Chính quyền quân sự Mali trục xuất đại sứ Pháp

Chính quyền quân sự Mali trục xuất đại sứ Pháp

Đăng ngày: 01/02/2022

Trọng Thành

Ngày hôm qua, 31/01/2022, chính quyền quân sự Mali đã yêu cầu đại sứ Pháp rời khỏi Mali trong vòng 72 giờ. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu lên án một quyết định khiến Mali ngày càng thêm “bị cô lập”.

Trong một thông báo trên truyền hình Nhà nước, chính quyền Mali giải thích đã yêu cầu đại sứ Pháp Joel Mayer rời khỏi đất nước, với lý do các giới chức cao cấp trong chính quyền Pháp đã có những lời lẽ “thù nghịch” chống lại tập đoàn quân sự. Về phía Pháp, Paris hôm qua cũng ngay lập tức ra quyết định triệu hồi đại sứ, nhưng khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết duy trì ổn định và phát triển tại khu vực Sahel, phía nam sa mạc Sahara (Bắc Phi).

Theo Reuters, trước đó bộ Ngoại Giao Mali đã triệu mời đại sứ Pháp để giải trình về các chỉ trích của Paris nhắm vào chính quyền chuyển tiếp. Thứ Sáu tuần trước, 28/01, ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian đánh giá là tình hình hiện tại ở Mali đã trở nên “quá tệ hại”, và tập đoàn quân sự nắm quyền tại Bamako đang trong tình trạng “không còn có thể kiểm soát được”.  Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cũng có những lời lẽ chỉ trích gay gắt trong tuần.

Cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, đánh giá quyết định trục xuất nói trên là một “đòi hỏi không có cơ sở”, “sẽ khiến Mali them bị cô lập”. Ông Borell khẳng định: “Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết với Pháp”. Theo lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, “tình hình hiện nay đòi hỏi phía Mali tôn trọng các cam kết và đối thoại”.

Hạn chế hoạt động của lực lượng đặc nhiệm châu Âu Takuba

Trong phát biểu nói trên, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng bày tỏ tình đoàn kết với các đối tác châu Âu khác có tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh tại Mali, đặc biệt là Đan Mạch. Hồi tuần trước, tập đoàn quân sự Mali đã yêu cầu khoảng 100 binh sĩ Đan Mạch thuộc lực lượng đặc nhiệm Takuba có mặt tại Mali phải rời khỏi nước này.

Kể từ đầu năm 2020, Liên Âu cử đến Mali các đơn vị thuộc lực lượng mang tên Takuba, có nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền Mali chống khủng bố. Tổng số quân nhân tham gia Takuba là 800 người, trong đó gần một nửa là binh sĩ Pháp. Hôm qua 31/01, chính quyền Mali thông báo mọi triển khai nhân sự mới với Takuba phải được sự chấp thuận trước của chính quyền.

Tập đoàn quân sự Mali lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2020, đã quyết định lùi bầu cử đến năm 2025. Cuộc bầu cử về nguyên tắc phải được tổ chức ngày 27/02 này, theo dự kiến. Giới tướng lĩnh Mali không che giấu quyết tâm xích gần lại Nga. Mới đây chính quyền Mali đã kêu gọi sự trợ giúp của “các cố vấn quân sự” Nga, trong lúc phương Tây cáo buộc Nga gửi lính đánh thuê thuộc tổ chức tư nhân Wagner đến Mali.

Hồi thứ Sáu tuần trước, 28/01, Pháp và các đồng minh châu Âu đặt kỳ hạn hai tuần để quyết định về các diễn biến tiếp theo liên quan đến các lực lượng được cử đến Mali chống khủng bố. Giới tướng lĩnh Mali ngày càng có thái độ thù nghịch với sự hiện diện của các đơn vị vũ trang châu Âu có mặt tại Mali. Nước Pháp triển khai hơn 5.000 binh sĩ tại vùng Sahel và Mali, trước khi quyết định cắt giảm vào năm 2021.

Bài Liên Quan

Leave a Comment