Phạm Đình Chương – Mùa xuân miên viễn

Phạm Đình Chương – Mùa xuân miên viễn

Đăng ngày: 02/02/2022

Hoài Dịu

Có một khoảng khắc trong năm mà tâm hồn con người ta rung cảm nhiều nhất, phải chăng là khi đất trời lập xuân. Này hoa, này hương, này vui, này nhớ, này thương, này bộn bề cảm xúc. Tâm hồn đa cảm của người nghệ sỹ sao không khỏi xao động! Xuân ca vì thế mà đua nở, rắc reo ngàn giai điệu thắm tươi muôn nơi.

Trong sáng tác của nhạc sỹ Phạm Đình Chương, những lời ca xuân tuyệt đẹp như thế không hiếm, là những tiếng reo cười con trẻ khi Đón Xuân, là lời chúc tụng rôm rả, đông đủ bà con cô bác bên Ly Rượu Mừng và màu kỷ niệm xưa cũ của ai đó khi đón Xuân Tha Hương.

Khúc hoan ca Đón Xuân ra đời vào năm 1952, là thời kỳ nhạc sỹ Phạm Đình Chương vừa cùng gia đình di cư từ Bắc vào Nam. Tuổi trẻ tràn trề, tình yêu tươi mới, ấy nên “ánh xuân” trong hồn chàng trai thuở đó là “bình minh”, là “ngày xanh” nhiều nắng và tình “nồng”, “say”, “đắm đuối”. Trái tim chàng như muốn nhảy nhót, cánh tay chàng giang thật rộng, như khát khao ôm cả gió xuân, hoa xuân, cả bầu trời xuân.  

Về mặt nhạc ngữ, Đón Xuân có cấu trúc như một tiểu phẩm cổ điển: Vuông vắn, cân đối, vì mỗi câu nhạc được thả đều đặn trong bốn ô nhịp. Phân khúc và điệp khúc mỗi đoạn có bốn câu. Nhịp phách đơn giản (phần lớn là nốt đen và trắng). Nhờ vậy, ca khúc là cánh cửa rộng cho nhiều phong cách trình diễn như: pop, jazz, rock hay phù hợp với những điệu nhảy nhanh, hoạt. Nếu nghe kỹ hơn thì nhịp đi của giai điệu khá lả lướt, linh động bởi lẽ tác giả đã đặt bút, chẻ đôi nhịp 4 ra thành nhịp 2 (còn gọi là nhịp C chẻ thay vì nhịp 4/4 ). Như vậy ca khúc sẽ có ít hơn phách mạnh và giai điệu Đón Xuân đã trở nên mềm mại uyển chuyển đến bất ngờ.

Là người Việt Nam, trong mỗi chúng ta, trong Phạm Đình Chương, Tết tuổi thơ là một phần cảm xúc khó phai. Ngày tháng qua đi và những mùa Tết năm nào cứ dần trôi vào miền nhớ, để rồi mỗi độ xuân sang, lại òa về… bâng khuâng…

Xuân Tha Hương dìu dặt đưa người nghe tìm về một Hà Nội xưa bàng bạc mưa bụi giăng đầy, về một mùa xuân nhỏ xinh xinh bên mẹ hiền. Nhịp valse chầm chậm cứ thế quay tròn như thời gian vô tình. Nhưng, lòng người thì không, ta nhắn “mây Tần” mang “bao niềm thương” vào giấc mơ về quê cũ. Nhạc sỹ Phạm Đình Chương không “đặt bút viết” mà ông đã ôm đàn và hát. Một cách tự nhiên như thế, ông đã giãi bày vạn nỗi “sầu tư hương” của chính lòng mình.

Không gian âm nhạc Phạm Đình Chương nói như nhạc sỹ Lê Trọng Nguyễn là “đường nét của âm điệu (ligne melodique), cách thế hòa âm, tiết điệu và bố cục từ khúc, mặt nào ở Phạm Đình Chương cũng cao sang, điêu luyện và thuần thục. Cao và sang nhưng không khó không xa rất hợp rất gần với tâm hồn đại chúng”. Xuân Tha Hương đạt chuẩn mực về cả nhạc thuật và nhạc tính. Từ bố cục, câu pháp tới cách tạo bất ngờ nhẹ nhàng qua việc sử dụng kỹ thuật đảo phách (ở phần cuối ). Điều này, khiến bản valse chậm Xuân Tha Hương buồn nhưng không lê thê, nặng nề.

Nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội Việt Nam, đồng thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi, thì ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo tôi, là xuân-khúc “Ly rượu mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương(…) Chẳng phải ngẫu nhiên mà “Ly rượu mừng” không những đã trở thành “ly rượu” không thể thiếu trong mùa xuân của người Việt Nam mà, “ly rượu” ấy còn được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạc ở bất cứ thời điểm nào của một năm. Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa xuân tinh thần, ấm áp

Thi sĩ Du Tử Lê

Ca khúc được sáng tác năm 1952 và trình diễn đầu tiên qua tiếng hát của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng từ Bắc vào Nam, do ông thành lập cùng với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng. Ly Rượu Mừng được Phạm Đình Chương một lần nữa chắp bút theo nhịp valse, nhưng nhanh và nhiều sắc màu hơn. Bài hát là một trong những minh chứng cho “sự nỗ lực dẫn dắt nền nhạc Việt từ lối đơn âm tới chỗ đa âm (hợp ca nhiều giọng)” của ông và ban nhạc Thăng Long.

Đã có nhiều lời hay ý đẹp tụng ca bản “đệ nhất xuân ca” hào sảng này, không cần nói thêm gì hơn, mỗi người chúng ta hãy tự lắng nghe và tự cảm nhận một mùa xuân của riêng mình,

Thi sĩ Du Tử Lê

Và, mỗi khi cùng nhau nâng “Ly rượu mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “…Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà (…) đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”

(Theo nguồn phamdinhchuong.com và amnhac.fm)

Phạm Đình Chương (1929 – 1991) là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Việt từ 1950 trở đi. Riêng về lãnh vực sáng tác, ông được coi như một tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một ca sĩ của ban hợp ca Thăng Long với biệt hiệu là Hoài Bắc.

Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

\"Phạm
Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long

Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi 18 tuổi, với tác phẩm đầu tay là ca khúc Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng. Năm 1951 ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng ông thành lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Trong thập niên 50, ông đã viết những tác phẩm thành công và để đời như Ly Rượu MừngXuân Tha HươngThủa Ban ĐầuTiếng Dân Chài v.v.. Đáng kể nhất là trường ca bất hủ Hội Trùng Dương mà ông viết về đất nước Việt Nam hoa gấm, qua ba bài ca nói về sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời ông đã nói với gia đình, trường ca này đã phải tốn mất 4 năm để hoàn tất.

Một sáng tác lãng mạn và để đời thứ hai trong thập niên 50 đã gắn liền vào tên tuổi Phạm Đình Chương, đó là ca khúc bất hủ phổ thơ Đinh Hùng nhan đề Mộng Dưới Hoa. Riêng nói về Mộng Dưới Hoa, ca khúc này đã theo năm tháng để trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt. Qua khía cạnh chuyên môn, nhất là về lãnh vực nhạc phổ từ thơ, ta cứ đọc phần phê bình và ca ngợi của nhạc sĩ Vũ Thành sau đây. Nhạc sĩ Vũ Thành viết: “Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là Mộng Dưới Hoa, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác. Ngoài ra, Mộng Dưới Hoa còn đặc biệt ở điểm rất cân đối và được cấu tạo như cung cách một bản nhạc “mẫu” trong các sách giáo khoa về sáng tác. Mộng Dưới Hoa còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó. Người phổ nhạc chẳng những phải lệ thuộc vào số chữ mà còn phải lựa cung bậc cho đúng luật bằng trắc của bài thơ, không như trường hợp phổ nhạc thơ Pháp hay thơ Anh, chỉ cần theo đúng số chữ mà thôi. Vì vậy, thường thường các bài thơ Việt Nam được phổ nhạc đều viết theo thể tự do, không gò bó, thì mới theo sát được [âm] bằng trắc của từng chữ. Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ đúng được bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương.

\"Bìa

Trong thập niên 60, ông đã sáng tác một loạt ca khúc phổ thơ rất thành công và được yêu chuộng như Nửa Hồn Thương ĐauNgợi Ca Tình Yêu và Đêm Màu Hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền), Khi Cuộc Tình Đã Chết (Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (Trần Dạ Từ) và nổi bật nhất là ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây (Quang Dũng). Từ đó, Phạm Đình Chương thường được cho là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Giai đoạn này cũng là lúc ông lập ra phòng trà tên gọi Đêm Màu Hồng và với ban hợp ca Thăng Long, đã biến nơi này thành chỗ hội tụ của các văn nghệ sĩ đương thời.https://www.youtube.com/embed/W8CNITKn9ls?feature=oembedThái Thanh hát Hội Trùng Dương

Sau biến cố 1975, Phạm Đình Chương vượt biên sang định cư tại California, Hoa Kỳ vào năm 1979. Ông định cư tại quận Cam cùng gia đình từ đó. Tại khoảng thời gian sống tại Hoa Kỳ, ông đã viết một số ca khúc cuối cùng, gồm những tác phẩm phổ thơ như Đêm Nhớ Trăng Sài GònQuê Hương Là Người ĐóKhi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển (phổ thơ Du Tử Lê), Hạt Bụi Nào Bay Qua (Thái Tú Hạp) v.v.. Ngoài ra, ông đã hoạt động rất thành công qua những buổi trình diễn tại các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Vào mùa hè năm 1991, ông lâm bệnh và qua đời vào ngày 22 tháng 8 năm 1991 tại quận Cam, California, hưởng dương được 62 tuổi. Theo như gia đình ông kể lại, sau khi người anh của ông là nghệ sĩ lão thành Hoài Trung qua đời tám năm sau đó, vào một buổi sáng nắng ấm năm 1998 tại miền nam Cali, gia đình ông đã đem cốt của hai ông và rải ngoài biển, như trong một ca khúc ông viết trong thời gian cuối cùng, nhan đề “Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển”, phổ từ thơ của thi sĩ Du Tử Lê.

Danh sách các tác phẩm do nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết gồm có :

01 – Anh đi chiến dịch (1962)
02 – Bài ca tuổi trẻ (1950)
03 – Bài ngợi ca tình yêu (thơ Thanh Tâm Tuyền)
04 – Bên trời phiêu lãng (thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
05 – Buồn đêm mưa (thơ Huy Cận)
06 – Cho một thành phố mất tên (thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
07 – Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền)
08 – Đất lành
09 – Đêm cuối cùng
10 – Đêm màu hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền)
11 – Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)
12 – Đến trường
13 – Định mệnh buồn – Phạm Thành
14 – Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng)
15 – Đón xuân
16 – Đợi chờ (viết với Nhật Bằng)
17 – Được mùa
18 – Hạt bụi nào bay qua (thơ Thái Tú Hạp)
19 – Heo may tình cũ (thơ Cao Tiêu)
20 – Hò leo núi
21 – Trường ca Hội Trùng Dương
22 – Khi cuộc tình đã chết (thơ Du Tử Lê)
23 – Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (thơ Du Tử Lê)
24 – Khúc giao duyên
25 – Kiếp Cuội già
26 – Lá thư mùa xuân
27 – Lá thư người chiến sĩ
28 – Ly rượu mừng
29 – Mắt buồn (thơ Lưu Trọng Lư)
30 – Mầu kỷ niệm (ý thơ Nguyên Sa)
31 – Mỗi độ xuân về
32 – Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng)
33 – Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn)
34 – Mười thương
35 – Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ)
36 – Nhớ bạn tri âm
37 – Nửa hồn thương đau (ý thơ Thanh Tâm Tuyền)
38 – Quê hương là người đó (thơ Du Tử Lê)
39 – Ra đi khi trời vừa sáng (lời Phạm Duy)
40 – Sáng rừng
41 – Ta ở trời tây (thơ Kim Tuấn)
42 – Thằng Cuội
43 – Thuở ban đầu
44 – Tiếng dân chài
45 – Trăng Mường Luông
46 – Trăng rừng
47 – Xóm đêm
48 – Xuân tha hương

Nguồn từ : phamdinhchuong.com

Bài Liên Quan

Leave a Comment