Quốc Hội Pháp thảo luận về luật chống nạn cướp nội tạng tại Trung Quốc

Quốc Hội Pháp thảo luận về luật chống nạn cướp nội tạng tại Trung Quốc

Đăng ngày: 05/02/2022

Trọng Thành

Quốc Hội Pháp thảo luận và bỏ phiếu dự luật chống nạn cưỡng bức lấy tạng tại Trung Quốc đúng ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Chính quyền kháng chiến chống giới tướng lãnh Miến Điện tăng cường vận động quốc tế công nhận. Ukraina rút dự luật gọi Nga là « nhà nước gây hấn » để thúc đẩy đàm phán. Album nhạc « Di sản Goldman » vinh danh sự nghiệp của Jean-Jacques Goldman, nhân vật được người Pháp yêu thích nhất, lặng lẽ ra mắt với dàn nghệ sĩ ít tên tuổi.

Tại Pháp, Trung Quốc tiếp tục bị lên án về các tội ác về nhân quyền. Ít ngày sau khi Quốc Hội Pháp ra nghị quyết lên án tội ác « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ, hôm qua, 04/02/2022, đúng vào ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa đông ở Bắc Kinh, các dân biểu Pháp thảo luận về dự luật siết chặt quy định về « du lịch ghép tạng », với mục tiêu chống nạn cưỡng bức lấy nội tạng tại một quốc gia ngoài châu Âu, để phục vụ cho nhu cầu ghép tạng của khách hàng Pháp. Đối tượng của luật này không có quốc gia nào khác hơn là Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không bị chỉ đích danh trong dự luật.

Chủ trì dự luật là nữ dân biểu Frédérique Dumas, ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội cựu thành viên đảng cầm quyền LREM, nổi tiếng là một tiếng nói lên án mạnh mẽ Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền. Dự luật của nữ dân biểu Dumas dựa trên các khảo sát của chuyên gia Mỹ Ethan Gutmann và « Liên minh quốc tế chấm dứt các hành động ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc » (End Transplant Abuse in China, ETAC).

Dựa trên các nhân chứng, khảo sát của các nghị sĩ và các điều tra của báo chí, chuyên gia Gutmann ước tính hàng năm có khoảng từ 25 nghìn đến 50 nghìn thanh niên người Duy Ngô Nhĩ (thiểu số theo đạo Hồi) bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức lấy tạng. Ông Gutmann cho biết đã xác định được tại vùng Aksu, khu tự trị Tân Cương, một tổ hợp bệnh viện – trại giam – lò thiêu xác, nơi việc cưỡng bức lấy tạng quy mô lớn diễn ra.

Đa số nạn nhân là « tù nhân lương tâm »

Người chủ trì dự luật nhấn mạnh là nếu như tại phần lớn các quốc gia, việc ghép tạng có nguồn gốc đáng ngờ xuất phát từ buôn bán « bất hợp pháp », thì riêng tại Trung Quốc, các hoạt động bất hợp pháp này « trực tiếp do chính quyền tổ chức », với nạn nhân chủ yếu là tù nhân, « đặc biệt là tù nhân lương tâm ».

Ghép tạng được coi là một ngành công nghiệp sinh lời tại Trung Quốc. Theo một điều tra quốc tế về quy mô ghép tạng bất hợp pháp tại Trung Quốc, được báo chí Pháp trích dẫn, năm 2015 ước tính Trung Quốc có từ 60.000 đến 100.000 vụ ghép tạng, chứ không phải chỉ là 10.000, theo số liệu chính thức. Thông thường để được ghép tạng trên thế giới, thời hạn chờ đợi là trung bình 3 năm, riêng tại Trung Quốc, chỉ có vỏn vẹn hai tuần.  

Dự luật chống ghép tạng bất hợp pháp được trình ra trước Quốc Hội Pháp không được đảng cầm quyền ủng hộ, với lý do cho đến nay chưa có bằng chứng về « du lịch ghép tạng » giữa Pháp và Trung Quốc, và luật có thể gây trở ngại cho các hợp tác quốc tế hợp pháp của Pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng cho biết đang nỗ lực để xử lý vấn đề này trên quy mô quốc tế, đặc biệt thông qua công ước Compostelle của Hội Đồng Toàn Châu Âu về chống buôn bán nội tạng người bất hợp pháp, mà Quốc Hội Pháp vừa phê chuẩn ngày 27/01.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment