Những điểm nổi bật trong vụ Hoa Kỳ đột kích tiêu diệt thủ lãnh ISIS

Những điểm nổi bật trong vụ Hoa Kỳ đột kích tiêu diệt thủ lãnh ISIS 

February 3, 2022

\"\"

(The Hill) – Hoa Kỳ vào sáng sớm thứ 5 đột kích, tiêu diệt thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi.

Được thực hiện ở Syria, chiến dịch diễn ra giữa bối cảnh những lo ngại về sự trỗi dậy của nhóm khủng bố, và cho thấy sự tham gia của Mỹ vào những hoạt động quân sự bên ngoài, thậm chí ngay cả khi Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan vào năm ngoái. 

Dưới đây là những điểm nổi bật về cuộc đột kích. 

  1. Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi là ai?

Al-Qurayshi đảm nhận vị trí lãnh đạo ISIS sau khi Hoa Kỳ tiêu diệt lãnh đạo vào năm 2019, mặc dù ông ta chủ yếu ở ẩn, tránh mọi sự chú ý của công chúng. 

Người ta ít biết về al-Qurayshi vì ông ta ít xuất hiện trên băng hình hoặc phát biểu công khai. Sinh ra tại Iraq, vào khoảng 45 tuổi, al-Qurayshi chưa bao giờ rời khỏi ngôi nhà nơi đột kích diễn ra, và ông ta sử dụng người đưa thư để trao đổi thông tin. 

Cái chết của lãnh đạo ISIS được chính phủ ca ngợi là chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Bộ Ngoại giao Hoà Kỳ liệt al-Qurayshi là kẻ khủng bố toàn cầu vào đầu năm 2020 sau khi ông ta được nêu danh là lãnh đạo mới của ISIS. Mỹ treo giải $10 triệu Mỹ kim cho thông tin dẫn đến bắt giữ tên này. 

Tổng thống Joe Biden vào thứ 5 cho biết, al-Qurayshi “giám sát sự phát triển các tổ chức khủng bố liên quan đến ISIS trên khắp thế giới, sau khi tàn phá cộng đồng và sát hại người vô tội.”

al-Qurayshi cũng chịu trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc tấn công vào nhà tù Syria đang giam giữ chiến binh ISIS. Trận chiến tiếp đó với Các Lực lượng Dân chủ Syria đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. 

“Nhờ sự dũng cảm của binh sĩ chúng ta, tên lãnh đạo khủng bố khủng khiếp này không còn nữa,” Biden nói. 

“Di sản tàn khốc nạn diệt chủng và hủy diệt của Qurayshi giờ đã kết thúc. Và ISIS đã phải chịu thêm một đòn đau nữa, ”Masrour Barzani, thủ tướng vùng Kurdistan của Iraq bày tỏ trên Twitter.

  1. Đột kích thay vì phi cơ không người lái

Giới chức cho hay, các lực lượng Hoa Kỳ thực hiện cuộc đột kích trên bộ, thay vì phi cơ không người lái nhằm tránh thương vong lớn trong khu dân cư nơi tên  al-Qurayshi sinh sống. 

Được cập nhật trực tiếp từ Phòng Tình huống Toà Bạch Ốc, Biden cho hay, quân đội Mỹ chọn phương án đột kích nhằm giảm tối thiểu thiệt hại dân thường. “Biết tên khủng bố này chọn cách luôn luôn có  gia đình, trẻ em, chung quanh, chúng tôi lựa chọn phương án đột kích bằng lực lượng đặc biệt, rủi ro cho chính lực lượng chúng ta sẽ lớn hơn so với bằng không kích,” Biden nói. 

Một viên chức cao cấp cho hay, lãnh đạo ISIS dường như “cố tình” sinh sống với gia đình ở tầng 1, và nhà chức trách tin họ không có dính líu gì đến tổ chức khủng bố. 

Chính phủ cho biết, lực lượng Mỹ gọi lớn dân thường khi họ tiến vào căn nhà, để những người này có thể rời khỏi nơi đó, và như vậy đặt mình vào nguy cơ cao hơn.  

  1. Tường trình khác nhau về thương vong. 

Trong khi đánh giá thương vong đang được thực hiện, Tuỳ viên Báo chí Ngũ  Giác Đài John Kirby cho truyền thông hay, Mỹ hiện tin rằng, có 3 dân thường bị thiệt mạng trên tầng 3 với al-Qurayshi, và 1 trẻ em bị chết trên tầng hai căn nhà. 

Tổ chức dân quân tự vệ White Helmets loan tin có ít nhất 13 thi thể được tìm thấy, trong đó có 6 trẻ em và 4 phụ nữ. Một viên chức cao cấp chính phủ cho rằng, tường trình về số người chết không chính xác. 

Al-Qurayshi kích nổ một quả bom tự sát, cũng như giết chết thân nhân trong gia đình, phá huỷ tầng trên cùng khu gia cư. 

Một viên chức ISIS khác cũng cố thủ trên tầng 2, và giao tranh súng đạn với lực lượng Mỹ. Tên này và vợ bị giết hại trong cuộc đột kích. 

  1. Mỹ bảo toàn lực lượng 

Một viên chức cao cấp chính phủ cho biết, một gia đình có vài trẻ em đã thoát được từ tầng dưới cùng của căn nhà, và trẻ em thoát được từ tầng hai sau khi tên ISIS thứ hai bị giết. 

Biden và Toà Bạch Ốc đổ lỗi cho tên al-Qurayshi đã gây thiệt hại nhân mạng dân thường. Tổng thống gọi đây hành động đánh bom tự sát của   tên al-Qurayshi “hèn nhát vô vọng”vì nó đã giết hại thân nhân và những người khác. 

  1. Một đòn mạnh giáng ISIS 

Cuộc đột kích được xem là hoạt động chống ISIS quy mô lớn nhất kể từ khi tên Baghdadi bị giết chết vào năm 2019, và Toà Bạch Ốc tin rằng đây là một đòn mạnh giáng vào ISIS. “Cái chết của y, chúng tôi tin, là đòn đáng kể đối với ISIS,” Kirby nói. 

Cuộc đột kích diễn ra sau khi hơn 100 chiến binh ISIS vào tháng 12 tấn công vào một nhà tù ở Đông Bắc Syria, nhằm giải thoát cho đồng bọn đang bị giam giữ. Biden cáo buộc tên al-Qurayshi chịu trách nhiệm vụ tấn công này. 

  1. Thành tựu của Biden. 

Khi Biden rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan vào tháng 8, đồng mình và giới chỉ trích bày tỏ lo ngại về việc ISIS có thể trỗi dậy. 

Cuộc đột kích thành công có thể nhấn mạnh hồi đáp của chính phủ đối với những chỉ trích đó, củng cố lập luận của Biden rằng, quyết định của ông là giữ lực lượng Mỹ an toàn. 

Psaki cho truyền thông hay,  trong suốt thời gian cuộc đột kích diễn ra, Tổng thống “suy nghĩ về vai trò Tổng Tư lệnh của ông trong việc giữ quốc gia an toàn, và chắc chắn loại lãnh đạo hiện tại của ISIS là một bước tiến lớn trong việc này.” 

Cuộc đột kích cũng mang lại một chiến thắng chính sách ngoại giao cho Biden. Thậm chí, cựu Ngoại trưởng của Donald Trump, Mike Pompeo cũng phải thừa nhận, thế giới an toàn hơn khi không còn tên al-Qurayshi. 

Cộng hoà tán thưởng Biden đã tiêu diệt lãnh đạo ISIS, nhưng lại công kích chính phủ về những mối đe doạ khủng bố có thể xuất phát từ Afghanistan, nơi họ cho rằng, cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ đã để lại tình trạng vô luật pháp. 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hoà – Floria) gọi cuộc đột kích “quan trọng, có ý nghĩa” nhưng bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày một lớn mạnh của ISIS ở Afghanistan. 

Hương Giang (Theo The Hill) 

Bài Liên Quan

Leave a Comment