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh”, đặt cược cải cách thể chế vào “công tác cán bộ”. Tuy nhiên, cách tiếp cận chính sách rằng các quan chức suy thoái, hư hỏng là do chính họ “tự diễn biến, tự chuyển hoá” chỉ nhằm duy trì chế độ khiến cho các giải pháp dường như rơi vào bế tắc.
Nguyên nhân thực sự của thực trạng suy thoái chính trị, đạo đức lối sống của quan chức trong chế độ toàn trị chính là sự tha hoá quyền lực. Nhà sử học người Anh Lord Acton từng phát biểu rằng quyền lực có xu hướng tha hoá, quyền lực tuyệt đối tha hoá tuyệt đối (power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Nhận định này được viết vào năm 1887, nghĩa là cách đây 135 năm, từng là luận cứ cho việc hoàn thiện chế độ dân chủ dựa trên việc kiểm soát quyền lực qua phân quyền và các thể chế khác như quyền tư hữu, quyền tự do cá nhân…
Nhận định trên của Lord Acton vẫn đúng như một lời tiên đoán về sự tha hoá tuyệt đối quyền lực trong các chế độ độc đoán, toàn trị với mãnh lực theo đuổi là thuộc tính. Hơn thế, lời cảnh báo này phản ánh tính chu kỳ thịnh suy của vòng luẩn quẩn tha hoá quyền lực, trong đó luôn xuất hiện các nhà độc tài khiến cho chế độ sụp đổ.
Thực tế đã minh chứng, chế độ Đảng CS toàn trị – mô hình Xô-viết ra đời năm 1917 sụp đổ năm 1991. Trong vòng đời gần 74 năm các “trò chơi quyền lực” trong “cung đình” luôn diễn ra và luôn kết thúc bằng hoặc là sự phế truất hoặc là sự sùng bái cá nhân. Như đã biết, sau khi V. Lenin chết năm 1924 J.Stalin đã cầm quyền 29 năm, cho đến cuối đời; Nikita Khrushchev (1894-1971), đã nắm quyền hơn 10 năm đến khi bị phế truất năm 1964; Leonid Brezhnev (1906 -1982), giữ chức vụ Tổng Bí thư 19 năm đến khi chết năm 1982, người có nhiều huân huy chương “nhất thế giới” với tổng số 114 huân huy chương các loại. Mikhail Gorbachov, người từng thúc đẩy “công khai” và “cải tổ”, đã là Tổng thống liên bang tự xưng chưa đầy một tháng trước khi Liên Xô tan rã năm 1991. Ông ấy bị phán xét là “tội đồ” hay “anh hùng bất đắc dĩ” tuỳ theo cách nhìn, nhưng chắc chắn là “bài học sống” cho các biến thể sau này của mô hình toàn trị.
Mô hình Trung Quốc là biến thể chủ yếu còn tồn tại, trong đó Mao Trạch Đông đã cầm quyền từ 1949 đến khi chết năm 1976, sau đó đã “cải cách” và “mở cửa” với thế giới để tránh sụp đổ. Giới hạn nhiệm kỳ lãnh đạo đảng, tuổi và nguyên tắc lãnh đạo tập thể được thực hiện để tránh nguy cơ tha hoá quyền lực. Động lực thị trường thay thế kế hoạch hoá tập trung đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đảm bảo duy trì tính chính danh của chế độ đảng CS toàn trị và sự chuyển giao quyền lực qua bốn thế hệ lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình cho đến khi Tập Cận Bình nắm cương vị tối cao, Tổng Bí thư Đảng CS kiêm Chủ tịch nước, năm 2012. Phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ, thanh trừng phe phái, sùng bái cá nhân là những hành động chủ yếu chuẩn bị cho Đại hội 20 Đảng CSTQ vào quý III năm 2022, có thể khởi đầu cho sự lãnh đạo trọn đời. Ông ta đã thâu tóm quyền lực tuyệt đối để trở thành nhà độc tài không chỉ trong nước mà còn đối với thế giới khi thúc đẩy Trung Quốc trỗi dậy hung hăng.
Theo mô hình Trung Quốc, chế độ toàn trị ở Việt Nam được duy trì với sự tăng trưởng về kinh tế nhờ chính sách đổi mới năm 1986. Tuy nhiên, như đã biết, nó đã và đang rơi vào bất ổn từ hơn thập kỷ gần đây. Hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng CS 12 năm 2016 và ĐH 13 năm 2021 “các trường hợp đặc biệt” đã được viện dẫn cho sự phá bỏ các nguyên tắc và quy định kiểm soát tha hoá quyền lực đảng. Chế độ Đảng Cộng sản toàn trị ở cả Trung Quốc và Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy của tha hoá tuyệt đối quyền lực dưới những hình thức đặc thù.
Đặt cược vào công tác cán bộ và chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng nhưng các chính sách cải cách được Đảng quyết định tiến hành đang không mang lại kết quả như mong muốn khiến các rủi ro đang lớn dần đối với chế độ. Trong bối cảnh như vậy, gần đây, xuất hiện tin đồn về sự chuyển giao quyền lực Tổng Bí thư Đảng sắp diễn ra. Đây có thể chỉ là thuyết âm mưu, nhưng câu hỏi đâu là lối thoát khỏi vòng xoáy tha hoá quyền lực – nguyên nhân thực sự của tình hình tham nhũng trầm trọng hiện nay – đang là vấn đề thực tế cấp thiết mà hiện chưa có câu trả lời thoả đáng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.