Asean \’cấm cửa ngoại trưởng Myanmar, yêu cầu cử đại diện phi chính trị dự họp\’
5 giờ trước
Chính quyền Myanmar vừa bị một cú đánh ngoại giao nặng nề khi hôm thứ Năm khối Asean cấm quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này tới dự cuộc họp ngoại trưởng sắp tới, dự kiến diễn ra trong hai ngày 16 và 17/2.
Campuchia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của khối, cho biết, liên quan tới \”đồng thuận năm điểm\” mà các nhà lãnh đạo nhất trí hôm 24/4 năm ngoái nhằm cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Myanmar, đã không có mấy tiến bộ đạt được cho đến nay.
Nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi một năm trước, theo một nhóm giám sát địa phương, với hơn 1.500 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp biểu tình.
\”Vì có rất ít tiến bộ trong việc thực hiện \’Đồng thuận năm điểm\’ của Asean, các thành viên Asean đã không đạt được nhất trí trong việc mời Ngoại trưởng Myanmar SAC [Wunna Maung Lwin] dự kỳ họp các ngoại trưởng tới đây,\” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry nói với AFP.
\”Chúng tôi đã yêu cầu Myanmar cử một đại diện phi chính trị thay thế,\” Chum Sounry nói, và nói thêm rằng việc có một đại diện như vậy sẽ tốt hơn là để ghế trống.
Campuchia cũng nói chính quyền Myanmar có toàn quyền lựa chọn người thay thế.
Đảo chính Myanmar: Mạng xã hội thay đổi cách phản kháng ra sao?
Trước đó, Asean đã có bước đi chưa từng có, đó là cấm nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar, ông Min Aung Hlaing, tới dự hội nghị thượng đỉnh của khối hồi tháng Mười năm ngoái.
Đây được cho là một sự thể hiện thái độ quở trách hiếm hoi từ Asean, khối lâu nay vốn bị coi là một tổ chức chỉ nói suông, nay đã nỗ lực tìm các giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.
Tuy nhiên, những chia rẽ quanh vấn đề Myanmar vẫn còn đó.
Việc Thủ tướng Campuchia có chuyến thăm Myanmar và gặp gỡ lãnh đạo quân sự nước này, Min Aung Hlaing hôm 7/1, đã khiến một số quốc gia láng giềng lo ngại rằng nó được coi như chỉ dấu cho thấy Campuchia ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar.
Myanmar ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Chuyến thăm của ông Hun Sen là chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi giới tướng lĩnh lên nắm quyền.
Bạo lực vẫn tiếp diễn, với việc các nhóm chống chính quyền quân sự thường xuyên đụng độ với quân đội, và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo nền kinh tế Myanmar có khả năng suy giảm gần một phần năm vào năm ngoái.
Trong một thông cáo ra hôm thứ Tư, Asean kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực và cho phép đặc phái viên của họ sớm được vào Myanmar.
Là chủ tịch Asean trong năm nay, ông Hun Sen đã bị áp lực trong việc buộc ông Min Aung Hlaing phải thực hiện thỏa thuận hòa bình Asean, và một số thành viên của khối đã đòi rằng nhà lãnh đạo bị lật đổ của nước này, bà Aung San Suu Kyi, phải được trả tự do và được phép tham gia vào tiến trình hòa bình.
Hoa Kỳ và các đồng minh hôm thứ Hai cũng tỏ ý ủng hộ cho các nỗ lực thực hiện \”đồng thuận năm điểm\” và các nỗ lực của đặc phái viên Asean trong việc tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Myanmar.
Thông cáo chung của các ngoại trưởng EU, Albania, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Nam Hàn, Thụy Sĩ, Anh quốc và Hoa Kỳ được đưa ra hôm thứ Ba, tròn một năm sau vụ đảo chính quân sự ở Myanmar, kêu gọi chính quyền quân sự có các trao đổi có ý nghĩa với các nỗ lực của Asean nhằm thực hiện đầy đủ và cấp bách \’đồng thuận năm điểm\’.