Một Thế vận hội vô nghĩa tại Bắc Kinh và một Ukraina sôi sục
Đăng ngày: 05/02/2022
Thụy My
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và nguy cơ Nga xâm lăng Ukraina là hai chủ đề được các tuần báo Pháp kỳ này đề cập nhiều nhất.
Nga từng tấn công Gruzia và Crimée vào dịp Thế vận hội
Courrier International chạy tựa trang nhất « Bắc Kinh, Thế vận vô nghĩa ». Tuần báo kể ra : tẩy chay ngoại giao, vận động viên bị trùm kín trong bong bóng dịch tễ trong khi những ổ dịch vẫn nảy sinh, bị kiểm duyệt, theo dõi…Hầu hết báo chí quốc tế được tuần báo Pháp trích dịch đều tự hỏi, có nên tổ chức một Thế vận hội mùa đông như thế ở Trung Quốc hay không.
Trong khi cộng đồng quốc tế dán mắt về phía Ukraina, Thế vận hội mùa đông khai mạc tại Bắc Kinh ngày 04/02, quả là kỳ quặc. Tờ Süddeutsche Zeitung của Đức viết : « Đó là chuyến đi đến một đất nước mà ta không được chào đón, không thể làm quen với ai và sống trong nỗi lo thường trực sẽ bị cách ly trong nhiều ngày ». Thế nên nhiều người không hề háo hức, và chỉ mong nhanh chóng lên máy bay về nước. Vẫn có thể dời lại một năm như Nhật Bản đã làm, nhưng Bắc Kinh và Ủy ban Thế vận vẫn quyết giữ. Như vậy đại hội thể thao kỳ này không phải là lễ hội, mà là một sự kiện được tiến hành « bằng mọi giá ».
Không chỉ có Covid, mà bối cảnh quốc tế cũng rất gay go. Trong lúc châu Âu lo sợ một cuộc chiến tranh với Nga, Vladimir Putin đến Bắc Kinh từ 04 đến 06/02 gặp Tập Cận Bình. Liệu có thể tạm ngưng căng thẳng trong thời gian diễn ra Olympic hay không ? Chẳng có gì là chắc chắn. Nhật báo Nga Kommersant đặt vấn đề, hoặc đây là thời điểm xuống thang ở miền đông Ukraina, hoặc có thể là lúc những người cực đoan muốn chọn lựa để tấn công. Đã có những tiền lệ : năm 2008, Nga đánh vào Gruzia trong thời gian diễn ra Thế vận hội…Bắc Kinh. Năm 2014, chính sau Thế vận hội mùa đông ở Sotchi mà Matxcơva xua quân sang chiếm Crimée.
Về mặt môi trường, đây là thảm họa. Nhật báo De Volkskrant của Hà Lan giận dữ viết trong bài xã luận, gần 200 triệu lít nước được dùng để tạo ra tuyết nhân tạo, trong khi các nhà tổ chức hứa hẹn sẽ là một sự kiện « sạch ». Washington Post nói thêm, Bắc Kinh có thể thí nghiệm ở quy mô lớn công nghệ kiểm soát khí tượng để bầu trời thật xanh cho truyền hình quay phim.
Từ « Beijing Welcome You » 2008 đến Bắc Kinh cao ngạo 2022
Tuy Ủy ban Thế vận (CIO) ca ngợi đây là « lễ hội của hòa bình », « phải vượt qua mọi bất đồng chính trị », nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh hôm 18/01 tuyên bố rõ là mọi chỉ trích về « tinh thần Olympic, đặc biệt là luật pháp và quy định Trung Quốc » có thể bị khởi tố hình sự. Không thành viên nào muốn gặp thêm rắc rối, Hội liên hiệp các vận động viên Đức khuyến cáo không bày tỏ chính kiến cho đến khi có chỉ thị mới. Đa số các nhà thể thao không quen với mệnh lệnh loại này, họ cảm thấy rất sốc.
Từ nhiều tháng qua, Thế vận hội Bắc Kinh đã bị kịch liệt phản đối vì Trung Quốc phạm nhân quyền, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp Tây Tạng, Hồng Kông. Nhiều nước, đứng đầu là Hoa Kỳ đã tẩy chay về ngoại giao. Một nhà nghiên cứu Singapore nhận xét, buổi lễ khai mạc với sự hiện diện của các nhà độc tài Kazakhstan, Turkmenistan, Kirghizistan, Ả Rập Xê Út càng làm xấu thêm bộ mặt Trung Quốc.
The Guardian nhận định, Trung Quốc hồi năm 2008 không phải như bây giờ. Lúc đó Bắc Kinh khao khát được nhìn nhận trên trường quốc tế, bày ra khuôn mặt tươi cười, với bài hát chính thức « Beijing Welcome You » (Bắc Kinh hoan nghênh bạn), còn phương Tây cho rằng Trung Quốc sẽ phát triển một cách hòa bình. Mười bốn năm sau, bàn cờ đã thay đổi, Trung Quốc muốn chứng tỏ có thể đứng trên cao ngạo nghễ nhìn xuống một phương Tây đang yếu đi, và không có gì tốt hơn đại hội thể thao thế giới để chứng tỏ sức mạnh Đại Hán.
« Sự kiện 1972 » đảo ngược : Hy sinh Ukraina để đối phó Trung Quốc ?
Tuần báo Le Point quan tâm đến « Bắc Kinh-Matxcơva, trục chống phương Tây ». Cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin và Tập Cận Bình nhân Thế vận hội thuộc về một quan hệ đối tác, mà kẻ thủ lợi chủ yếu là Trung Quốc.
Vào lúc đỉnh điểm của chiến tranh lạnh, Mỹ và châu Âu vẫn coi Liên Xô &Trung Quốc là một khối bất khả phân ly. Phải đến năm 1969, khi hai cường quốc cộng sản hầm hè nhau bên bờ vực chiến tranh, phương Tây mới vỡ lẽ. Tổng thống Mỹ Richard Nixon được Henry Kissinger cố vấn, nhân dịp này đã bắt tay với Mao năm 1972 để làm yếu đi Liên Xô. Đồng thời tìm cách rút chân khỏi cuộc chiến Việt Nam, mà The Economist trong bài « Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, 50 năm sau » nhắc nhở, với cái giá là sự phản bội đồng minh.
Nhiều nhà chiến lược ngồi trong văn phòng cho rằng lần này, phải theo mô hình 1972 nhưng đảo ngược : hy sinh Ukraina và liên minh với Matxcơva để chống lại Bắc Kinh. Nhưng nếu từng đánh giá thấp sự thù địch lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga cách đây nửa thế kỷ, giờ đây những ai nghĩ rằng có thể tách rời hai nước này đã coi nhẹ tính vững chắc của trục Nga-Trung.
Nga-Trung, hai đồng minh độc tài chống phương Tây
Hai bên đoàn kết với nhau vì cùng ác cảm với thế giới dân chủ và sức mạnh Mỹ, muốn đẩy mạnh chuyên chế, chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh, ngăn cản mọi xu hướng tự do có thể làm lung lay chế độ. Nga-Trung làm hòa từ khi giải quyết tranh chấp biên giới năm 2005, và nhất là sau khi Vladimir Putin thách thức phương Tây qua việc nuốt chửng một phần lãnh thổ Ukraina năm 2014. Putin coi Liên Xô sụp đổ năm 1991 là thảm họa cho tham vọng đế quốc của Nga, còn Tập rút ra bài học là phải thẳng tay bóp nghẹt mọi khát vọng tự do.
Matxcơva giúp cải thiện năng lực quân sự và cung cấp nguồn dầu khí cho Trung Quốc luôn đói năng lượng, còn Bắc Kinh giúp giảm nhẹ tác động trừng phạt của phương Tây, tăng thêm vị thế địa chính trị cho Nga. Quân đội đôi bên tổ chức những cuộc tập trận chung ngày càng tinh tế, thương mại song phương đạt kỷ lục 140 tỉ đô la trong năm ngoái.
Tuy nhiên hai chế độ độc tài vẫn nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt Putin không thể nào hài lòng vì thế yếu trước người khổng lồ kinh tế. Theo AidData, Nga trở thành con nợ hàng đầu với 125 tỉ đô la, đầu tư Trung Quốc vào Xibêri là đáng thất vọng. Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Cirimée, Matxcơva cũng không nhìn nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Nước Nga thời Stalin hãnh diện làm « người anh cả » của nước cộng hòa nhân dân non trẻ thời Mao, nhưng giờ đây Nga đang dần dà trở thành chư hầu của Bắc Kinh.
Cựu tổng thống Pháp : Putin có thể gặm nhấm ít đất, nhưng không tiến vào tận Kiev
Về tình hình Ukraina, trang bìa Le Point là hình ảnh đoàn xe tăng dàn hàng trên mặt đất đầy tuyết trắng, chạy tựa lớn « Nga-Ukraina : Trò chơi chiến tranh », và dành đến 15 trang trong cho hồ sơ này.
Đặc phái viên của tuần báo tại Kiev mô tả quảng trường Maidan lịch sử với lá cờ sao của Liên Hiệp Châu Âu bay phấp phới bên cạnh quốc kỳ Ukraina, và biểu tượng NATO. Từ sau cuộc cách mạng màu cam năm 2004, ngôn ngữ Ukraina vốn chỉ dùng trên truyền hình trở thành phổ biến, và gần đây tiếng giày đinh đe dọa từ phía Nga khiến lực lượng quân dự bị tăng vọt.
Hồ sơ của tờ báo điểm qua « Những bóng ma lịch sử » của Ukraina, đất nước phải mất gần 1.000 năm mới trở thành quốc gia độc lập. Tuần báo cũng trích dịch bài viết dài lê thê của Vladimir Putin trên trang web điện Kremlin, giải thích « Nga và Ukraina là một dân tộc duy nhất ». Đặc phái viên tại Matxcơva cho biết « Điện Kremlin tập cho giới trẻ làm quen với quân đội như thế nào » : từ những buổi cắm trại « ái quốc » đến các câu lạc bộ bán quân sự.
Trong bài trả lời phỏng vấn, cựu tổng thống Pháp François Hollande, người đã thương lượng được việc ngừng bắn với Ukraina năm 2015, cho rằng « Putin sẽ không tiến đến tận Kiev ». Ông ta chỉ gặm nhấm một ít lãnh thổ của Ukraina, vì chiếm hẳn Ukraina sẽ là một khiêu khích trắng trợn với phương Tây, và đáp trả của Kiev sẽ mạnh mẽ hơn hồi năm 2014. Theo cựu tổng thống Pháp, cần phải tỏ ra cứng rắn với Vladimir Putin, không nên đánh giá quá cao ông ta.
Ukraina, tâm chấn mới của thế giới
Trong bài « Ukraina, tâm chấn mới của thế giới », L\’Obs quay lại với thời điểm 1997, sáu năm sau khi Liên Xô sụp đổ và ba năm trước khi Vladimir Putin bước vào điện Kremlin, sự độc tôn của Mỹ là không thể tranh cãi. Cố vấn của tổng thống Jimmy Carter, ông Zbigniew Brzezinski, một trong những chuyên gia giỏi nhất về tương quan lực lượng thế giới, đã tiên đoán trong thế kỷ 21 Ukraina sẽ trở thành một cột trụ địa chính trị, tương lai sức mạnh Mỹ và thế giới được đặt cược ở đây.
Trong cuốn sách xuất bản cách đây 25 năm, Brezezinski giải thích vì sao Ukraina luôn ám ảnh Putin. Khi tuyên bố độc lập năm 1991, Ukraina đã kết thúc hơn 300 năm lệ thuộc, khiến nước láng giềng bỗng mất đi một nền kinh tế đầy tiềm năng kỹ nghệ, nông nghiệp và dân số 52 triệu người mà gốc gác, văn minh, tín ngưỡng gần gũi với người Nga. Matxcơva cũng mất vị trí thống trị ở Hắc Hải, vì cảng Odessa là nơi giao thương truyền thống với các nước Địa Trung Hải và xa hơn nữa. Tái lập được việc kiểm soát Ukraina, Nga có thể lại trở thành đế quốc hùng mạnh trải rộng từ Âu sang Á.
Vì vậy trong lá thư dài gởi các quân nhân Nga hồi tháng Bảy, Vladimir Putin khẳng định « Nga và Ukraina là một dân tộc duy nhất ». Thế nhưng cứ 10 người dân Ukraina đã có đến 9 người bỏ phiếu ủng hộ độc lập năm 1991. Và từ khi Putin nắm quyền, họ đã hai lần cố thoát khỏi quỹ đạo Nga : cuộc cách mạng màu cam năm 2004 và cách mạng Maidan cuối 2013. Việc Nga xâm chiếm Crimée càng làm Ukraina mong muốn gia nhập NATO, ý hướng này năm 2020 được ghi vào Hiến Pháp.
Tuần báo Pháp tiết lộ tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đề nghị Boris Eltsine chấp nhận để NATO mở rộng cho các cựu thành viên Hiệp ước Vacxava. Tổng thống Nga, đau yếu và uy tín đi xuống, lúc đó đang tranh cử nhiệm kỳ hai, rất cần sự ủng hộ của Nhà Trắng, để yên cho Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Sec lần lượt gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Sau khi Putin lên thay, ba nước vùng Baltic cũng trở nên thành viên, tân tổng thống không có ý kiến thậm chí còn gợi ra việc Nga gia nhập NATO. Đến sau chiến tranh Irak, ông chủ điện Kremlin mới coi NATO là mối đe dọa.
Nga và Mỹ, ai sẽ lùi bước ?
Vladimir Putin chuẩn bị đối đầu với Mỹ. Ông ta xóa sạch những mầm mống nội bộ chống lại quyền hành tuyệt đối của mình, tống Alexei Navalny vào tù sau khi đầu độc mà nhà đối lập không chết. Rồi lợi dụng đại dịch Covid, tháng 6/2020 Putin cho thông qua Hiến Pháp giúp trị vì suốt đời. Song song đó, ông tăng cường binh lực. Theo New York Times, chỉ trong 10 năm quân đội Nga được bổ sung 1.000 chiến đấu cơ và các xe tăng T-72B3 phóng tên lửa, sở hữu hỏa tiễn siêu thanh mang đầu đạn nguyên tử có thể tránh được lá chắn tên lửa của Mỹ. Phương Tây đe dọa trừng phạt nặng nề nếu Nga xâm lăng Ukraina.
Cuối cùng ai sẽ nhường ai ? Đối với Putin, dừng lại nửa đường là từ bỏ tham vọng đế quốc đã dần dà vun đắp từ 20 năm qua, và nhất là gây nguy hiểm cho phe nhóm của mình. Nhưng tấn công Ukraina, kể cả bằng « chiến tranh phức hợp », có thể khởi động xung đột với siêu cường nguyên tử mà không ai biết được lối thoát sẽ như thế nào. Còn đối với Washington, lãnh đạo thế giới tự do, chấp nhận giảm sự hiện diện quân sự theo yêu sách của Nga sẽ làm yếu đi vị thế, tuy nhiên đối phó với Nga thì lại khó tập trung sức cho việc đối đầu với Trung Quốc – vốn đang rình rập. Hôm 27/01, lần đầu tiên Bắc Kinh lên tiếng bênh vực Matxcơva trong hồ sơ Ukraina, có thể để cảm ơn Putin quá bộ đến dự Olympic, hoặc nhằm đổi lấy lời hứa không tấn công Kiev trong thời gian Thế vận hội.
Dù sao đi nữa, hậu quả từ một bước lùi dù nhỏ của Washington tại châu Âu sẽ rất lớn: Bắc Kinh sẽ dấn tới ở châu Á đặc biệt là Đài Loan, một trụ cột khác của địa chính trị toàn cầu. Tập Cận Bình cho rằng quân đội Mỹ sẽ không bảo vệ đảo quốc, thời cơ của Trung Hoa vĩ đại đã đến. Và thế giới bước hẳn vào một kỷ nguyên khác !
Sớm muộn gì chiến tranh cũng diễn ra ở Ukraina ?
L\’Obs đặt câu hỏi Cuộc chiến Ukraina sẽ xảy ra hay không ? Vladimir Putin là một nhà chiến lược tài ba, hay là kẻ kiêu căng hành động theo cảm tính? Ông ta đã quyết định xâm lược Ukraina, hay còn để ngỏ cho ngoại giao?
Tuy vậy không còn nghi ngờ gì nữa: việc Nga điều 100.000 quân đến biên giới Ukraina, sang Belarus và tại Hắc Hải, là dấu hiệu cho thấy một lần nữa vận mệnh châu Âu lại đang bị đe dọa. Việc chiếm Crimée và khống chế miền đông chưa dẫn đến những thay đổi địa chính trị như Putin mong muốn, tiến trình Minsk sa lầy. Chẳng những không yếu đi, quân đội Ukraina còn lớn mạnh, và các drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ uy lực. Hơn nữa, từ khi Estonia gia nhập năm 2014, NATO chỉ cách Saint Petersbourg hai tiếng đồng hồ xe chạy.
Phải nói rằng nếu Putin quyết định tấn công thì thật đúng thời điểm. Hoa Kỳ đã nói rằng sẽ không can thiệp quân sự, Nga đã chuẩn bị đối phó với trừng phạt kinh tế của phương Tây và liên kết với Trung Quốc, châu Âu chia rẽ hơn bao giờ hết. Riêng Đức với đường ống Nord Stream 2 và kế hoạch đóng các nhà máy điện nguyên tử, lại càng lệ thuộc khí đốt Nga hơn. Như vậy NATO sẽ không tham chiến để giải cứu Ukraina, còn chính sách đối thoại giữa Emmanuel Macron và Vladimir Putin bắt đầu từ 2019 đã thất bại, tổng thống Pháp bị chỉ trích vì ngây thơ trước Kremlin.
Ngược với Ukraina luôn phải ở thế phòng thủ, Putin có vô số chọn lựa. Hoặc không kích để vô hiệu hóa các vũ khí của Ukraina mà không phải đổ quân sang, hoặc tấn công chớp nhoáng từ Belarus – có thể từ ngày 10 đến 20/02 nhân cuộc tập trận chung, hoặc chiếm luôn hai vùng ly khai Donetsk và Lougansk. Thậm chí triển khai lực lượng thủy quân lục chiến với thiết giáp đổ bộ vừa được tập trung gần đây để can thiệp tại miền nam Ukraina, từ Marioupol đến Odessa hoặc tận biên giới Rumani. L\’Obs kết luận, dù với dạng nào, chiến tranh Ukraina cũng sẽ diễn ra, và thực chất đã bắt đầu.