Miến Điện: Dân chúng phản đối tập đoàn quân sự bằng cuộc đình công thầm lặng

Miến Điện: Dân chúng phản đối tập đoàn quân sự bằng cuộc đình công thầm lặng

Đăng ngày: 01/02/2022

Trọng Thành

Chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp ngày càng khốc liệt, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục tìm ra các hình thức phản kháng mới. Tròn một năm cuộc đảo chính, hôm nay, 01/02/2022, những người phản kháng đã tổ chức một cuộc « đình công thầm lặng » tại nhiều thành phố.  

Trước dịp kỉ niệm hôm nay, chính quyền đã đe dọa bắt các doanh nghiệp đình công phải đóng cửa, và cảnh báo là những người tham gia vào các cuộc tập hợp ồn ào hoặc các hoạt động « tuyên truyền » chống quân đội có thể bị cáo buộc tội phản quốc hoặc khủng bố. Cách đây ít hôm chính quyền quân sự ra luật đe dọa khép vào tội « phản quốc » đối với những người tham gia biểu tình chống quân đội.  

Tuy nhiên, lời kêu gọi đình công do các lực lượng chống tập đoàn quân sự đã được dân chúng khắp nơi nghe theo, từ bang Shan (miền đông) đến bang Kachin (miền bắc) hay ở thành phố Mandalay (miền trung), thành phố lớn thứ hai đất nước. Hôm nay, Rangoon, thủ phủ kinh tế Miến Điện, hoang vắng, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Một cư dân Mandalay cho AFP biết, « tại khu tôi ở, không ai ra ngoài, các lực lượng an ninh tuần tiễu khắp nơi ». Một nhà đối lập viết trên Twitter : « im lặng là tiếng kêu mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể đưa ra để chống lại quân đội và các đàn áp đẫm máu của họ ».  

Các thông tín viên của AFP và người dân địa phương cho biết, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ địa phương, người dân tại thủ phủ kinh tế Rangoon và thành phố Mandalay đã đồng loạt vỗ tay. Loạt vỗ tay đánh dấu « cuộc đình công thầm lặng » chống đảo chính kết thúc.  

Sáng hôm nay, truyền thông địa phương cũng cho thấy tại Rangoon và Mandalay, xuất hiện một số cuộc tập hợp chớp nhoáng. Người biểu tình giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ, và đốt pháo sáng rồi giải tán.  

Triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng 

Theo trang mạng Nhật Bản NHK, chính quyền quân sự đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, vốn đã hết hạn từ hôm qua, 31/01. Theo NHK, với quyết định như trên, dự kiến tình trạng thiết quân luật có thể kéo dài đến cuối năm nay.  

Giới tướng lĩnh dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023. Việc kéo dài này sẽ cho phép tập đoàn quân sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc bầu cử, để hy vọng củng cố quyền lực.   

Tuy nhiên, tình hình Miến Điện ngày một căng thẳng. Chuyên gia về dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á Catherine Renshaw, giảng viên Đại học Sydney, cảnh báo nguy cơ « nội chiến trên quy mô lớn », « Miến Điện đang bên bờ sụp đổ », « mỗi tuần trôi qua, những thống khổ ngày một lớn, những oán trách tích tụ, ngờ vực giữa quân đội và đối lập gia tăng ».  

Liên Hiệp Quốc điều tra về « tội ác chống nhân loại » 

Hôm nay, người đứng đầu cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, ông Nicholas Koumjian, cho biết đang tập hợp nhiều bằng chứng liên quan đến các cáo buộc « tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh » tại Miến Điện. Lãnh đạo cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, hơn 1.000 người bị giết hại, kể từ đảo chính đến nay, có thể là nạn nhân của các tội ác nói trên.  

Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Thomas Andrews cáo buộc tập đoàn quân sự Miến Điện là « một cỗ máy giết người ». Theo chuyên gia của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, việc Hội Đồng Bảo An không ra được nghị quyết cấm vận hoàn toàn vũ khí với Miến Điện trong năm qua, trong lúc các vũ khí vẫn tiếp tục được đưa vào Miến Điện, giết hại bao nhiêu người vô tội, « đây là điều không thể chấp nhận được ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment