Căng thẳng Nga-Ukraine: Ba Lan, Romania, Đức đều lo ngại chiến tranh nổ ra

Căng thẳng Nga-Ukraine: Ba Lan, Romania, Đức đều lo ngại chiến tranh nổ ra

5 giờ trước

\"Ông
Chụp lại hình ảnh,Ông Macron (phải) được chụp cùng với ông Putin vào năm 2019, trước đó ông đã kêu gọi một mối quan hệ mới với Nga

Tuần này, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đều có chuyến công du tới Nga, Ukraine để làm giảm căng thẳng tình hình xung quanh vấn đề Ukraine.

Thế nhưng nhiều vấn đề của châu Âu hiện đang bị cho là chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng về nhu cầu \”đảm bảo an ninh của Nga\” và việc bảo toàn lãnh thổ Ukraine, có gốc rễ lâu dài.

Nhiều nước châu Âu đang có vấn đề phải tính toán xem nếu xung đột nổ ra ở Ukraine thì họ sẽ thiệt, lợi ra sao.

Tương lai của châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên trang Atlantic Council trong tháng 12/2021 rằng \”Tương lai của châu Âu sẽ được định đoạt ở Ukraine\” (Europe\’s future will be decided in Ukraine), nêu ra ba thảm hoạ cho châu Âu:

\”Cuộc chiến lớn ở Ukraine sẽ đẩy châu Âu vào khủng hoảng. Chừng 3 – 5 triệu người tỵ nạn sẽ chạy khỏi cuộc xâm lăng của Nga, trở thành một trong nhiều lo ngại lớn cho xã hội châu Âu.\”

Bên cạnh đó, EU phụ thuộc vào nguồn lúa mì từ Ukraine và Nga. Chiến tranh sẽ gây ra cảnh bất an về lương thực.

Nhưng quan trọng hơn, cuộc chiến Nga gây ra sẽ chấm dứt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, như châu Âu đã biết từ nhiều thập niên qua.

Người ta có thể bác bỏ quan điểm của ông Reznikov về mối \”đe dọa\” với Nato và EU phải coi chừng Nga và ủng hộ Kyiv.

Nhưng nhìn từ ba nước thuộc nhóm đông dân nhất của EU là Ba Lan, Đức và Romania thì các vấn đề do cuộc chiến của Nga gây ra là hoàn toàn có thực, với mỗi nước đang đối mặt với thách thức khác nhau.

\"Một
Chụp lại hình ảnh,Một đơn vị lính Mỹ diễu hành ở Warsaw năm 2017

Ba Lan \”sẽ gặp khủng hoảng an ninh\”

Nhà bình luận Witold Jurasz viết hôm 20/01 rằng trong tình huống xấu nhất cho Ba Lan là Nga sẽ \”chiếm đóng quốc gia 40 triệu dân là Ukraine, và làm chủ Belarus\”.

\”Quân đội Nga sẽ nhanh chóng hiện diện dọc ở biên giới phía Đông của Ba Lan – hiện nay Ba Lan và Nga đã có biên giới chung nhưng rất ngắn ở đặc khu Kaliningrad trên biển Baltic – và Ba Lan sẽ trở thành nước rìa EU, đối đầu trực tiếp với Moscow.\”

\”Lúc đó, vị thế tuyến đầu của Ba Lan giống Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh – là nước \’do Hoa Kỳ bảo vệ\’, với tất cả các hệ lụy địa chính trị mới,\” ông Jurasz nêu giả thuyết trong bài trên trang Onet.pl.

Các báo Ba Lan cũng nói một khi Ukraine bị Putin tấn công toàn diện để kiểm soát thì kinh tế Ba Lan sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng.

Việc đầu tiên là bất ổn an ninh sẽ tác động đến kinh doanh.

Vấn đề thứ nhì là hàng vạn lao động Ukraine đang ở Ba Lan sẽ về nước chiến đấu chống Nga.

Việc thứ ba là hàng trăm nghìn, có thể hàng triệu người Ukraine tỵ nạn sẽ tràn sang Ba Lan, chạy loạn.

Một nhà quan sát khác, Michal Kacewicz, từ đài truyền hình Belsat ủng hộ phong trào dân chủ Belarus, đồng ý rằng dù Ba Lan sẽ không bị Nga tấn công trực tiếp, nhưng chiến tranh ở Ukraine sẽ gây tác động rất xấu cho Ba Lan.

Trả lời phỏng vấn trang Noizz.pl ông Kacewicz, người có các chuyến thăm đều sang Nga, Ukraine và Belarus nêu quan điểm của ông rằng một trận chiến hạn chế của Nga nhằm nối vùng sát bán đảo Crimea với Donbass xem ra có nhiều khả năng hơn là chiến tranh toàn diện.

\"Quân
Chụp lại hình ảnh,Quân Mỹ và Ba Lan tập trận

\”Như thế, Nga sẽ cắt toàn bộ lối ra Hắc Hải của Ukraine.\”

Nhưng với cuộc chiến trên bộ, chẳng hạn đánh chiếm Kharkov, Kyiv, ông tin rằng Nga sẽ gặp sự chống cự.

\”Lòng dân Ukraine đã thay đổi\”, khác năm 2014 khi Nga chiếm Crimea, vì hàng triệu người Ukraine, gồm cả khối dân vùng Đông Nam nói tiếng Nga, không hề ủng hộ Putin, nhà quan sát cho biết.

\”Cuộc chiến chống lại dân tộc 40 triệu người sẽ không đem lại gì tốt đẹp cho quân đội Putin. Nó có thể đem lại sự sụp đổ của ông ta.\”

Chưa kể, người dân Ukraine \”có truyền thống chiến tranh du kích\”, và con số quân chính quy cùng dự bị có thể lên tới 400 nghìn, sẵn sàng chống trả, gây thiệt hại nặng cho quân Nga.

Tuy thế, ông thừa nhận trên thực tế Ukraine đã bị bao vây: Nga tập trung quân ở phía Đông Ukraine, ở phía Biển Đen và đe dọa Ukraine từ lãnh thổ Belarus.

\"Nga

Nhà phân tích Witold Jurasz cũng nhắc lại tâm lý hồ hởi của một số người Ba Lan, gồm cả các nhân vật truyền thông, và một số chính trị gia, khi ủng hộ \”cách mạng dân chủ Belarus\” hai năm trước.

Theo ông Jurasz, họ không hiểu rằng vì cuộc \”cách mạng thất bại đó\”, mà Belarus thực tế đã mất chủ quyền, dựa hoàn toàn vào ông Putin.

\”Kết quả của cuộc cách mạng bất thành đó là vô cùng tệ hại cho Ba Lan. Vì chúng ta đứng trước hai lựa chọn: Lukashenko không dân chủ, hay Lukashenko tuân phục Nga hoàn toàn. Tóm lại, nay thì quân Nga đóng tại Belarus [có thể tấn công Ukraine từ đó] cho thấy chủ nghĩa lãng mạn kiểu Ba Lan tan vỡ trước thực tế.\”

Trước mắt, Ba Lan đang làm một việc là cố gắng tác động để giảm căng thẳng ở Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tới Bắc Kinh dự Thế vận hội Mùa đông đã hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Duda muốn Trung Quốc tác động để Nga giảm căng thẳng tại Ukraine, nhưng phát biểu gần nhất của lãnh đạo TQ cảnh báo Nato – mà Ba Lan là thành viên – không nên mở rộng thêm sang phía Đông, cho thấy nỗ lực của Ba Lan không đạt gì, theo báo chí nước này.

Nước Đức có vượt qua quá khứ \’tội lỗi\’ với Liên Xô để cứng rắn với Nga?

\"Soviets
Chụp lại hình ảnh,Hồng quân Liên Xô chống phát-xít Đức trong Thế Chiến II. Có ý kiến nói vì cảm giác tội lỗi từ cuộc xâm lăng đánh vào Liên Xô trong Thế Chiến 2, giới chức Đức ngày nay không dám hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Đức hiện vẫn muốn đường ống Nord Stream II chuyển khí đốt từ Nga về châu Âu, bỏ qua Ukraine, được cấp phép, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế lớn nhất EU.

Hiện nay, Hoa Kỳ, Ba Lan, Ukraine và một số nước Đông Âu phản đối dự án này.

Nếu Nga đánh Ukraine, Đức sẽ bị buộc phải bỏ Nord Stream 2.

Ông Norbert Röttgen, thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Đức (Bundestag) nói với báo Anh, the Guardian, rằng: \”Nếu xảy ra chiến tranh của Nga ở Ukraine thì việc cấp phép cho Nord Stream 2 là coi như chấm dứt ngay.\”

Nhưng bỏ công trình này thì kinh tế Đức, quốc gia bạn hàng châu Âu lớn nhất của Nga, sẽ thiệt nhiều.

Tân thủ tướng Olaf Scholz tuy thế, cũng tìm cách giữ thế cân bằng phần nào trong quan hệ với Nga và vẫn từ chối hỗ trợ Ukraine về vũ khí.

Một triết lý địa chính trị tại Đức tin rằng Đức cần nằm ở điểm giữa trên hai đoạn đường sang Mỹ, và sang Nga, theo nghĩa bóng.

Nhưng nay, chủ nghĩa thực dụng kiểu Đức trong quan hệ với Nga đã rơi vào \”ngõ cụt\” (dead-end), theo Gustav Gressel viết trên trang ecfr.eu.

Giới chức Đức vẫn còn cảm giác tội lỗi vì cuộc xâm lăng của phát-xít Đức đánh vào Liên Xô trong Thế Chiến 2, nên không dám đương đầu với Nga ngày nay.

Nhưng theo ông Röttgen thì thủ tướng Scholz vì chần chừ, nên có nguy cơ làm tan vỡ uy tín của Đức trước các đối tác vào thời điểm lịch sử này.

Nhìn từ Romania – các món nợ lịch sử đòi phải trả?

Borzou Daragahi viết từ Bucharest, thủ đô Romania cho trang The Independent ở Anh (29/01/2022) rằng quốc gia 19 triệu dân có lãnh thổ giáp Ukraine và Moldova (thuộc Liên Xô cũ), đang lo lắng về các động thái của Putin.

Romania đã cho Hoa Kỳ đặt căn cứ hỏa tiễn ở Deveselu và sẽ nhận thêm 1.000 quân Mỹ.

Dù không sợ bị Nga tấn công trực tiếp, Romania có nhiều vấn đề lịch sử, sắc tộc chưa giải quyết trong quan hệ với khối quốc gia, dân tộc thuộc Liên Xô cũ.

\”Moldova chỉ có 1,9 triệu dân, với đa số là người nói tiếng Romania, có thể thành bàn đạp để Nga đánh Ukraine từ phía Tây Nam.\”

\”Transnistria, lãnh thổ của Moldova ly khai sau Chiến tranh Lạnh chỉ có 400 nghìn dân, nhưng chính quyền tại đó do một phái vũ trang nói tiếng Nga, thân Kremlin làm chủ.\”

Theo một đánh giá của Trung tâm Carnegie Europe (2018) các lãnh đạo nói tiếng Nga ở Transnistria vẫn suy nghĩ như thời Liên Xô, nhận viện trợ từ Moscow và tự cho mình \”thuộc thế giới Nga\”.

Họ có đối thoại với EU nhằm tìm kiếm một quy chế tự trị trong liên hiệp hoặc liên bang với Moldova – bản thân Moldova muốn giải quyết vấn đề Transnistria để có thể xin gia nhập EU.

Lãnh đạo Transnistria Vadim Krasnoselsky không muốn rơi vào tình cảnh như các \”Cộng hòa vùng Donbass\” ở Đông Ukraine, nhưng nếu tình hình thay đổi ở Ukraine thì tâm lý ở vùng ly khai giáp Romania này có thể đổi thái độ.

Nếu xảy ra chiến sự tại Ukraine, dải đất nhỏ Transnistria hoàn toàn có thể được Nga cấp viện trợ các loại vũ khí tối tân và dùng làm bàn đạp gây rối loạn cho Moldova, Romania, theo đánh giá của Burzou Daragahi.

Cùng lúc, các trưng cầu dân ý tại Moldova cho thấy luôn có một đa số dân muốn hợp nhất với Romania – đa số người dân hai nước tin rằng họ có chung quá khứ là một dân tộc \’Quốc gia Đại Romania lịch sử\”.

Nhưng việc Moldova tách hẳn khỏi khu vực Liên Xô cũ để thành thành viên EU và Nato là điều Nga không muốn.

Vấn đề càng phức tạp hơn khi ta thấy Transnistria lại chưa bao giờ thuộc về lãnh thổ \”Romania lịch sử\”.

Việc thay đổi tình trạng hiện hữu về Ukraine có tiềm năng đẩy các xung khắc truyền thống lên đỉnh cao, với hệ quả không rõ sẽ ra sao.

Hiện Romania không chỉ nhận thêm quân Mỹ, mà còn muốn nhận một số lượng quân Pháp để tăng cường an ninh phía Đông của họ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment