Vụ linh mục bị sát hại khi giải tội qua cái nhìn của giáo dân

Vụ linh mục bị sát hại khi giải tội qua cái nhìn của giáo dân

2022.02.04

\"VụGiáo dân viếng đám tang linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh RFA edited

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị sát hại vào ngày 29/1 vừa qua khi đang ngồi tòa giải tội cho giáo dân ở giáo họ Saloong, giáo xứ Đăk Mót (tỉnh Kon Tum). Đối với những người thường tiếp xúc với nạn nhân trước khi bị chém đến chết thì vĩ linh mục này thế nào?

Bàng hoàng, thương tiếc

Ông Thương, giáo dân giáo xứ Đăk Mot nói với Đài Á châu Tự do vào sáng ngày 4/2:

“Cha rất yêu thương các con chiên, nói chung là không thể tả được. Riêng bản thân em tiếp xúc với cha thường ngày, cha là một người rất hiền.

Thật sự rất là bức xúc. Bởi vì cha là một người đi truyền giáo, làm cho các con chiên sống đạo cho đẹp, thì không thể nào xích mích với người khác. Thế nhưng mà có người lại sát hại cha thì thực sự là trong lòng giáo dân rất bức xúc, muốn biết lý do tại sao lại giết cha như thế!”

Một sinh viên đồng bào dân tộc Xê-đăng, tên Grimm, cũng là giáo dân Đăk Mot nói:

“Em thấy cha Thanh hiền lành, cha hay thích nói chuyện với con nít lắm! Không khí lặng xuống, buồn. Mọi người ăn Tết không có vui, mấy ngày không còn vui vẻ như trước nữa, thấy buồn lắm!”

Ông Lộc, một giáo dân sau khi hay tin linh mục Thanh bị sát hại, đã lên đến nơi xảy ra án mạng, để tham gia lễ tiễn chân vị linh mục này, đồng thời muốn tìm hiểu ngọn ngành của vụ việc:

“Một linh mục mà mất, bị chém chết bởi một kẻ thù nghịch với đạo công giáo, ngay tại tòa giải tội, ngay khi đang thi hành thiên chức linh mục, là một việc cực kỳ hiếm có mà nó rất là đau xót.”

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi, thuộc Dòng Đa Minh, phục vụ tại giáo xứ Đăk Mot (tỉnh Kon Tum) trước khi qua đời. Linh mục bị một ông chém hai nhát vào đầu và tử vong khi đang ngồi ở tòa giải tội ở giáo họ Sa Loong hôm 29/1.

Giáo dân đã khống chế, bắt giữ người tấn công và giao cho công an địa phương. Người này hiện đã bị khởi tố điều tra về tội “Giết người”.

Tin đồn trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội, nhiều tin đồn liên quan đến vụ án này được lan truyền nhanh chóng. Có người nói nghi phạm là người có dấu hiệu bị “tâm thần”. Nhưng giáo dân, những người sinh sống gần đó lại không nghĩ vậy.

Anh Grimm nói giáo dân ở đây ai cũng phản bác thông tin này:

“Nhiều người phản bác lắm! Ông đó không có bị tâm thần, ông ấy còn chơi cả Facebook nữa mà.”

Ông Thương nói rằng, nếu quả thật là hung thủ có bị tâm thần thì phải có giấy chứng nhận tâm thần từ trước đây rồi, không thể nào tự nhiên gây án xong mới bị tâm thần được:

“Tôi nghĩ là không bị tâm thần. Bởi vì người tâm thần thì làm sao mà dùng được điện thoại, chơi mạng xã hội Facebook.

Chắc chắn là không có tâm thần, chứ nếu tâm thần là đã có giấy chứng nhận từ hồi xưa rồi, giờ mới sát hại cha như thế mà nói bị tâm thần thì chắc chắn là không có.”

Ông Lộc phân tích:

“Kẻ thủ ác đôi khi có những lúc bốc đồng, chứ bình thường họ vẫn rất tỉnh táo, kể cả trong công việc làm hay sinh hoạt hàng ngày.

Kể cả chuyện khi ra tay họ rất tỉnh táo, chọn đúng đối tượng. Sau khi chém cha Thanh, họ vượt được từ cuối nhà nguyện lên đến cánh gà của nhà nguyện là một quãng đường dài. Họ vượt qua rất nhiều người giáo dân cản đường, nhưng khi lên tới cánh gà thì lại tiếp tục xuống tay với một tu sĩ đang mặc áo dòng. Nghĩa là chắc chắn không có vấn đề gì về thần kinh.

Nhưng tôi băn khoăn rằng sau khi vô tù, biết đâu họ lại chuyển sang thần kinh bởi vì có rất nhiều người đang bình thường mà sau khi vô tù bị chuyển sang thần kinh.”

\"tranngocthanh3.jpeg\"
Đám tang linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh ở Kon Tum hôm 31/1/2022. Facebook

Truyền thông chậm trễ

Báo chí Nhà nước hoàn toàn im lặng cho đến hôm 3/2 mới đưa tin, sau khi công an tỉnh có thông cáo báo chí cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1989) về tội “Giết người”.

Ngoài ra, công an Kon Tum cũng cho hay, sau khi nhận được tin báo, công an tỉnh phối hợp với nhiều cơ quan có liên quan và các linh mục phụ trách giáo xứ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai các nhân chứng để điều tra làm rõ động cơ, mục đích giết người của nghi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên hệ với phòng Trực ban hình sự tỉnh Kon Tum, cán bộ cho biết vụ án này đang được cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Kon Tum thụ lý, cho nên những thông tin về vụ án hiện giờ  chưa được công bố thêm và bên trực ban hình sự không nắm được.

Ông Thương tin rằng phải có nguyên do gì đó thì Hội đồng Giám mục mới chậm lên tiếng như vậy:

“Còn Hội đồng Giám mục của Việt Nam thì cũng mới thấy bài viết rồi. Nói chung thấy bài viết như thế thì giáo dân rất là mừng. Mong sao là chính quyền địa phương với lại Hội đồng Giám mục sẽ có biện pháp như thế nào đích đáng với người sát hại cha như thế.

Chắc chắn phải có mục đích nào đó thì Hội đồng Giám mục mới chưa viết bài. Thứ hai nữa là tại vì cuối năm rồi, chuẩn bị tới Tết. Chắc là do nhiều việc, em nghĩ là do nhiều việc quá nên Hội đồng Giám mục chưa có thể sắp xếđăng lên báo.”

Cùng ngày 3/2, Tòa Giám mục tỉnh Kon Tum có bức Thư Chung Tết Nhâm Dần về vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại địa phận tỉnh này hôm 29/1.

Trong thư, Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị ghi: \”Cho đến lúc này, vẫn còn nhiều uẩn khúc chung quanh sự việc thương tâm này\” và cũng \”mong sao những uẩn khúc chung quanh biến cố đau thương này sớm được sáng tỏ”.

Có hay không “kích động hận thù nhắm vào tôn giáo”?

Ngày 1/2, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thành viên Ban Điều hành Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế, phát biểu cho rằng việc Chính phủ Việt Nam dung dưỡng sự phỉ báng và phát biểu hận thù nhắm vào các vị lãnh đạo tôn giáo không phục tùng chính quyền có thể dẫn đến bạo lực.

Là một tín đồ công giáo, anh Grimm nói đôi khi cũng có nghe những ý kiến không hay về tôn giáo của mình ở trên mạng xã hội, chứ ngoài đời thì chưa từng nghe ai chỉ trích đạo công giáo cả:

“Thường thường thì em thấy chỉ nói xấu trên mạng thôi. Có người nói là đạo công giáo này có nguồn gốc từ bên nước ngoài về, có người lại nói đây là đạo để dụ dỗ người…”

Theo quan điểm cá nhân ông Lộc thì công giáo ở Việt Nam lâu nay vẫn thường bị o ép, từ chuyện đất đai cho tới truyền giáo và cử hành nghi lễ phụng vụ.

Ông cũng cho rằng có sự liên quan giữa việc công giáo nói riêng, hay các tôn giáo không theo chính quyền nói chung, vẫn thường hay bị bôi nhọ trên mạng xã hội hay truyền thông nhà nước. Điều đó có thể dẫn tới bạo lực nhắm vào các nhóm tôn giáo này. Tuy nhiên, suy luận này rất khó để chứng minh:

“Tôi thấy cũng đúng, nhưng mà rất khó chứng minh rằng có mối liên hệ đó. Mặc dù rằng trong nhận thức, trong kinh nghiệm của tôi cho rằng nó có ảnh hưởng, nhưng vẫn không thể kết tội được, không có bằng chứng hiển nhiên.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RFA hôm 4/2, Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị cho rằng dù các linh mục có gặp khó khăn trong công tác truyền giáo ở những tỉnh Tây Nguyên, nhưng vụ án lần này nó mang tính riêng lẻ, nó không phải là phong trào hay trào lưu. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment